Ngày 18/4/2012, tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã diễn ra buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các chương trình đào tạo chuẩn đầu ra theo nhu cầu xã hội.
Tham dự tọa đàm gồm lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên của Đại học Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục - ĐHQG Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội. Chủ tọa chương trình là ông Phạm Văn Hùng - Trưởng Ban thanh tra, Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, ĐH Thái Nguyên và TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.
Hiện nay, Trường ĐHKT đang điều chỉnh và hoàn thiện 7 chương trình đào tạo đại học và 10 chương trình đào tạo sau đại học theo chuẩn đầu ra theo phương pháp CDIO, viết tắt của Conceiving - Designing - Implementing - Operating (Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành). CDIO là phương pháp phát triển cho khối kỹ thuật - công nghệ nhưng có thể được áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn ở nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau. Sau 10 năm phát triển, tính đến nay đã có trên 50 trường đại học ở 25 quốc gia chia sẻ những thành tựu về giáo dục kỹ thuật - công nghệ cũng như ở các lĩnh vực khác theo cách tiếp cận CDIO. Ở Việt Nam, Trường ĐHKT được coi là đơn vị tiên phong và linh hoạt vận dụng với những điều chỉnh, bổ sung cần thiết và được chứng minh hiệu quả. Buổi tọa đàm này nhằm mục đích giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chuẩn đầu ra giữa các cán bộ, giảng viên, chuyên gia nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế, Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục thuộc ĐHQGHN và ĐH Thái Nguyên.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình trực tiếp tham gia xây dựng chuẩn đầu ra cho một số chương trình đại học, sau đại học như: Chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế (Khoa KTCT), cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng Chất lượng cao (Khoa TCNH), cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh theo Nhiệm vụ chiến lược (Khoa QTKD) và Chương trình đào tạo thạc sĩ Thẩm định kinh tế và Quản lý dự án quốc tế (Khoa KT&KDQT).
Sau các tham luận của Trường ĐHKT, các đại biểu đã thảo luận, nêu lên những vấn đề trong quá trình xây dựng chuẩn đầu ra để cùng chia sẻ trao đổi. Qua đây cho thấy uy tín đào tạo của Trường ĐHKT - ĐHQGHN ngày càng được khẳng định, đặc biệt là sự vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp hiện đại trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đã được các cơ sở giáo dục biết đến và học hỏi.