Trong điều kiện cơ sở vật chất chưa thể so sánh được với các trường đại học quốc tế, chúng ta hoàn toàn có thể vươn lên ngang với khu vực và quốc tế vì có những thế hệ thầy cô tận tụy tâm huyết và các thế hệ sinh viên thông minh và tài năng.
- Anh về công tác tại Trường ĐHKT trong hoàn cảnh như thế nào?
Sau khi hoàn thành việc bảo vệ luận án Tiến sĩ, tôi quyết tâm về Việt Nam với mong muốn có thể đóng góp, chia sẻ một cái gì đó cho các em sinh viên thế hệ sau. Có thể nói lĩnh vực giáo dục là hoàn toàn khác so với các vị trí công việc tại những doanh nghiệp mà tôi đã trải qua trước đây. Đó cũng là bước ngoặt quan trọng trong nghề nghiệp khi tôi được mời về Trường ĐHKT công tác.
Tôi thực sự rất ấn tượng với Trường ĐHKT - trẻ trung nhưng lại có bề dày truyền thống gần 40 năm, dám nghĩ, dám làm và đặc biệt là có “sức hút” không chỉ đối với các bạn trẻ ở trong nước mà cả những người đã học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài như tôi.
- Trong giai đoạn 5 năm thành lập, Trường ĐHKT đã đạt được khá nhiều thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Anh đánh giá thế nào về vai trò của hoạt động này trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường?
Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tầm nhìn trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu được xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực châu Á, trong đó có một số ngành và chuyên ngành được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học có uy tín trên thế giới thì việc ứng dụng này thực sự quan trọng đối với Trường ĐHKT.
Ở cấp độ vĩ mô, việc áp dụng các mô hình quản trị đại học tiên tiến gồm cả quản trị khía cạnh đào tạo không thể thiếu được việc nghiên cứu các mô hình này trên thế giới và từ đó chọn mô hình phù hợp với điều kiện của Trường ĐHKT. Một số đề tài nghiên cứu gắn liền với thực tiễn phát triển mà chúng tôi đã và đang triển khai góp phần giải quyết một số vấn đề về mô hình quản lý giáo dục.
Ở cấp độ quản lý chương trình đào tạo cũng cần có sự nghiên cứu và cập nhật với sự phát triển trên thế giới và đặc biệt là sản phẩm đầu ra của các chương trình đào tạo cần đáp ứng nhu cầu xã hội. Ở góc độ này, Trường ĐHKT đã tiên phong chủ trì thành công đề án nghiên cứu về mô hình CDIO quốc tế và ứng dụng vào việc đổi mới xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo từ đại học lên tiến sĩ hiện tại và cho cả các chương trình mở mới của Trường.
Đây là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic và về phương pháp tổng thể mang tính chung hóa có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau. Cho đến nay ĐHQGHN dựa vào kết quả của đề án đã ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng cho tất cả các chương trình đào tạo trong toàn ĐHQGHN.
Tại Trường ĐHKT khi áp dụng cách tiếp cận của mô hình CDIO cho chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao thì đã đạt được những thành công nhất định như về chuẩn đầu ra được thể hiện qua việc chương trình được kiểm định đạt chuẩn quốc tế của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á. Đây cũng là chương trình đào tạo kinh tế trong nước đầu tiên được kiểm định quốc tế theo chuẩn AUN-QA.
Ở góc độ tài nguyên, giáo trình học liệu phục vụ cho giảng dạy thì nghiên cứu khoa học chính là một cách để Nhà trường có thể sử dụng các kết quả thu được xây dựng cơ sở dữ liệu, giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo, học liệu… cho các chương trình đào tạo của mình. Hàng năm, Trường ĐHKT xuất bản khoảng 8-10 giáo trình, sách chuyên khảo phục vụ cho công tác đào tạo trong chương trình nhiệm vụ chiến lược (đẳng cấp quốc tế), chương trình chất lượng cao cũng như các chương trình giảng dạy khác của Trường.
Đối với giảng viên, nghiên cứu khoa học là chỉ tiêu bắt buộc hàng năm. Thông qua các hệ đề tài, dự án, Trường sẽ có những yêu cầu cụ thể về sản phẩm đầu ra. Chẳng hạn đối với các đề tài nghiên cứu cấp Trường, mục tiêu Trường ưu tiên đặt ra cho giảng viên là một tình huống thực tiễn, một khía cạnh cụ thể nào đó về lý luận… có thể phục vụ chính cho bài giảng môn học của giảng viên. Điều này sẽ giúp giảng viên cập nhật được những kiến thức mới cho việc giảng dạy.
Ngoài ra, Trường có chính sách gắn kết sự tham gia của người học vào các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu như là một trong các sản phẩm đầu ra và là yêu cầu bắt buộc đối với công trình nghiên cứu của giảng viên. Nếu tính cả việc khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên tại Trường ĐHKT thì điều này sẽ giúp hoàn thiện triết lý giáo dục của Trường: “người học là trung tâm - student centred”, “tự học và nghiên cứu - self learning” và “học tập suốt đời - lifelong learning” và qua đó tăng cường tính chủ động cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đạt được mục tiêu của mình và chương trình đào tạo được các sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội
- Có quan điểm cho rằng: Đánh giá mức độ thành công của công tác nghiên cứu không thể dựa vào số lượng các công trình nghiên cứu khoa học hàng năm mà quan trọng là việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu đó vào thực tiễn. Vậy theo anh những nghiên cứu của Trường đáp ứng yêu cầu đó ra sao?
Ngoài các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cần mang tính thực tiễn. Việc hướng tới tính thực tiễn và gắn với nhu cầu xã hội cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường, được thể hiện dưới hai góc độ:
Thứ nhất là các chương trình, hệ đề tài, dự án nghiên cứu hướng tới giải quyết một vấn đề thực tiễn cụ thể ở tầm vĩ mô hay vi mô và cần có địa chỉ ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu cụ thể. Chẳng hạn khi thực hiện ba đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước trước đây, cả ba đề tài này đã có địa chỉ ứng dụng và góp phần tư vấn phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Đề tài “Nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế” đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dùng làm cơ sở khoa học trong việc xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đề tài “Luận cứ khoa học cho việc phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020” đã được chuyển giao cho Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham khảo trong việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020. Đề tài “Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” đã được chiết xuất để gửi tới Hội đồng Lý luận Trung ương phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI.
Thứ hai, do nguồn lực bên trong còn hạn chế nên Trường đã và đang tích cực tìm kiếm các nguồn lực bên ngoài. Các hệ đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu được đặt hàng bởi các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương… có đòi hỏi rất khắt khe về tính thực tiễn và thường xuất phát từ chính các vấn đề nảy sinh trong quá trình hình thành, vận hành và phát triển của tổ chức hay địa phương đó. Do vậy, tính thực tiễn trong kết quả nghiên cứu của các nghiên cứu này là yêu cầu bắt buộc cũng như là thước đo cho uy tín của Trường.
- Xin anh cho biết quan điểm của anh về hướng đi cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian tới?
Đổi mới việc quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học theo sản phẩm đầu ra (hướng tới chuẩn quốc tế), tăng cường chất lượng nghiên cứu theo chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ và đề xuất, xây dựng và thực hiện một số đề tài, chương trình nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế theo định hướng khoa học công nghệ của Trường... theo tôi là cần thiết và là một trong các hoạt động cần được tập trung.
- Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế (KT&KDQT) đóng góp rất nhiều thành tựu vào bảng thành tích chung của Nhà trường. Với tư cách là nguyên Chủ nhiệm Khoa, anh có thể chia sẻ những yếu tố nào đã làm nên những thành công đó?
Tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Cambridge (Vương quốc Anh), về đầu quân cho Trường ĐHKT, TS. Vũ Anh Dũng chính thức trở thành Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế vào tháng 3/2010 và sau đó, tháng 4/2012 được bổ nhiệm trở thành Phó Hiệu trưởng phụ trách các mảng nghiên cứu khoa học, hợp tác phát triển, tạp chí - xuất bản, truyền thông, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế... Trước khi tham gia công tác giảng dạy và quản lý tại Trường ĐHKT, TS. Vũ Anh Dũng đã có kinh nghiệm quản lý và tư vấn cho các tập đoàn đa quốc gia như Heineken, Diageo, Lenovo, UTStarcom, SABMiller, Cadbury… Anh là người chủ trì nghiên cứu thành công đề án xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO (dựa vào chuẩn đầu ra) và áp dụng xây dựng chương trình đào tạo của Trường ĐHKT cũng như là người trực tiếp xây dựng đề án và phụ trách việc tổ chức triển khai đưa chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao vào kiểm định chất lượng đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á. |
Có thể điểm qua một vài thành tựu quan trọng mà Khoa KT&KDQT đóng góp vào bảng thành tích chung của Trường ĐHKT như: nghiên cứu và áp dụng thành công việc xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO khởi xướng bởi Học viện MIT (Hoa Kỳ) cùng một số trường đại học khác tại châu Âu và được quốc tế thừa nhận; kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao theo tiêu chuẩn đánh giá của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á, tham gia mạng lưới nghiên cứu quốc tế, chủ trì các dự án quốc tế và quốc gia; công bố các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước, tham gia các dự án tư vấn cho doanh nghiệp, một số cơ quan quản lý của Chính phủ, một số tổ chức quốc tế hay một số tổ chức phi chính phủ quốc tế....
