Trang tin tức sự kiện

Tác động của trái phiếu xanh đến môi trường tại các quốc gia: Vai trò điều tiết của chất lượng thể chế

Thị trường trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các dự án khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, giải quyết nhu cầu nguồn vốn cấp thiết nhằm giảm thiểu các mối đe dọa của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Sử dụng dữ liệu của 171 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 2007-2018, nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Minh Ngọc (Đại học James Cook – Australia), Lưu Hạnh Nguyên (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN), Hoàng Anh và Nguyễn Thị Ngọc Mai (Viện Kinh tế và Quản lý Chiến lược) nghiên cứu tác động của việc phát hành trái phiếu xanh đối với môi trường, trong đó có xét đến vai trò điều tiết của chất lượng thể chế của mỗi quốc gia. Toàn văn nghiên cứu “Environmental impacts of green bonds in cross-countries analysis: A moderating effect of institutional quality” được công bố trên tạp chí Journal of Financial Economic Policy (2023).



Thị trường trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các dự án khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, giải quyết nhu cầu nguồn vốn cấp thiết nhằm giảm thiểu các mối đe dọa của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Trong khi thị trường trái phiếu xanh đang phát triển rất mạnh mẽ với các cam kết về việc thúc đẩy phát triển bền vững, những lo ngại về tính hiệu quả của chúng nảy sinh xung quanh vấn đề “rửa xanh” (greenwashing) – vấn đề xảy ra khi các doanh nghiệp không trung thực với các cam kết về môi trường của họ. Ngoài ra, một mối lo ngại khác đến từ các ngoại ứng tiêu cực khi một số tổ chức phát hành trái phiếu xanh chuyển vốn cho các dự án gây hại cho môi trường. Nghiên cứu này tập trung làm rõ và giải quyết các quan điểm trái chiều về hiệu quả của trái phiếu xanh trong việc cải thiện các vấn đề về môi trường. 

Toàn văn bài báo được công bố trên tạp chí Journal of Financial Economic Policy (2023)

Sử dụng dữ liệu của 171 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 2007-2018, nghiên cứu chỉ ra việc các quốc gia phát hành trái phiếu xanh có tác động tích cực đến môi trường, bao gồm việc giảm phát thải khí CO2 và khí nhà kính, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Những phân tích sâu hơn chỉ ra rằng trái phiếu xanh chỉ đem lại những tác động tích cực đến môi trường khi chất lượng thể chế của các quốc gia phát hành đạt đến một mức độ nhất định. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu xanh tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn cũng cho thấy hiệu quả tích cực hơn đến môi trường. 

Nghiên cứu đưa ra hai hàm ý chính sách quan trọng:

Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách nên thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh để thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng thân thiện với khí hậu và công nghệ xanh, từ đó thúc đẩy sự chuyển đổi toàn cầu sang nền kinh tế bền vững. 

Thứ hai, việc nâng cao chất lượng thể chế là rất quan trọng trong việc đảm bảo tính hiệu quả của trái phiếu xanh. Các nhà hoạch định chính sách nên thiết lập các khung pháp lý chặt chẽ để giám sát việc sử dụng các nguồn vốn thu được từ việc phát hành trái phiếu xanh, giảm sự bất cân xứng thông tin (information asymmetry) và hạn chế các hành vi “rửa xanh”. Ngoài ra, việc ổn định tình hình chính trị và thị trường tài chính cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của trái phiếu xanh.

>>> THÔNG TIN BÀI BÁO

Nguyen, N.M., Luu, N.H., Hoang, A. and Nguyen, M.T.N. (2023), “Environmental impacts of green bonds in cross-countries analysis: A moderating effect of institutional quality”, Journal of Financial Economic Policy, Vol. ahead-of-print No. ahead-of-print. https://doi.org/10.1108/JFEP-01-2023-0020

>>> GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ

ThS. Lưu Hạnh Nguyên: Giảng viên Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Tài chính tại Đại học Utrecht (Hà Lan) và Đại học Toulouse 1 Capitole (CH Pháp), hiện là nghiên cứu sinh chương trình liên kết giữa Đại học Lincoln (UK) và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. 

Hướng nghiên cứu chính của ThS. Lưu Hạnh Nguyên gồm: Tài chính bền vững và chính sách tài chính khí hậu.


Trường Đại học Kinh tế



Các tin khác
Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành