Tham dự hội thảo có ông Matsushita Takashi - đại diện Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA, ông Otsuka Tetsuhisa - đại diện lãnh đạo Công ty NC Network, TS. Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Công nghiệp (Bộ Công thương), TS. Nguyễn Quốc Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương).
Về phía Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN có PGS.TS Trần Anh Tài - Phó Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS Hoàng Văn Hải - Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh, TS. Nguyễn Đăng Minh - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển, TS. Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị kinh doanh (CBAS).
Hội thảo đã thu hút trên 150 nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn; đại diện các nhà quản lý đến từ các tổ chức/doanh nghiệp trong nước và quốc tế; các giảng viên, nghiên cứu viên đến từ các trường đại học và cơ sở nghiên cứu, tư vấn đào tạo trong nước quan tâm đến chủ đề này.
Hội thảo được tổ chức lần đầu tiên tại ĐHQGHN, xuất phát từ tư duy “Quản trị tinh gọn” (Lean Management) tạo ra lợi nhuận/giá trị gia tăng cho doanh nghiệp bằng cách dùng trí tuệ của con người cắt giảm tối đa chi phí lãng phí.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường PGS.TS. Trần Anh Tài đã nhấn mạnh, với sứ mệnh là một trường đại học định hướng nghiên cứu - gắn nghiên cứu với những vấn đề thực tiễn và cấp bách, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã hình thành nhóm nghiên cứu về tư duy và hoạt động Quản trị tinh gọn nhằm giới thiệu tới Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội một phương pháp quản trị tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, PGS.TS Trần Anh Tài bày tỏ hy vọng rằng, hội thảo này sẽ là diễn đàn để các thành viên có thể tham gia, trao đổi về những khó khăn, thách thức và kinh nghiệm thành công trong việc áp dụng Quản trị tinh gọn tại đơn vị mình.
Tiếp đó, đại diện tổ chức JICA (cũng là đơn vị tài trợ của hội thảo) - ông Matsushita Takashi đã phát biểu chào mừng và nhấn mạnh rằng hiện nay Việt Nam đang chịu tác động của sự biến động kinh tế, vì thế đòi hỏi các doanh nghiệp phải cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, cắt giảm tối đa chi phí lãng phí bằng cách áp dụng phương pháp quản trị tinh gọn (5S, Kaizen…). Mục tiêu của JICA là mong muốn thực hiện các hoạt động tình nguyện để hỗ trợ một cách tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động sản xuất các ngành công nghiệp bổ trợ thông qua áp dụng 5S(Seiri - Sàng lọc, Seiton - Sắp xếp, Seiso - Sạch sẽ, Seiketsu - Săn sóc, Shitsuke - Sẵn sàng) và Kaizen (Cải tiến liên tục)…
Tại hội thảo, đại diện các nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐHKT, Viện Kinh tế và Quản lý đã chia sẻ về tinh thần quản trị tinh gọn thể hiện qua một số mô hình và kinh nghiệm áp dụng tại một số quốc gia trên thế giới ở nhiều góc độ khác nhau như: phân tích về mối quan hệ của Quản trị tinh gọn với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, phân tích những yếu tố tác động đến những thay đổi kỳ vọng của công nhân trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất tinh gọn hay phân tích Quản trị tinh gọn từ góc nhìn cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp để áp dụng thành công…
Bên cạnh những nghiên cứu mang tính định hướng, hội thảo còn nghe các tham luận của đại diện lãnh đạo các tổ chức/doanh nghiệp trong nước và quốc tế tại Việt Nam (Công ty Midway Metals Việt Nam, Công ty Cổ phần NC Network Việt Nam, Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên) về tình hình áp dụng thực thế Quản trị tinh gọn tại doanh nghiệp mình, cụ thể như: “Thực trạng áp dụng 5S, Kaizen tại Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên (FOMECO)” hay “Hoạt động trực quan hóa, tiêu chuẩn hóa tại một công ty trong ngành dịch vụ - NC Network Việt Nam”, và “Đánh giá hiệu quả hoạt động 5S - Kaizen tại nhà máy Midway Metals Việt Nam sau 4 năm thực hiện (2010-2014)”…
Sau các tham luận, đại diện các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp đã đặt ra các câu hỏi cho các diễn giả cụ thể về Quản trị tinh gọn, các khó khăn khi bắt đầu thực hiện, về nguồn lực thực hiện Quản trị tinh gọn, các tiêu chí đánh giá 5S và đặc biệt là việc duy trì thực hiện như thế nào. Trong đó có ý kiến đặt ra liệu Quản trị tinh gọn có nên được đưa vào đào tạo chính thức tại các trường đại học - cao đẳng hay không và nếu có thì đào tạo như thế nào; hay ý kiến băn khoăn liệu 5S, Kaizen… có áp dụng được vào khối doanh nghiệp nhà nước hay không.
Sau phiên trao đổi sôi nổi, hội thảo đã kết thúc thành công với nhiều câu hỏi được đưa ra và phần giải đáp cặn kẽ của các diễn giả. Kết thúc hội thảo, Trưởng nhóm nghiên cứu về Quản trị tinh gọn - TS. Nguyễn Đăng Minh cam kết rằng diễn đàn này sẽ được tổ chức định kỳ một năm một lần để có thể thu hút được nhiều hơn các diễn giả, những nhà nghiên cứu, đặc biệt là các doanh nghiệp đang tiếp tục quan tâm đến chủ đề này. Từ những kinh nghiệp áp dụng quản trị tinh gọn trong lĩnh vực sản xuất tại hội thảo hôm nay, hy vọng rằng ở các hội thảo chuyên sâu tiếp theo, Quản trị tinh gọn sẽ được mở rộng sang những lĩnh vực khác như dịch vụ, y tế, giáo dục, quản lý hành chính công… nhằm cắt giảm tối đa lãng phí cũng như giải quyết những vấn đề khác về tính hiệu quả trong xã hội.
Nguồn: Trường ĐHKT - ĐHQGHN