Ngoài ra, có thể thấy Khoa KT&KDQT là một trong số các đơn vị tiên phong trong đổi mới các chương trình đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ dựa vào chuẩn đầu ra và điều tra khảo sát nhu cầu của xã hội cùng với sự đối sánh với chương trình tương ứng của quốc tế. Khoa đang tiến tới chuẩn hóa 100% đội ngũ giảng viên có học vị tiến sĩ, trong đó đa phần được đào tạo tại các quốc gia phát triển.
Để có được một số thành công ban đầu kể trên, yếu tố đầu tiên theo tôi chính là sự tiên phong, tầm nhìn, sự quyết tâm cao và ủng hộ mạnh mẽ của Ban Giám đốc ÐHQGHN và Ban Giám hiệu Trường ÐHKT. Nhiều trong số các thành tựu kể trên xuất phát ban đầu chính từ ý tưởng sáng tạo, đột phá và tầm nhìn mang tính chiến lược lâu dài cũng như sự hỗ trợ, ủng hộ, động viên từ Ban Giám đốc ĐHQGHN và Ban Giám hiệu Trường ĐHKT, sau đó được “truyền lửa” xuống dưới Khoa để nghiên cứu, triển khai thực hiện và áp dụng.
Ví dụ như khi chúng tôi tiến hành kiểm định chất lượng quốc tế theo chuẩn AUN-QA cho chương trình cử nhân Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao, một trong những thuận lợi có thể kể đến chính là tính tiên phong của ÐHQGHN và định hướng chiến lược của Trường ĐHKT trong việc đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo cũng như trong việc áp dụng các mô hình đào tạo tiên tiến quốc tế để xây dựng, đổi mới hay cải tiến các chương trình đào tạo. Năm 2009, ÐHQGHN đã giao cho Trường ÐHKT (cụ thể là Khoa KT&KDQT) thực hiện đề án nghiên cứu mô hình quốc tế CDIO về xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo để áp dụng cho các chương trình đào tạo của ÐHQGHN. Khoa đã nghiên cứu thành công và triển khai áp dụng cải tiến chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao.
Chính việc áp dụng và cải tiến này đã đem lại kết quả ban đầu nhất định với minh chứng được thể hiện qua đợt kiểm định quốc tế thành công vào cuối năm 2010 - cụ thể là một số khía cạnh về chuẩn đầu ra và khung chương trình cũng như việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo một quy trình chuẩn khoa học được hội đồng kiểm định quốc tế đánh giá cao và đáp ứng yêu cầu của chuẩn khu vực và quốc tế.
Yếu tố tiếp theo không kém phần quan trọng đến từ sự đoàn kết, sự hỗ trợ, tham gia tích cực cũng như sự động viên của toàn thể cán bộ giảng viên trong toàn Trường ĐHKT. Mặc dù Khoa là đơn vị chủ trì thực hiện các công việc nêu trên, song thực tế trong từng công việc cụ thể đều có sự tham gia tích cực mang tính phản biện, xây dựng và đóng góp của toàn thể giảng viên và cán bộ trong Trường. Đây chính là tinh thần “hợp tác” - một trong những giá trị cốt lõi của Trường. Tôi tin rằng với các công việc từ nhỏ tới lớn mang tính đột phá của Trường do một đơn vị khác trong Trường chủ trì thực hiện thì chúng tôi cũng tham gia tích cực như tinh thần trên.
Một yếu tố nữa xuất phát từ thực chất của những khía cạnh liên quan đào tạo và nghiên cứu khoa học mà Trường ĐHKT đã và đang thực hiện. Một ví dụ để minh chứng cho điều này là chương trình Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao mà chúng tôi kiểm định chất lượng quốc tế đã triển khai kể từ năm 2004. Tính thực chất ở đây chính là nền tảng vững chắc của chương trình thông qua việc Trường ĐHKT và Khoa (từ trước khi có ý định kiểm định) đã tự mình thường xuyên cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy, học tập, đảm bảo chất lượng hay nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào. Thiếu các nền tảng này thì việc kiểm định chất lượng quốc tế khó để có thể thành công và được công nhận.
Còn nhiều yếu tố khác nữa nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến tinh thần đam mê công việc, ý chí quyết tâm cao, nỗ lực hết mình và sự bền bỉ của những thầy cô trực tiếp tham gia các công việc cụ thể với mong muốn được cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của Trường ĐHKT nói chung và Khoa nói riêng.
- Trong thời gian gắn bó với Trường, kỷ niệm sâu sắc nhất của anh là gì?
Có rất nhiều kỷ niệm đối với cá nhân tôi kể từ khi về Trường. Nếu chỉ được chọn ra một kỷ niệm đáng nhớ thì tôi nghĩ về thời điểm khi đoàn đánh giá ngoài gồm các chuyên gia kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á công bố kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao theo chuẩn AUN-QA đã đáp ứng tất cả 72 tiêu chí (theo 18 tiêu chuẩn) và đặc biệt là tiêu chí chất lượng sinh viên đạt điểm gần như là tuyệt đối 6/7.
Giây phút đó quả là rất tự hào và thêm phần quyết tâm hơn nữa bởi vì trong điều kiện cơ sở vật chất chưa thể so sánh được với các trường đại học quốc tế, chúng ta hoàn toàn có thể vươn lên ngang với khu vực và quốc tế vì có những thế hệ thầy cô tận tụy tâm huyết và các thế hệ sinh viên thông minh và tài năng.
- Anh đánh giá thế nào về những thành tựu và về vị thế của Trường ĐHKT hiện nay? Theo anh, yếu tố nào đóng vai trò quan trọng để Trường phát triển bền vững?
Mặc dù trở thành Trường mới được 5 năm nhưng Trường ĐHKT đã sớm khẳng định vị thế trong xã hội. Điều này được thể hiện qua những đóng góp từ những hoạt động của Trường như cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và kinh doanh ở các cấp độ từ cử nhân đến tiến sĩ, chủ trì và tham gia nghiên cứu các chủ đề, đề tài lớn trong nước và quốc tế (như cho WTO, WB, UNDP, ADB, JICA…) và chuyển giao các kết quả nghiên cứu dưới cả góc độ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách vĩ mô (như cho Chính phủ, Hội đồng Lý luận Trung ương, một số Bộ, ban, ngành) và ứng dụng vi mô (điển hình là VCCI, các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài)…
Để tiếp tục phát triển bền vững tức là tiếp tục phát triển đột phá và hiệu quả đồng thời bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa thì theo tôi yếu tố nguồn nhân lực là rất quan trọng. Trường ĐHKT mặc dù trẻ về tuổi đời nhưng lại thừa hưởng bề dày truyền thống từ Khoa Kinh tế với các thế hệ thầy cô đi trước tận tụy nhiệt huyết, đóng góp hy sinh cho sự phát triển chung và luôn động viên, khích lệ và tạo điều kiện cho các thế hệ sau phát huy khả năng đóng góp xây dựng Trường. Đây là nền tảng vững chắc cho việc phát triển bền vững và cũng là nét đẹp trong truyền thống của Trường.
- Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống của Trường, anh có thông điệp gì muốn gửi gắm tới các cấp lãnh đạo và các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và cán bộ giảng viên?
Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng ban đầu nhưng khó khăn thách thức còn rất nhiều phía trước, đặc biệt là đặt trong bối cảnh sự vận động thay đổi không ngừng của xã hội, của các trường đại học khác và sự đòi hỏi luôn đổi mới. Nếu dựa vào tuổi đời thì chúng ta sẽ mãi mãi theo sau các trường đại học có bề dày truyền thống khác nhưng chính sự trẻ trung (nhưng không kém phần truyền thống), nhỏ gọn và tinh tế lại mang đến cơ hội rất lớn của sự liên tục đổi mới sáng tạo để bứt phá và hướng tới một trường đại học theo định hướng nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế trong tương lai. Tầm nhìn chiến lược đi kèm với sự quyết tâm, nỗ lực cũng như trí tuệ và sự đoàn kết đồng thuận cao của toàn thể các cấp lãnh đạo và các em sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và cán bộ giảng viên của Trường sẽ giúp Trường hoàn thành sứ mệnh đặt ra.
- Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị này!
Hạnh Nhân (thực hiện)
(Trích kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển)