Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, kinh nghiệm của Singapore; đánh giá các vấn đề thực tiễn ở Việt Nam và áp dụng các kinh nghiệm quốc tế vào Việt Nam.
Mở đầu, GS. Shimada, đã trình bày bài tham luận “Cải tiến liên tục trong Quản trị công nghệ và tác nghiệp ở Nhật Bản". Theo đó, các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đạt được chất lượng cao hơn với chi phí thấp hơn cần phải thực hiện đổi mới. Để thực hiện đổi mới, các doanh nghiệp của Nhật Bản có thể sử dụng nhân lực bên ngoài công ty, như các chuyên gia, để thúc đẩy sự đổi mới, hoặc sử dụng nguồn nhân lực nội bộ. Trên cơ sở phân tích rõ những ưu và nhược điểm của việc sử dụng nhân lực bên ngoài và bên trong doanh nghiệp, GS. Shimada cho rằng: có thể sử dụng kết hợp cả nhân sự bên ngoài và bên trong tổ chức để đổi mới doanh nghiệp. Ngoài ra, để đổi mới thành công, các doanh nghiệp cần phải có lãnh đạo giỏi để dẫn dắt, và những nhà quản trị có năng lực để thực hiện những chiến lược đó.
Để toàn hội thảo đã có cái nhìn sâu và rộng hơn về Kaizen (Cải tiến liên tục), GS. Matsui Yoshiki đã trình bày về 2 hình thức đổi mới: đổi mới liên tục (Kaizen) và đổi mới mang tính đột phá, nhảy vọt. Theo ông, phong cách quản lý Nhật Bản sẽ tập trung vào đổi mới liên tục trong khi đó phong cách quản lý phương Tây sẽ tập trung vào đổi mới đột phá. Tuy vậy, hiện tại các công ty đều đang áp dụng hỗn hợp 2 phong cách trên. Cuối cùng, giáo sư chỉ ra các xu thế hiện đại trong đó nhiều công ty Nhật đã không thành công khi áp dụng phong cách quản lý phương Tây, ngược lại nhiều công ty Âu Mỹ đã có những thành công khi áp dụng phong cách quản lý Nhật Bản.
GS. James Ang Soo Keng của Đại học NUS Singapore đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển của Singapore. Singapore đã phát triển từ một quốc gia thuộc thế giới thứ 3 thành một quốc gia trong thế giới thứ nhất trong vòng 40 năm. Mặc dù Singapore đã có các bước phát triển thần kỳ trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đến những năm 1990, tuy nhiên họ đã tiếp tục theo đuổi các cải tiến để đổi mới nâng cao hiệu quả. Giáo sư cũng chia sẻ cách làm của Singapore trong việc thu hút các công ty quốc gia bao gồm chính sách hỗ trợ kinh doanh như ưu đãi về thuế, chính sách thu hút lao động nước ngoài và chính sách di dân hợp lý... Giáo sư cũng đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam như cần có sự quyết tâm cao để thành công của cả hệ thống chính trị, trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp trong việc đổi mới; nhà nước tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực khoa học công nghệ và chú trọng đến nguồn nhân lực v.v…
Về tác động của văn hóa kinh doanh đến sự đổi mới trong doanh nghiệp, theo TS. Nhâm Phong Tuân, các yếu tố của văn hóa doanh nghiệp đã có tác động tích cực đến đổi mới trong doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các giá trị văn hóa trong tổ chức sẽ giúp thúc đẩy đổi mới và kết quả nghiên cứu này có thể được áp dụng cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Trong phần thảo luận, có câu hỏi về thực hiện đổi mới qua việc tập trung vào khách hàng. Giáo sư Matsui cho biết ý kiến của khách hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải tiến, phát triển sản phẩm mới cũng như cải tiến chất lượng dịch vụ. Giáo sư Shimada cho biết trong một số trường hợp những đổi mới không được thực hiện qua góp ý của khách hàng mà là do bản thân doanh nghiệp đưa ra các ý tưởng để dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên có một số cải tiến được thực hiện dựa trên ý kiến của khách hàng, do đó cần biết lắng nghe, vận dụng sáng tạo, phù hợp ý kiến của khách hàng vào quá trình đổi mới doanh nghiệp. Một số ý kiến khác tại hội thảo cũng đã chỉ ra kinh nghiệm thực tế của một số doanh nghiệp trong việc tiếp thu ý kiến khách hàng trong thực hiện đổi mới.
Kết luận hội thảo, TS. Phan Chí Anh khẳng định, chủ đề của hội thảo là vấn đề mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của không chỉ các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mà cả của các tổ chức/ doanh nghiệp. Hội thảo là diễn đàn góp phần giúp các giảng viên Khoa QTKD và các học viên chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị công nghệ và Phát triển doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với thực tiễn quản lý của các nước lân cận và xu hướng quản lý của các nước phát triển trên thế giới.
Các đại biểu và học viên tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Trần Huy Phương - Giảng viên Khoa QTKD
Nguồn: Trường ĐHKT, ĐHQGHN