Trang tin tức sự kiện

Tập huấn, chuẩn bị đánh giá ngoài ngành Kinh tế Phát triển

Buổi tập huấn là khâu chuẩn bị quan trọng trước khi tiến hành đánh giá ngoài chương trình
Nhằm chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá ngoài chính thức chương trình đào tạo (CTĐT) chuẩn trình độ đại học ngành Kinh tế Phát triển (KTPT), sáng ngày 20/10/2020, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức buổi tập huấn cho giảng viên của đơn vị. Đợt đánh giá chương trình này sẽ do đoàn ĐGN của Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Đại học Đà Nẵng thực hiện vào cuối tháng 10/2020.


Tham dự buổi tập huấn có PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tuân - Phó Hiệu trưởng; ThS. Nguyễn Thị Minh Phượng - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục; TS. Lưu Quốc Đạt - Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Phát triển; Hai khách mời là TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - Chủ nhiệm khoa Kế toán kiểm toán và TS. Đinh Thị Thanh Vân - Phó Chủ nhiệm khoa Tài chính Ngân hàng; cùng toàn thể giảng viên Khoa KTPT.

Mở đầu buổi tập huấn, TS. Lưu Quốc Đạt đã thay mặt nhóm viết báo cáo tự đánh giá đã tóm lược các nội dung chính của báo cáo. Báo cáo tự đánh giá CTĐT chuẩn trình độ đại học ngành KTPT gồm 3 phần: (1) Phần I: Khái quát, nhằm mô tả vắn tắt về Báo cáo tự đánh giá, quá trình tự đánh giá và giới thiệu vắn tắt về Trường ĐHKT và Khoa KTPT (là Khoa chuyên môn, phụ trách CTĐT chuẩn trình độ đại học ngành KTPT); (2) Phần II: Tự đánh giá CTĐT chuẩn trình độ đại học ngành KTPT theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT của Bộ GDĐT, trong đó xác định rõ những điểm mạnh, điểm tồn tại của chương trình và đề ra kế hoạch hành động khắc phục nhằm cải tiến chất lượng hoạt động đào tạo; (3) Phần III: Kết luận, tóm tắt những điểm mạnh, điểm tồn tại và những vấn đề cần cải tiến chất lượng, xác định kế hoạch cải tiến chất lượng CTĐT chuẩn trình độ đại học ngành KTPT và tổng hợp kết quả tự đánh giá.

TS. Lưu Quốc Đạt cho biết: nhận thức rõ tự đánh giá là khâu quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, do vậy báo cáo tự đánh giá của Khoa đã được thực nghiêm túc, cách thức làm việc khoa học, trách nhiệm và Khoa cũng đã thẳng thắn nêu ra điểm mạnh, điểm còn hạn chế. Qua đợt đánh giá này, Khoa KTPT có thể nhận diện các điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để có kế hoạch hành động khắc phục nhằm đưa hoạt động đào tạo của Khoa nói riêng, Trường ĐHKT nói chung đạt được mục tiêu đề ra.

Với vai trò khách mời tham dự, TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - Chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán chia sẻ: Tại thời điểm kiểm định CTĐT cử nhân ngành Kế toán, TS tham gia với tư cách là giảng viên thỉnh giảng giảng dạy cho chương trình. TS nhận thấy: yêu cầu tiên quyết là các giảng viên phải hiểu thật rõ về CTĐT. Cụ thể, từng môn học có các chuẩn đầu ra nào? Sự thay đổi

chung trong quá trình đào tạo/ tổ chức thực hiện CTĐT của Trường ra sao. Ngoài ra, tính liên kết giữa các học phần, tầm quan trọng/mức độ quan trọng của các học phần trong CTĐT cũng là yếu tố rất quan trọng. Đặc biệt, triết lý đào tạo của chương trình cần được phổ biến rộng rãi tới toàn thể các đối tượng liên quan và các đối tượng bên ngoài: giảng viên kiêm giảng, thỉnh giảng; nhà tuyển dụng.

