Năm học 1974 - 1975, lần đầu tiên Trường ĐHTHHN mở ngành Kinh tế Chính trị và các sinh viên của lớp được tập hợp một cách “cưỡng bức” từ các sinh viên thi vào các ngành học khác của Trường. Tôi là một trường hợp trong số đó. Tôi không bao giờ quên cảm giác lo âu, sửng sốt khi mà tên mình không thuộc về lớp Hóa, ngành học mà tôi yêu thích, dẫu sự yêu thích đó cũng còn rất mơ hồ. Sự nghiệp của chúng tôi đã mở đầu một cách khiên cưỡng như vậy đấy!
Là khóa học đầu tiên của một ngành học mới nên lớp chúng tôi được Nhà trường và các cơ quan Đảng đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo khoa ngày đó đều là các thầy đang đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo ở các cơ quan Trung ương. Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy cho lớp tôi đều là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, triết học. Các giáo sư đã khéo léo kết hợp nội dung bài học với định hướng nghề nghiệp cho chúng tôi qua từng bài giảng. Chúng tôi thực sự bị cuốn hút từ những bài học đầu tiên.
Dần dần chúng tôi cũng hiểu được rằng, chúng tôi được đào tạo để trở thành những chuyên gia kinh tế chính trị, một lĩnh vực mà lúc bấy giờ chưa được đào tạo nhiều tại các trường đại học. Nếu khi nhập học trong lớp có rất nhiều đơn xin chuyển ngành thì chỉ sau một tháng học tập, lớp chúng tôi đã khá ổn định. Những cảm giác ngỡ ngàng, thất vọng ban đầu đã dần được thay thế bằng sự háo hức, xen lẫn một chút tự hào về tương lai nghề nghiệp của mình.
Đến bây giờ tôi vẫn rất ấn tượng về hình thức tổ chức lớp học của chúng tôi ngày đó: tất cả sinh viên trong lớp đều phải ở nội trú trong t
rường. Những sinh viên Hà Nội như tôi phải cắt hộ khẩu vào ở ký túc xá và chỉ được về nhà vào chiều thứ Bảy và ngày Chủ nhật. Ngoài giờ học chính khóa, mỗi tuần chúng tôi có 2 buổi sinh hoạt theo tổ vào tối thứ Ba và tối thứ Sáu từ 18h đến 20h. Đó là khoảng thời gian chúng tôi ngồi trật tự để nghe đọc báo, trao đổi với nhau những vướng mắc trong học tập và có cả những câu chuyên tầm phào riêng tư...
Sinh viên Trịnh Mai Hoa (ngồi thứ 2 từ phải sang) cùng các bạn khóa 1 - Khoa Kinh tế, Đại học Tổng hợp Hà Nội
Quả là một lớp học đặc biệt mà chẳng bao giờ có thể lặp lại nữa. Cái cách tổ chức như vậy lúc đầu cũng đem lại cho chúng tôi cảm giác gò bó. Tuy nhiên, phải công nhận rằng, theo năm tháng, lớp chúng tôi đã là một tập thể rất gắn bó, rất chan hòa, giúp đỡ nhau trong học tập và sẵn lòng chia sẻ cho nhau chuyện gia đình, bè bạn, chuyện tương lai...
Trưởng thành từ sinh viên khóa 1 của Khoa và làm việc tại Khoa ngay sau khi ra trường cho đến nay, tôi thuộc số không ít thầy cô đã chứng kiến nhiều đổi thay của Trường ĐHKT ngày nay, thụ hưởng những chính sách đúng đắn của lãnh đạo Khoa qua các thời kỳ. Nay nhìn lại chặng đường đã qua trong tôi trào dâng thật nhiều cảm xúc. Sự thành đạt của chúng tôi bây giờ là kết quả của chính sách quan tâm đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ của lãnh đạo Khoa ngày đó.
Ngay từ những ngày đầu xây dựng Khoa, mặc dù mới thành lập, cán bộ thiếu, số sinh viên giữ lại Khoa còn thiếu kinh nghiệm, nhiệm vụ đặt ra nặng nề, nhưng lãnh đạo Khoa đã tạo điều kiện cho chúng tôi đi tu nghiệp nâng cao trình độ. Các giảng viên ở lại đã phải gánh thêm phần công việc cho chúng tôi trong thời gian dài 4 năm ở nước ngoài. Nhiều thầy, cô giáo trẻ được nhận về Khoa những ngày đầu như cô Tuyết Mai, cô Kim Nga, cô Phương Thảo, thầy Đoàn Đình Nghiệp, cô Bùi Thiêm, cô Anh Thu, thầy Trần Trọng Kim, cô Võ Thị Vân vốn là sinh viên tốt nghiệp bằng đỏ ở Liên Xô cũ, Bungary, CHDC Đức… đã cùng với một số thầy, cô các khóa sau được giữ lại như cô Vũ Dậu, thầy Phạm Quang Vinh, thầy Vũ Đức Thanh, thầy Phạm Văn Chiến, thầy Tạ Đức Khánh… đều phải gồng mình lên để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy cho cả những người đi học như chúng tôi.
Những năm học giai đoạn 1985-1991 diễn ra trong điều kiện khó khăn chung của cả nước. Nhưng những công việc như tham gia giảng dạy, mời giảng viên, đi tiền trạm để tổ chức cho sinh viên thực tập… đã được các thầy cô hoàn thành chu đáo, đầy trách nhiệm. Chỉ có lòng nhiệt tình, sự hy sinh quên mình vì sự nghiệp phát triển của một ngành học mới giúp các thầy cô làm được những việc như vây. Nếu không có lòng yêu nghề, trách nhiệm với tương lai của một Khoa mới thì khó có thể giữ chân các thầy cô ở lại khi mà xã hội ngày đó, hiện tượng giảng viên rời bỏ nhà trường ra ngoài kiếm sống khá phổ biến. Thực sự, tôi rất tri ân những đóng góp của các thầy cô ngày đó.
Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, cùng với sự chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường, Khoa đã tạo điều kiện để các giảng viên được tham gia các khóa ngắn hạn để nâng cao kiến thức về kinh tế thị trường, phục vụ trực tiếp cho việc đổi mới chương trình đào tạo. Có thể nói, chính sách vừa tuyển chọn, vừa mạnh dạn cử giảng viên đi đào tạo, đã giúp Khoa có được một đội ngũ giảng viên vững vàng, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Năm học 1995-1996, đáp ứng nhu cầu xã hội, Khoa đã xây dựng thêm 2 ngành học mới là Kinh tế Đối ngoại và Quản trị Kinh doanh. Điều này đã tạo cho Khoa một diện mạo mới, từ đào tạo đơn ngành sang đa ngành với số sinh viên theo học ngày càng tăng ở các ngành, các hệ khác nhau, cung cấp nguồn nhân lực lớn cho xã hội trong giai đoạn chuyển đổi xây dựng kinh tế thị trường.
PGS.TS Trịnh Thị Hoa Mai (bên trái) cùng PGS.TS Mai Thị Thanh Xuân (phải) và TS. Nguyễn Thị Thư - những sinh viên khóa 1 của khoa Kinh tế - ĐHTHHN, tiền thân của Trường ĐHKT ngày nay
Nhớ về Khoa Kinh tế, tiền thân của Trường ĐHKT ngày nay, cảm xúc chung của những thầy cô lớn tuổi như tôi là nhớ về một gia đình lớn mà chúng tôi vẫn nói đùa là “chủ nghĩa gia đình”, bởi đâu đó nó cũng đã xuất hiện len lỏi trong cả những hoạt động của Khoa. Vẫn biết “chủ nghĩa gia đình” không có chỗ đứng trong một tập thể hiện đại, nhưng “gia đình Khoa Kinh tế” lại luôn gợi cho chúng tôi những cảm xúc ấm áp, gần gũi. Sự thân ái, đoàn kết, hết lòng vì công việc chung, niềm vui sảng khoái khi cùng gia đình tận hưởng những ngày hè bên bờ biển, sự quan tâm của lãnh đạo Khoa đến mỗi bước tiến bộ của con cái… đã tạo động lực mạnh mẽ giúp Khoa vượt mọi khó khăn, trưởng thành từng bước vững chắc như ngày nay. Đến nay, số sinh viên khóa 1 và các khóa sau ở lại Khoa công tác đã và đang là lực lượng nòng cốt cho Trường ĐHKT hiện nay. Tất cả đều đã trưởng thành, có học hàm, học vị và đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo của Trường.
Nhìn lại chặng đường dài, tôi ngỡ ngàng vì thời gian trôi nhanh quá. Mới bắt đầu sự nghiệp đấy mà đã đến lúc có thể nghỉ ngơi được rồi! Tự hào đấy vì được chứng kiến từng bước trưởng thành vững chắc của Khoa! Tin tưởng đấy vì đội ngũ kế cận sung sức và tự tin nối tiếp truyền thống của Khoa! Thật đáng tự hào là một thành viên trong đại gia đình Trường ĐHKT thân yêu!
Trịnh Thị Hoa Mai - Nguyên Chủ nhiệm khoa Tài chính - Ngân hàng
Cựu sinh viên khóa 1 Khoa Kinh tế - ĐHKT
(Trích kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển)