Nghiên cứu “From Efficiency Analyses to Policy Implications: A Multilevel Hierarchical Linear Model Approach” đăng trên tạp chí “International Journal of the Economics of Business” tập 28, số 3 xuất bản năm 2021 của Ngô Đăng Thành (giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN) và các cộng sự là nghiên cứu đầu tiên ứng dụng cách tiếp cận theo mô hình tuyến tính có cấu trúc phân cấp (Hierarchical Linear Model - HLM) vào nghiên cứu phân tích hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở đánh giá 7.633 doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp chế biến tại Việt Nam trong giai đoạn 2010-2016, nghiên cứu đã đưa ra một số hàm ý chính sách mới cho các doanh nghiệp.
Các phương pháp phân tích hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau là những biện pháp có giá trị khuyến nghị và mang hàm ý chính sách, bởi vì đi kèm với ước lượng hiệu quả thường sẽ là hồi quy (tuyến tính) nhằm tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả đó. Với cách tiếp cận 2 bước như vậy, Bước 1 thường sử dụng phương pháp bao dữ liệu (Data Envelopment Analysis - DEA) hoặc phương pháp phân tích giới hạn biên ngẫu nhiên (Stochastic Frontier Analysis - SFA), trong khi đó Bước 2 thường sử dụng hồi quy Tobit hoặc hồi quy bị chặn (Truncated regression).
Trong Bước 2, các doanh nghiệp thường được xem xét dựa trên các yếu tố khác biệt về quyền sở hữu (doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân), địa phương hoạt động (thành thị hay nông thôn), loại hình doanh nghiệp (lớn, vừa và nhỏ, hay siêu nhỏ)… thông qua việc sử dụng các biến giả (dummy variable), ví dụ như sử dụng biến giả SOE có giá trị bằng 1 cho các doanh nghiệp quốc doanh hoặc có giá trị bằng 0 nếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Kết quả phân tích của Bước 2 sẽ có giá trị quan trọng trong việc dưa ra khuyến nghị hoặc hàm ý chính sách, ví dụ như nếu kết quả cho thấy các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có hiệu quả cao hơn doanh nghiệp quốc doanh, thì khuyến nghị tương ứng sẽ hướng theo việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhằm nâng cao hiêu quả hoạt động của các doanh nghiệp này.
Cách tiếp cận sử dụng biến giả nói trên, cùng với một biến thể phát triển hơn gọi là đường biên tổng hợp (meta-frontier), sẽ gặp khó khăn khi dữ liệu được sử dụng có cấu trúc phân cấp (hierarchical/structural data). Một ví dụ điển hỉnh của loại dữ liệu này là khi ta xem xét các học sinh trong cùng một lớp, các lớp trong cùng một trường, các trường trong cùng một quận, các quận trong cùng một thành phố… Khi đó, việc sử dụng biến giả sẽ không phản ánh được hết cấu trúc dữ liệu nói trên, và kết quả của Bước 2 có thể sẽ không phản ánh được thực trạng vấn đề, cũng như các hàm ý chính sách đưa ra sẽ không đầy đủ.
Trên cơ sở ứng dụng cách tiếp cận theo mô hình HLM vào Bước 2 của nghiên cứu phân tích hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để đánh giá 7.633 doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp chế biến tại Việt Nam giai đoạn 2010-2016, kết quả mới của bài báo (so với nghiên cứu sử dụng Bước 2 truyền thống) cho thấy: (i) Doanh nghiệp có nhiều lao động nữ thường có hiệu quả thấp hơn doanh nghiệp có nhiều lao động nam; (ii) Doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp thường kém hiệu quả hơn so với doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp; (iii) Doanh nghiệp hoạt động tại địa phương thường có hiệu quả cao hơn doanh nghiệp tại 5 thành thị lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ); (iv) Hiệu quả của các doanh nghiệp có xu hướng gia tăng theo thời gian; và (v) Việc giảm giá đồng tiền Việt Nam có tác dụng nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.
Từ đó, bài báo đưa ra một số hàm ý chính sách khuyến nghị các địa phương cần có các biện pháp cụ thể và phù hợp trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn. Quan trọng hơn, Chính phủ cũng có thể sử dụng công cụ tỷ giá cho mục đích tăng cường xuất khẩu và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp chế biến ở Việt Nam.
>> Xem chi tiết: Dao, T. T. T., Mai, X. T. T., Ngo, T., Le, T., & Ho, H. (2021). , “From Efficiency Analyses to Policy Implications: A Multilevel Hierarchical Linear Model Approach,”. International Journal of the Economics of Business, Volume 28, Issue 3 (2021). https://doi.org/10.1080/13571516.2021.1981750
- Tập thể tác giả:
- Đào Thị Thu Thủy (Học viện Thanh Thiếu niên, Hà Nội)
- Mai Thị Thanh Xuân (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN)
- Ngô Đăng Thành (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN)
- Lê Đức Quang Tú (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQGHCM)
- Hồ Kim Hương (Học viện Thanh Thiếu niên, Hà Nội)
- Trong đó, tác giả hiện đang công tác tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN:
| TS. Ngô Đăng Thành hiện là giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hướng nghiên cứu chính của ông tập trung vào lĩnh vực hiệu quả và năng suất trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, hàng không... Ông cũng tham gia một số nghiên cứu về phát triển bền vững. Tính đến nay, ông đã có hơn 20 bài báo được xuất bản trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus/ABDC. |