Năm 1976, cũng như bao học sinh trung học phổ thông khác, tôi vui mừng, phấn khởi cầm giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN). Một chân trời mới, cuộc sống mới dường như đã mở ra trước mắt tôi. Đó là tròn một năm sau ngày giải phóng đất nước nên có rất nhiều sinh viên của Trường trước đây đã gác bút nghiên lên đường chống Mỹ cứu nước, nay trở lại học tập.
Lớp chúng tôi có hơn 50 sinh viên nhưng có đến hơn 1/3 là bộ đội và chỉ có 11 nữ, trong đó có 4 người là nữ bộ đội và thanh niên xung phong. Bọn con gái chúng tôi mới 17, 18 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, từ mọi miền đất nước về thủ đô nên mọi thứ đều thấy lạ lẫm. Chúng tôi thường gọi các bạn nam “bộ đội” chỉ hơn mình ít tuổi là chú, còn các chú lại bảo: “Ừ, thì cứ gọi anh bằng chú!”
Là một trong những người “được nhấc” vào Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHTHHN (Nay là Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN), chưa biết mình sẽ học gì, chưa hiểu ngành này là ngành gì và sau này ra trường sẽ làm công việc gì nên năm học đầu tiên, môn triết học thực sự như “cực hình” đối với tôi. Tôi vẫn tự hỏi, làm sao một đứa con gái mới 17, 18 tuổi - cái tuổi chỉ biết ăn và chơi - có thể hiểu nổi những “triết lý” của các vị lãnh tụ vĩ đại của thế giới? Nhưng rồi, nhờ có sự dạy dỗ nhiệt tình, tận tụy và những bài giảng rất hay, lôi cuốn của các thầy, cô, đặc biệt là thầy Nghĩa, thầy Lịch mà dần dần tôi đã yêu môn học đó. Môn Kinh tế Chính trị cũng vậy, có thầy Tập, thầy Hơn, thầy Trung đã theo sát dạy dỗ chúng tôi từng năm học. Ai cũng nhiệt tình và tận tâm, đã “vô tình” biến một môn học “3K” (khó - khô - khổ) trở nên có sức hấp dẫn và lôi cuốn lạ thường. Và rồi, thời gian cứ thế trôi đi, chúng tôi đã yêu mến ngành học, trường học của mình nhiều hơn. Chúng tôi vẫn thường bảo với nhau rằng, trong suốt 5 năm học, tình yêu trường, yêu lớp, yêu môn học cứ lớn dần theo năm tháng. Năm thứ nhất, tất cả chúng tôi không hề có ấn tượng gì với các môn học, ngành học; đến năm thứ hai có thích chút xíu; rồi đến năm ba, năm tư và năm thứ năm, chúng tôi yêu nó không biết tự bao giờ!
5 năm học đó là quãng thời gian sinh viên vui vẻ nhất của chúng tôi. Có thật nhiều kỷ niệm gắn bó, cũng có những lúc đùa nghịch, những lúc giận dỗi và cả những buổi tối ôn bài miệt mài bên nhau trên thư viện. Nhưng cùng sống trong ký túc xá nên chúng tôi hiểu và thực sự yêu thương nhau, coi nhau như những thành viên trong gia đình mình. Lớp tôi may mắn được cô Thu làm chủ nhiệm lớp suốt cả khóa. Cô trò hiểu và quý mến nhau. Vui nhất có lẽ là thời gian chúng tôi đi về các Hợp tác xã nông nghiệp thực tập và tìm hiểu thực tế. Nhóm thì về Đường Lâm, nhóm về Nam Định, cũng có nhóm về Đan Phượng để tìm hiểu nền nông nghiệp của một số vùng của Việt Nam để viết báo cáo… Đặc biệt, chúng tôi đã được đi trồng sắn ở Ba Vì và tại nơi đây, chúng tôi được vinh dự đến thăm cây đa Bác Hồ trồng năm xưa. Rồi những chuyến đi thực tập công nghiệp tại các nhà máy Dệt 8/3 hay Dệt Nam Định với biết bao trải nghiệm thú vị. Cứ mỗi lần như vậy, chúng tôi đều ở nhờ trong các nhà dân, tự nấu ăn…
Một điều đặc biệt nữa là lớp chúng tôi chỉ có 11 nữ sinh viên nhưng có tới 4 đôi yêu nhau và xây dựng hạnh phúc cùng nhau. Tôi cũng là một trong những người may mắn đó… Tôi đã tìm thấy tình yêu đích thực, hạnh phúc của đời mình ngay tại nơi tôi gắn bó bao kỷ niệm vui buồn của tuổi học trò. Tuổi học trò hồn nhiên vô tư là thế, cứ lặng lẽ trôi đi. Giờ đây mỗi khi nhớ lại, tôi chỉ ước mong sao mỗi người được sống chậm đi một chút để tận hưởng hết dư vị ngọt ngào giản dị ấy của cuộc sống, mà đôi khi vì bị cuốn đi bởi cuộc sống, chúng ta đã không kịp dừng lại và cảm nhận.
Thấm thoắt đã gần 40 năm, các bạn cùng lớp năm xưa giờ đã thay đổi nhiều. Tóc trên đầu đã điểm nhiều sợi bạc, sức khỏe đã yếu đi, một số người trong lớp tôi đã không còn nữa, nhiều người đã về hưu, có người còn tham gia công tác… Hàng năm, chúng tôi vẫn gặp nhau, dù chỉ tập hợp được một số ít người nhưng chúng tôi cũng thấy vui và hạnh phúc vô cùng… Những kỷ niệm thời sinh viên lại ùa về. Tất cả đều thật đẹp và khó quên! Xa trường, xa lớp đã lâu, cuộc sống và công việc đã cho tôi nhiều điều mới mẻ và thú vị khác nhưng trong trái tim tôi, lớp Kinh tế 3, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHTHHN (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN bây giờ) vẫn là nơi tôi thuộc về. Bởi đó là nơi bắt đầu những tình yêu của tôi với nghề nghiệp, với bạn bè, thầy cô và mái trường, với người chồng và những đứa con, và trên tất cả là tình yêu với chính cuộc sống này.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, tôi rất vui mừng với sự phát triển mạnh mẽ của Trường, từ một Khoa Kinh tế Chính trị nhỏ bé thuộc Trường ĐHTHHN giờ đây đã là một trường đại học có uy tín và vị thế riêng. Với tư cách là một cựu sinh viên Khóa 3, Khoa Kinh tế Chính trị (ĐHTHHN), tôi xin chúc toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐHKT, ĐHQGHN luôn mạnh khỏe, công tác tốt, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa và đưa Trường trở thành một trong những đại học nghiên cứu hàng đầu trên cả nước./.
Hà Nội, tháng 10/2014
Nguyễn Kha (ghi theo lời kể của ThS. Phạm Thị Minh Phượng)