Trong danh sách các CTĐT được đánh giá/công nhận do Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT công bố vào tháng 11/2019, CTĐT chất lượng cao trình độ đại học ngành Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế có kết quả đánh giá đạt 96% - điểm cao nhất trong số các chương trình được đánh giá toàn quốc. Là lãnh đạo Khoa trực tiếp tham gia công tác kiểm định ngành học này, TS. Đinh Thị Thanh Vân nhận định: chất lượng chương trình là yếu tố hàng đầu tuy vậy phương pháp truyền tải nội dung/ những điểm nổi trội của chương trình đến đoàn đánh giá như thế nào cũng vô cùng quan trọng. Một số điểm cần lưu ý gồm: (i) lựa chọn đối tượng phỏng vấn. Khoa phải thực sự lựa chọn được những cá nhân hiểu về chương trình, cung cấp được những thông tin đúng, chính xác về chương trình; (ii) Với giảng viên, cần hiểu rõ triết lý đào tạo, thế mạnh tiên phong của Trường; (iii) Rà soát/ nắm bắt được toàn bộ các học phần, các đề cương học phần trong khung chương trình. Giải thích, chứng minh được tính cấp thiết của sự thay đổi/ điều chỉnh; (iv) hệ thống minh chứng cần có đầy đủ, đa dạng gắn với không chỉ đào tạo mà còn các hoạt động hỗ trợ đào tạo.

ThS. Nguyễn Thị Minh Phượng - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục một lần nữa nhấn mạnh, triết lý đào tạo của chương trình được kết hợp từ mục tiêu, định hướng về đào tạo và các yếu tố hỗ trợ học tập trải nghiệm… hình thành nên người học có những phầm chất, năng lực và tư duy khoa học quản lý. Bản mô tả CTĐT đã được tích hợp: ma trận của các học phần, lịch trình đào tạo và các giảng viên đảm nhận học phần nào trong chương trình thì cần biết được học phần đó ảnh hưởng/góp phần như thế nào đến chuẩn đầu ra của toàn bộ chương trình. Nắm bắt được sự thay đổi của CTĐT, hiểu rõ về CTĐT, các thông tin điều chỉnh các đề cương học phần… là điều cần thiết đối với mỗi GV của Trường và của Khoa KTPT nói chung, hướng đến cải tiến CTĐT… Một yếu tố nữa Khoa cần lưu tâm là phương thức quản lý công việc và phân công trách nhiệm trong đơn vị: kết nối với các phòng/ban chức năng như thế nào? Các hồ sơ quản lý nhân lực giảng dạy ra sao. Hồ sơ giảng dạy gồm: lịch trình phân công giảng dạy, nội dung đào tạo, bài giảng, cách thức kiểm tra đánh giá… cũng cần được Khoa cung cấp đầy đủ để đoàn đánh giá ngoài hiểu rõ về quá trình đào tạo và phát triển của Khoa, Trường. PGS.TS. Lê Đình Hải - giảng viên Khoa KTPT cũng chia sẻ kinh nghiệm kiểm định tại đơn vị công tác cũ. Theo PGS. Hải, các giảng viên mới của Khoa KTPT cần phải chủ động tìm hiểu và nắm bắt được các thông tin về CTĐT, chiến lược phát triển của Khoa, Trường để có đánh giá xác đáng hỗ trợ đoàn đánh giá ngoài.

Kết luận buổi tập huấn nội bộ, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tuân thay mặt lãnh đạo Nhà trường ghi nhận sự nỗ lực của Khoa KTPT và Trung tâm ĐBCLGD trong quá trình hoàn thiện báo cáo tự đánh giá CTĐT. PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tuân một lần nữa nhắc lại những điểm mấu chốt để thực hiện kiểm định thành công và đánh giá cao những chia sẻ thiết thực, ý nghĩa của các khách mời đối với công tác kiểm định của Khoa KTPT. Ông mong rằng Khoa KTPT cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị trong Trường sẽ có những sự chuẩn bị tốt nhất để đón đoàn đánh giá từ ngày 28/10 đến 31/10 sắp tới.


Hoa Hạnh

Tag:


Video
QC trái 1
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành