Với định hướng là một trường đại học nghiên cứu hàng đầu của cả nước, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn ưu tiên và dành nguồn lực cho hoạt động khoa học và công nghệ. Để thực hiện thành công định hướng và mục tiêu phát triển, bên cạnh về đầu tư vào chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đối tác trong nước, kinh nghiệm rút ra là rất cần chú trọng đến hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ.
Thông qua những hoạt động hợp tác quốc tế, Trường ĐHKT đang dần khẳng định được vị thế, hình ảnh của mình trong xã hội như là một mô hình đại học năng động, có xu hướng quốc tế hoá, có mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, được nhiều đối tác quốc tế quan tâm và muốn thiết lập quan hệ hợp tác.
Trong giai đoạn từ 2011 đến 2017, hoạt động hợp tác quốc tế của Trường đã có những chuyển biến mới, đem lại những hiệu quả thiết thực cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên thông qua hoạt động trao đổi hợp tác, chương trình học bổng, liên kết đào tạo, khoá học ngắn hạn, hội thảo, hội nghị, đặc biệt trong quá trình phát triển quy mô mới của một trường đại học.
Hoạt động phát triển đối tác quốc tế và liên kết đào tạo quốc tế
Trong giai đoạn 6 năm từ năm 2011-2017, Trường Đại học Kinh tế đã ký kết 23 văn bản hợp tác với đối tác quốc tế như: Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), Viện Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), Đại học Sydney, Đại học Yokohama, Đại học Middlesex, Đại học Nagoya, Đại học Quốc gia Australia, Tổ chức Từ thiện In Sewa Ltd., Đại học Thương mại Chiba, Đại học Long beach, Đại học Osaka City, Đại học Bordeaux, Đại học Kyoto, Đại học Swinburne, Đại học Quốc gia Giáo dục Đài Chung, Đại học Rennes, Đại học Regensburg, Đại học Quốc gia Chengchi, Đại học Benedictine, Đại học Uppsala, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, Đại học Assumption và một số trường khác. Các đối tác của trường đều là những trường Đại học và những tổ chức uy tín, có thứ hạng cao trên thế giới. Các hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài đều được xây dựng và triển khai nghiêm túc dựa trên Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế và các đối tác. Các hoạt động nổi bật đã được triển khai có thể kể đến như sau: xây dựng các Chương trình liên kết đào tạo, xây dựng các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, hợp tác nghiên cứu, phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế.
Hình ảnh lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Đại học Kinh tế và Viện Công chứng Anh và xứ Wales
Trong giai đoạn 6 năm từ 2011-2017, hoạt động đoàn ra đoàn vào liên tục tăng mạnh ở cả chất và lượng. Hàng năm, số giảng viên đi tham dự Hội thảo, nghiên cứu, trao đổi quốc tế đạt từ 40 đến gần 70 lượt cán bộ. Số sinh viên được cử đi giao lưu tại nước ngoài cũng tăng từ 26 lượt năm 2011 lên đến gần 50 lượt vào năm 2017 và tiếp tục duy trì ở con số này. Đặc biệt, các chương trình giao lưu sinh viên tổ chức thường niên và thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo, tăng cường năng lực cũng như trải nghiệm quốc tế cho sinh viên.
Nhà trường cũng thường xuyên tăng cường mở rộng và thu hút chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu tại trường; trong đó nâng số chuyên gia từ 33 lượt lên đến 140 lượt, số lượng sinh viên quốc tế đến giao lưu từ 23 sinh viên đến 180 sinh viên từ 2011 đến 2017, thông qua đó xây dựng một môi trường học thuật quốc tế ngay tại Trường Đại học Kinh tế.
ĐHKT tăng cường thu hút các chuyên gia nước ngoài đến trao đổi và giảng dạy tại Trường
Hoạt động công bố quốc tế
Số lượng ấn phẩm khoa học của Trường được xuất bản tăng lên rõ rệt; đặc biệt có nhiều nghiên cứu được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín (xếp hạng trong danh mục ISI/Scopus), các nghiên cứu mang tính thời sự, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay.
Các công bố quốc tế trên hệ thống ISI/ Scopus tăng mạnh về chất lượng và số lượng các bài báo, thu hút được sự quan tâm tham gia và tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có rất nhiều công bố có sự đóng góp của hoạt động hợp tác giữa các giảng viên Trường Đại học Kinh tế và các nhà khoa học trên thế giới. Đây là một trong những đóng góp to lớn vào việc phát triển nhà trường theo hướng đại học nghiên cứu.
Bảng 1: Các bài báo đã đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế từ năm 2011 đến 2016
Năm | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 |
Bài báo quốc tế | 15 | 16 | 23 | 33 | 38 | 33 |
Bài báo quốc tế trên ISI/SCOPUS |
| 1 | 12 | 14 | 20 | 24 |
Bài báo quốc tế có đồng tác giả là người nước ngoài | 10 | 2 | 6 | 14 | 8 | 7 |
Theo Dân trí (http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/truong-dai-hoc-nao-cua-viet-nam-co-cong-bo-quoc-te-nhieu-nhat-2017072811590475.htm),Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN là Trường thuộc nhóm các trường khoa học xã hội có số lượng công bố quốc tế ISI cao nhất của Việt Nam, nếu xét khối Kinh tế chỉ sau Trường ĐH Kinh tế TPHCM (Trường ĐH Kinh tế TPHCM có quy mô CB, GV ước tính gấp gần 10 lần Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN). Nhìn vào bảng trên có thể thấy đây là nỗ lực vượt bậc vì năm 2011 không có bài ISI nào, năm 2012 chỉ có 01 bài.
Trường ĐHKT trao thưởng cho các giảng viên có công bố quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus năm 2017
Hoạt động hội thảo, hội nghị quốc tế
Trong giai đoạn từ 2011 đến 2017, Trường ĐHKT đã tổ chức/phối hợp tổ chức trên 30 Hội nghị/Hội thảo khoa học cấp trường, trên 70 Hội nghị/Hội thảo KH chuyên ngành hẹp ở các đơn vị Khoa/Trung tâm nghiên cứu. Chủ đề và nội dung các Hội thảo gắn với Chiến lược phát triển KHCN, các CTNC trọng điểm của ĐHKT, đồng đều trong các lĩnh vực ĐT và NC của trường: về chính sách Kinh tế vĩ mô, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng.
Một số Hội nghị, Hội thảo khoa học lớn như:
+ Hội thảo quốc tế “Quản trị môi trường và sản xuất bền vững” do ĐHKT phối hợp với ĐH Nagoya tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2012 thu hút gần 50 nhà Khoa học quốc tế, nhiều quan chức cao cấp của Việt Nam và các tổ chức khoa học, kinh tế, viên NC trong nước và quốc tế.
+ Hội thảo Quốc tế Việt Nam học “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững”, Trường ĐHKT tham gia chủ trì các Nhóm nội dung thuộc Tiểu ban 3-Kinh tế xã hội; và Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 năm 2016 với chủ đề: “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, Trường ĐHKT là đơn vị chủ trì Tiểu ban 5: Kinh tế và sinh kế, đã nhận được 270 bài tóm tắt, 220 bài nghiên cứu toàn văn, trong đó có 150 bài đạt yêu cầu để có thể đăng tải trong các số của Tạp chí Khoa học ĐHQGHN.
+ Hội thảo quốc tế “Tham gia vào cộng đồng kinh tế Asean: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”
+ Năm 2014, trường Đại học Kinh tế đã tổ chức thành công 3 Hội thảo quốc tế nổi bật là: “Diễn đàn Giám đốc bốn đại học chủ chốt Đông Á – BESETOHA 2014 và Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Vai trò của Giáo dục Đại học đối với Tăng trưởng xanh”; “Hướng tới cộng đồng kinh tế Asean (AEC) và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam”; “Diễn đàn sinh viên Châu Á - GPAC 2014”;
+ “World finance and banking symposium” với sự tham gia của hơn 140 giáo sư và học giả quốc tế đến từ 40 quốc gia trên thế giới.
Hội thảo Ngân hàng và Tài chính thế giới với sự tham gia của hơn 140 giáo sư và học giả quốc tế
Các Hội thảo đã thu hút đông đảo các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài (WB, IMF,...) quan tâm và đánh giá cao về giá trị và rất có ý nghĩa đối với sự đổi mới cơ chế QL các ngân hàng Việt Nam.
Các dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế
Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học thường xuyên theo ngân sách nhà nước, Trường ĐHKT rất chú trọng phát triển hợp tác quốc tế trong nghiên cứu để trao đổi học thuật, tìm kiếm nguồn lực thực hiện các nghiên cứu trọng điểm. Bằng thế mạnh hợp tác quốc tế, Trường ĐHKT đã có bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực NCKH, tạo điều kiện, cơ hội để CBGV tiếp xúc, trao đổi học thuật với các chuyên gia, các nhà khoa học nổi tiếng mà còn tạo nguồn tài chính cơ bản, quan trọng cho công tác NCKH của trường. Thông qua việc đấu thầu và thực hiện thành công các đề tài, dự án nghiên cứu quốc tế, Trường ĐH Kinh tế đã kết nối được với mạng lưới nghiên cứu quốc tế và khu vực (Quỹ JICA Nhật Bản, Quỹ Sumotimo Nhật Bản, Chương trình nghiên cứu các nước thuộc tiểu vùng Mekong của ADB, Tổ chức Thriive của Hoa Kỳ,…).
Một số đề tài, dự án tiêu biểu thực hiện trong giai đoạn 2011-2017
TT | Dự án | Trị giá | Thời gian |
1. | Phát triển kỹ năng khởi nghiệp cho phụ nữ ở các nước ASEAN | 100.000 USD | 2011-2013 |
2. | Nghiên cứu Trường hợp "Quản lý dựa vào tri thức" theo lý thuyết của Giáo sư Nonaka, Nhật Bản | 39.000 USD | Tháng 11/2010-Tháng 2/2011 |
3. | Dự án cho vay không lãi suất Thriive | 398.000 USD | 2010-2016 |
4. | Dự án “Đánh giá tác động và tối đa hóa lợi ích của dòng vốn FDI đối với sự phát triển kinh tế địa phương nước tiếp nhận” | 48.840 USD | 2013-2014 |
5. | Tăng cường năng lực nghiên cứu chính sách, giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới phát triển xanh | 1.530.000 USD | 2014- 2016 |
6. | Nâng cao năng lực Quản trị công ty của Ngân hàng Việt Nam | 10.000USD | 2016-2017 |
Dự án GDPRTE nhằm xây dựng năng lực nghiên cứu chính sách, giáo dục và đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển xanh do ĐHKT là chủ dự án
Đặc biệt trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án ”Tăng cường năng lực nghiên cứu chính sách, giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới phát triển xanh” do UNDP tài trợ, ĐHQGHN là cơ quan chủ quản và Trường ĐHKT là chủ dự án. Mục tiêu của dự án nhằm Tăng cường năng lực của VNU trong triển khai các nghiên cứu chính sách về phát triển xanh; nâng cao năng lực giảng dạy và phát triển học liệu về phát triển xanh; mở rộng mạng lưới giữa các trường đại học trong nước và quốc tế; tăng cường mối liên kết giữa nghiên cứu và hoạch định chính sách.
Hoạt động hợp tác của các viện, trung tâm độc lập
Trường ĐHKT đã triển khai thực hiện các Dự án quốc tế: “Xây dựng năng lực nghiên cứu chính sách, giáo dục và đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển xanh” (GDPRTE Project); Dự án “Nâng cao năng lực Quản trị công ty của Ngân hàng Việt Nam”; Dự án Thriive triển khai về cho vay không lãi suất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Dự án với Viện Nghiên cứu Tác động và sáng kiến xã hội, Đại học Northampton, Vương Quốc Anh; Dự án phối hợp với Quỹ Interhands, NaUy; Các dự án hợp tác với Qũy Friedrich Naumann (FNF), CHLB Đức; Dự án hợp tác với tổ chức OXFAM, Vương Quốc Anh.
Thriive là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và tổ chức Thriive Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vay vốn không lãi suất phục vụ việc mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất, phát triển kinh doanh và nâng cao trách nhiệm xã hội. Mục tiêu của khoản vay này là giúp doanh nghiệp tăng trưởng, tạo thêm công ăn việc làm và tạo ra những tác động xã hội tích cực.
Dự án Thriive hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ nhằm tạo nên những tác động xã hội tích cực
Trong khuôn khổ dự án GDPRTE, bên cạnh việc triển khai các chương trình nhằm nâng cao năng lực trong đào tạo, Trường đã phối hợp với UBND Tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn các Đại học Châu Á với chủ đề “Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững và hài hòa”. Đây là dự án kéo dài trong thời gian 3 năm từ 2014 - 2017 với mục đây tăng cường năng lực của ĐHQGHN trong việc triển khai các nghiên cứu chính sách, nâng cao năng lực giảng dạy và học liệu, mở rộng mặng lưới giữa các trường đại học quốc gia và quốc tế trong các chủ đề liên quan trên tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu, và tăng cường mối liên kế giữa nghiên cứu và hoạch định chính sách.
Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh (CBAS), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Tổ chức Xúc tiến Khoa học Nhật Bản (JSPS) đã tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế “Sản xuất hiệu suất cao (HPM) - Mô hình nâng cao năng suất chất lượng cho các nhà sản xuất Việt Nam. Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu cách tiếp cận mô hình Sản xuất hiệu suất cao (High Performance Manufacturing - HPM). Đây là mô hình hướng tới lấy khách hàng làm trọng tâm, tạo sự linh hoạt trên từng dây chuyền sản xuất cũng như cho toàn bộ chuỗi cung ứng để vừa có thể cung cấp những sản phẩm có chất lượng cao, thiết kế phù hợp với các yêu cầu ngày càng khó tính của người tiêu dùng, nhưng đồng thời vẫn giữ cho chi phí ở mức thấp nhất có thể.
Các dự án quốc tế được triển khai mang lại nhiều giá trị trong nghiên cứu và đào tạo đối với nhà trường. Đặc biệt, Các dự án hợp tác với Quỹ Friedrich Naumann (FNF) đã giúp Nhà trường tổ chức thành công rất nhiều hội thảo có tiếng vang lớn, trong đó FNF đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) của Trường Đại học Kinh tế tổ chức các khóa học mùa hè từ năm 2013 đến nay. VEPR có mối quan hệ hợp tác mật thiết với các cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam và nước ngoài (các cơ quan NC và hoạch định chính sách của thuộc Chính phủ; Các ĐSQ và các tổ chức phát triển QT: WB, UNDP, IMF, JICA,…) Ngoài ra, VEPR cũng có quan hệ hợp tác với một số Trường Đại học như Princeton (Hoa Kỳ), Đại học London (Anh), và một số Viện, trường đại học khác của Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong đó, VEPR đã thực hiện 02 Dự án hợp tác NCKH QT (DFID, Anh và Irish Aid, Ai Len, Oxfam, Quỹ AF).
Hoạt động khóa học mùa hè được tổ chức bởi VEPR và Quỹ Friedrich Naumann
Thông qua những hoạt động hợp tác quốc tế, Trường ĐHKT đang dần khẳng định được vị thế, hình ảnh của mình trong xã hội như là một mô hình đại học năng động, có xu hướng quốc tế hoá, có mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, được nhiều đối tác quốc tế quan tâm và muốn thiết lập quan hệ hợp tác.