Trang tin tức sự kiện

Hành trình từng bước săn học bổng liên thông cho hai bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ toàn phần từ University of Manchester, UK của cựu sinh viên UEB

Hoàng Đức Chính - Cựu sinh viên khóa QH-2016-E Khoa KT&KDQT luôn ấp ủ ước mơ phát triển con đường học vấn để tích lũy thêm nhiều kiến thức về kinh tế. Nhờ nỗ lực không ngừng, Đức Chính đã giành được học bổng toàn phần liên thông Thạc sĩ và Tiến sĩ toàn phần tại University of Manchester, trị giá gần 6 tỷ đồng.



Nhận được học bổng toàn phần vẫn luôn là ước mơ của nhiều sinh viên, học viên bởi đó không chỉ là hỗ trợ tài chính mà còn giúp các bạn mở ra cánh cửa rộng đến với tương lai, đem đến nhiều trải nghiệm tại một quốc gia mới. Vương quốc Anh - một quốc gia yên bình, có hệ thống giáo dục được quốc tế đánh giá cao trên toàn thế giới, văn minh phát triển với lịch sử lâu đời chính là điểm đến được Đức Chính “nhắm tới”. Và giấc mơ đã thành hiện thực khi bạn đã chinh phục thành công học bổng liên thông Thạc sĩ và Tiến sĩ toàn phần ngành Economics của University of Manchester, Vương quốc Anh - một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu tại Anh.

Chắc hẳn UEBers tự hỏi phía sau con đường đến với Anh quốc, Đức Chính đã tìm kiếm, chuẩn bị hồ sơ học bổng như thế nào? Cùng nghe những chia sẻ của Đức Chính nhé!

Phóng viên: Xin chào Đức Chính! Đầu tiên, chúc mừng bạn đã săn thành công học bổng liên thông cho hai bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ toàn phần tại University of ManchesterBạn có thể chia sẻ về khoảng thời gian là sinh viên UEB? 

Đức Chính: Có thể nói, ngoài chuyện học tập trên lớp ra thì quá trình 4 năm của mình ở UEB được chia thành 2 nhánh song song và cân bằng: nghiên cứu khoa học (NCKH) và các hoạt động ngoại khóa. Với hai nhánh này thì mình đều đạt được một số thành tích tương đối tốt.

Tuy nhiên, trước khi đi sâu hơn vào những hoạt động đó, có 2 điều mình muốn chia sẻ với các bạn. Thứ nhất, mình là người tiếp thu nhanh, nhưng lại không nhớ lâu, thậm chí có nhiều kiến thức học ở đại học mà đến giờ mình vẫn phải học và ôn tập lại mới bắt đầu “vỡ ra”. Điểm GPA của mình cũng không quá cao (3.54) so với những người muốn theo đuổi con đường nghiên cứu mà mình biết. Vậy nên mình không phải là người quá xuất sắc, chỉ là mình biết cách sử dụng thời gian tốt hơn nhiều bạn thôi. Thứ hai, những điều mình làm được hồi còn là sinh viên, có thể đến bây giờ chính mình cũng không làm lại được bởi sự cạnh tranh đã cao hơn rất nhiều chỉ sau 4 - 5 năm. Và theo mình, may mắn luôn luôn là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Quay trở lại câu hỏi mình đã làm gì ở UEB. Mình chọn UEB là nguyện vọng 1, không phải nguyện vọng 2 như nhiều bạn khác. Vậy nên mình có “mindset” là luôn phải tối ưu hóa khoảng thời gian là sinh viên UEB hơn so với nhiều bạn, luôn tìm cách để không làm phí thời gian và tiền bạc. Do đó, mình luôn cố gắng làm tốt nhất những điều đang làm tại từng thời điểm, và rồi một thứ sẽ dẫn tới nhiều thứ khác, khiến thời gian đại học của mình được tận dụng tốt hơn và ý nghĩa hơn.

Đối với các hoạt động học thuật và nghiên cứu, cơ hội đầu tiên của mình đến ngay từ kỳ I năm nhất đại học khi một chị trong cùng CLB hồi đó đã rủ mình tham gia xây dựng một bài dự thi khởi nghiệp cho cuộc thi Mekong Challenge. May mắn thay, sau đó đội mình đã được vào vòng chung kết và dự thi ở Myanmar. Kể từ đó, mình bắt đầu quan tâm hơn đến các cuộc thi NCKH trong trường và tiếp tục đăng ký tham gia nghiên cứu vào năm 2. Với sự hướng dẫn kỹ lưỡng của TS. Vũ Thanh Hương - Phó trưởng Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế, nhóm mình đã đạt giải Nhì toàn trường. Kết quả nghiên cứu đó đã được đăng trên một tạp chí quốc tế nhỏ, làm động lực cho mình tiếp tục công việc nghiên cứu này. Những năm sau đó mình cũng tiếp tục tham gia thi với các đề tài khác phức tạp hơn. Điều này vừa giúp mình thỏa mãn được sự tò mò muốn khám phá nhiều chủ đề khác nhau, nhiều phương pháp khác nhau, vừa giúp mình làm dày CV hơn nữa.

Đối với các hoạt động ngoại khóa, mình cũng bắt đầu từ hoạt động Đoàn của Khoa và Trường từ năm nhất. Mình cũng có tham gia một chút hoạt động CLB trong thời gian này nữa. Tuy nhiên đến hè năm 2, mình may mắn tham gia tổ chức một chương trình về ASEAN với quy mô cả nước. Đây cũng chính là bước đệm cho mình tham gia chương trình có quy mô quốc tế tại Singapore vào năm 3. Với những kinh nghiệm đó, mình cũng đã thành công trong việc giành một suất tham gia chương trình trao đổi sinh viên, cũng tại Singapore, cùng với 35 bạn sinh viên toàn ĐHQG khác.

Nếu nghiên cứu khoa học là quá trình giúp mình thỏa mãn sự tò mò về mặt học thuật, thì các hoạt động ngoại khóa lại giúp mình mở mang hơn về góc nhìn và trải nghiệm. Hai mặt này bổ trợ rất tốt cho nhau và đến giờ nghĩ lại, chúng có vai trò quan trọng tương đương trong việc khám phá bản thân của mình. Tuy nhiên, quay lại thời điểm chuẩn bị ra trường, chính việc có 2 thứ song song này, và thậm chí còn có những điểm trái ngược nhau lại khiến mình vô cùng bối rối về điểm mạnh, điểm yếu cũng như sở thích của bản thân.

Phóng viên: Sau khi ra trường, quyết định khó khăn nhất của bạn là gì?

Đức Chính: Sau khi ra trường, mình đã rơi vào tình trạng thiếu định hướng giống nhiều bạn sinh viên khác. Mình tham gia nhiều hoạt động NCKH tuy nhiên lại chưa chắc chắn rằng bản thân có thực sự thích và thực sự giỏi nghiên cứu hay không, hay do may mắn và các yếu tố môi trường khác. Hơn nữa, thời điểm đó cũng là lúc mình nhận ra nhiều điểm hạn chế của bản thân trong các đề tài NCKH, phần nào khiến mình muốn dừng việc đó một thời gian. Mặt khác, mình cũng cảm thấy thích thú với những kiến thức và kỹ năng được cải thiện xung quanh qua các hoạt động ngoại khóa, tuy nhiên mình không biết phải làm gì với chúng cả. Cùng lúc đó, thị trường lao động đang có nhiều cơ hội lớn, điển hình như các chương trình MT (Management Trainee) ở các công ty nước ngoài. Những chương trình này yêu cầu kiến thức chuyên môn tốt và kỹ năng mạnh, đổi lại, sinh viên được hứa hẹn mức lương tương đối cao. Mình cũng tham gia nộp hồ sơ và phỏng vấn ở vài nơi. 

Tuy nhiên, tất cả đều không có kết quả tốt. Sau đó, mình bắt đầu apply “bừa” ở nhiều công việc khác nhau. Trượt ngay cũng có, được gọi đi phỏng vấn cũng có, được offer tốt nhưng mình từ chối cũng có. Bởi đấy là thời gian mình mông lung về định hướng của bản thân nhất và không biết nên đi tiếp với con đường nào. Và rồi mình đã quyết định làm ở vị trí Business Development ở một công ty thương mại điện tử, và thậm chí có lúc mình còn tham gia một công ty bảo hiểm với công việc nghiên cứu sản phẩm. Nhưng những công việc đó đều chỉ kéo dài một vài tháng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian này, mình vẫn có một chút công việc nghiên cứu được tham gia cùng nhóm các thầy ở UEB.

Phóng viên: Vậy điều gì đã thay đổi bạn?

Đức Chính: Trong quá trình khá vô định đó, mình đã tham gia khóa học Trường Khoa học Việt Nam (VSSS), đây cũng chính là bước ngoặt cho bản thân, giúp mình nhận ra thích gì và cần phải làm những gì để theo đuổi điều đó. 

Sau khi kết thúc khóa học VSSS, mình nộp hồ sơ Thạc sĩ ngành Kinh tế vào một số trường ĐH nghiên cứu ở Hà Lan. Và mình trượt. 

Mình nhận tin báo trượt tất cả các trường nộp năm đó vào cuối tháng 3/2022, mình đã mất 1 tháng để “hồi phục”.Đến tháng 5, mình chính thức tham gia nhóm nghiên cứu của Khoa Kinh tế Chính trị của thầy Tô Thế Nguyên và thầy Nguyễn Anh Tuấn. Đây là 2 giảng viên có năng lực nghiên cứu rất tốt ở UEB và đã tạo cho mình môi trường tuyệt vời để phát triển trong những giai đoạn sau đó. Với các kinh nghiệm tích lũy trong thời điểm ấy, mình cũng dần lấy lại sự tự tin để mở rộng mối quan hệ hơn. Điều này đã giúp mình làm quen thêm với nhiều anh chị, trong đó có những người sau này đã giới thiệu mình tới nhóm nghiên cứu của các giáo sư tại các đại học hàng đầu Châu Âu như Copenhagen University (Đan Mạch) và Lancaster University (Vương quốc Anh).

Phóng viên: Những hoạt động NCKH trong thời gian học tập và làm việc tại UEB đã giúp bạn làm đẹp hồ sơ săn học bổng như thế nào?

Đức Chính: Mình nghĩ điều quan trọng nhất của hồ sơ săn học bổng không phải chỉ mỗi thành tích mà còn là sự nhất quán. Trong thời gian là Trợ lý nghiên cứu tại UEB, mình đã học được sự nhất quán trong sở thích nghiên cứu của mình, mình thể hiện được bản thân có khả năng làm nên những sản phẩm nghiên cứu tốt (thông qua các thành tích NCKH SV và các bài báo quốc tế). Hơn nữa, mình thể hiện được bản thân có những kỹ năng xã hội tốt thông qua các hoạt động ngoại khóa, mình còn có cơ hội làm việc với nhiều Giáo sư lớn, những người sau đó đã viết thư giới thiệu cho mình tới các trường để nộp hồ sơ học bổng. 

Phóng viên: Vậy quãng thời gian chuẩn bị hồ sơ của bạn như thế nào? Bạn mất bao lâu để chuẩn bị hồ sơ học bổng này?

Đức Chính:Mình tự tìm kiếm và tham khảo các loại học bổng toàn phần trên website các trường bên Châu Âu. Mình làm hồ sơ lần đầu vào tháng 9 năm 2020 (cho đợt nhập học tháng 9 2021). Đó là lần trượt đầu tiên. Mình lại làm hồ sơ tiếp năm 2021 và lại trượt lần thứ hai. Mãi cho đến năm vừa rồi (2022), sau hơn 2 năm làm hồ sơ, 6 năm tham gia các hoạt động nghiên cứu, mình đã thành công săn suất học bổng danh giá này.

Tuy nhiên, với tất cả những kinh nghiệm đã có, mình vẫn mất rất nhiều thời gian để làm hồ sơ. Mình chuẩn bị hồ sơ từ tháng 7/2022, gửi những email đầu tiên cho Giáo sư của trường vào đầu tháng 10, phỏng vấn vào tháng 12 và được nhận thư chính thức vào tháng 3. Trong khoảng hơn nửa năm đó, mình tập trung ôn thi GRE, viết luận cá nhân, xin thư giới thiệu, và quan trọng nhất là viết đề xuất nghiên cứu. Mình đã sửa rất nhiều bản đề xuất nghiên cứu để nộp cho nhiều trường khác nhau và chính những bản đề xuất nghiên cứu này đã làm tăng cơ hội nhận học bổng. Nhưng theo mình, để cơ hội nhận học bổng đến gần hơn cần phải chuẩn bị hồ sơ một cách toàn diện, cả về mặt nghiên cứu, học thuật hay hoạt động ngoại khóa bởi các trường có chính sách xét duyệt hồ sơ một cách toàn diện chứ không tập trung vào một vài điều kiện như trước. Và thật may mắn, sự nỗ lực của mình đã được công nhận khi University of Manchester đã gửi thư mời nhập học và trao cho suất học bổng toàn phần này.

Phóng viên: Bạn có lời chia sẻ nào muốn gửi gắm đến các bạn SV UEB?

Đức Chính: Ngoài việc phải chứng minh cho đại diện các trường thấy rằng mình là một người phù hợp và có khả năng theo đuổi con đường học thuật, điều quan trọng hơn là phải tự chứng minh điều đó cho chính bản thân mình. Cũng chỉ có khi đó mới có động lực để đứng dậy sau nhiều lần thất bại.

Hiện nay, có rất nhiều bạn sinh viên gặp các vấn đề về định hướng sau khi ra trường, mình cũng đã từng như vậy. Nhưng mình may mắn có được nhiều cơ hội để tham gia các hoạt động khác nhau giúp bản thân dần nhận ra được định hướng muốn theo đuổi. 

Có một điều mình muốn chia sẻ với các bạn sinh viên UEB rằng hãy tập trung và quyết liệt để có thể tối ưu hóa những thứ mình đang làm, điều đó sẽ giúp tối ưu những cơ hội đến với bạn. Càng nhiều cơ hội, càng có nhiều trải nghiệm mới sẽ khiến việc khám phá bản thân trở nên hiệu quả và có giá trị hơn. Điều đó cũng sẽ giúp các bạn tránh được peer pressure (áp lực đồng trang lứa) cũng như việc chạy theo những xu hướng không phù hợp với định hướng và đặc điểm của bản thân.

Cảm ơn Đức Chính về những chia sẻ của bạn. Chúc bạn thành công hơn nữa trong sự nghiệp nghiên cứu của mình tại “Xứ sở sương mù”!


Thiên Hương - UEB Media



Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành