Sáng ngày 1 tháng 8 năm 2017 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Lễ Khai trương triển khai thanh toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ qua NHNN.
Đến dự buổi lễ có ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện lãnh đạo Sở Giao dịch NHNN, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Tài chính, NHNN và các thành viên Ban chỉ đạo Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ từ ngân hàng thương mại (NHTM) sang NHNN, các thành viên thị trường.
NHNN và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ xây dựng và triển khai Đề án
Thực hiện chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán, NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án thanh toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ (TPCP). Trong quá trình triển khai Đề án, NHNN đã có sự quan tâm đặc biệt đến tiến độ và chất lượng của Đề án, luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và ưu tiên bố trí mọi nguồn lực cho triển khai Đề án, bởi đây là một đề án quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định và phát triển của thị trường TPCP và Thị trường tiền tệ. Thị trường TPCP luôn đồng hành và gắn kết chặt chẽ với Thị trường tiền tệ trong quá trình phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi Lễ
Thị trường trái phiếu Chính phủ là nơi tạo ra hàng hóa cho thị trường tiền tệ, giúp NHNN điều hành chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, từ đó ổn định lãi suất, giá trị đồng tiền, tỷ giá. Thị trường tiền tệ phát triển cũng giúp thành viên thị trường quản lý hiệu quả tính thanh khoản của các khoản đầu tư dài hạn vào trái phiếu Chính phủ, giúp thành viên thị trường mạnh dạn đầu tư vào TPCP. Hệ thống thanh toán TPCP phát triển sẽ thúc đẩy sự phát triển của cả thị trường TPCP và thị trường tiền tệ.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi Lễ
“Để nâng cao vai trò của thị trường trái phiếu Chính phủ, NHNN luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong công tác phát triển thị trường, giúp Kho bạc Nhà nước huy động và sử dụng vốn ngân sách một cách hiệu quả. NHNN là đại lý phát hành Tín phiếu Kho bạc, hàng năm huy động hàng chục nghìn tỷ đồng từ thị trường tiền tệ giúp Bộ Tài chính cân đối thu chi ngân sách. Việc phối hợp triển khai thành công Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ NHTM về NHNN cũng là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự quan tâm cũng như cam kết hỗ trợ phát triển thị trường TPCP của NHNN”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Trong những năm qua, thị trường TPCP đã có những phát triển vượt bậc, về khối lượng phát hành, khối lượng trái phiếu trúng thầu trên thị trường sơ cấp năm 2016 đã đạt con số trên 336 nghìn tỷ VND, so với năm 2009 đã tăng hơn một nghìn lần. Về giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch năm 2016 đạt trên 3 triệu tỷ VND, tương đương khoảng 67% GDP Việt Nam năm 2016, tăng hơn một trăm lần so với năm 2009. Tổng giá trị phát hành trái phiếu tới tháng 3/2017 đã đạt trên 1.465 nghìn tỷ VND, tương đương khoảng 32% GDP Việt Nam năm 2016. Đây là sự phát triển rất ấn tượng đối với thị trường TPCP, nhưng đồng thời cũng tạo áp lực không nhỏ đối với khả năng thanh toán của bất kỳ một ngân hàng thương mại riêng lẻ nào.
NHNN đảm nhận thanh toán tiền giao dịch TPCP, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh
Nhận thức rõ yêu cầu cần phải thay đổi về cơ bản hệ thống thanh toán TPCP đáp ứng tình hình phát triển mới, Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ NHTM về NHNN đã được phê duyệt tháng 3/2016. Như tên gọi của Đề án đã nêu rõ, đây là Đề án mà NHNN sẽ đảm nhận chức năng thanh quyết toán cuối cùng tiền giao dịch TPCP, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh. Từ nay, việc thanh toán trên thị trường TPCP sẽ do một số NHTM đủ năng lực cùng thực hiện, các tổ chức tín dụng (TCTD) là thành viên của hệ thống thanh toán liên ngân hàng có thể tự thanh toán cho mình, đồng thời NHNN sẽ hỗ trợ thanh toán tiền giao dịch TPCP thông qua cơ chế thấu chi và cho vay qua đêm trên hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Với hàng ngàn thành viên, đơn vị thành viên trực tiếp và gián tiếp trên phạm vi toàn quốc, hệ thống thanh toán liên ngân hàng đảm nhiệm vai trò xương sống của hệ thống thanh toán quốc gia và hoàn toàn có đủ năng lực thực hiện thanh toán giao dịch TPCP hiện tại và trong tương lai.
Ngoài ra, việc NHNN đảm nhận thanh toán tiền giao dịch TPCP, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh là phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của tiến trình hội nhập, giúp giải quyết xung đột lợi ích, bảo đảm tính độc lập, khách quan và tăng hiệu quả sử dụng vốn cho các NHTM, bảo đảm an toàn hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán và hệ thống tài chính, giúp nâng cao khả năng giám sát của NHNN đối với hệ thống thanh toán tiền tệ quốc gia, bảo đảm hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ, thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPCP và hiệu quả điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ.
Với những lợi ích rõ ràng của việc chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP về NHNN, một loạt công việc cụ thể đã được NHNN và Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp triển khai để kịp thời đưa hệ thống thanh toán TPCP mới vào hoạt động. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 46/2017/TT-BTC hướng dẫn hoạt động thanh toán giao dịch TPCP. Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở Giao dịch NHNN cũng đã ban hành các quy chế, quy trình hướng dẫn thanh toán TPCP và thanh toán tiền giao dịch TPCP qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng thuộc NHNN. Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hai đường truyền tốc độ cao phục vụ riêng cho việc thanh toán TPCP đã được thiết lập giữa Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở Giao dịch NHNN. Phần mềm thanh toán TPCP cũng đã được xây dựng và kiểm thử thành công. Đây là một khối lượng công việc rất lớn cần sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của Ban chỉ đạo Đề án và các cán bộ của Bộ Tài chính và NHNN.
Các đại biểu tham dự buổi Lễ
Tiếp tục nỗ lực để theo kịp sự phát triển công nghệ thanh toán thế giới
Để hệ thống phục vụ tốt nhu cầu của thị trường, các đơn vị thành viên thị trường trái phiếu cần có những phản hồi kịp thời đối với hệ thống, đồng thời, Bộ Tài chính và NHNN cần xây dựng cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với các thành viên thị trường trong áp dụng phương thức thanh toán mới. Các cán bộ thiết kế, vận hành hệ thống cần nghiêm túc lắng nghe ý kiến của thành viên thị trường và khẩn trương xử lý các vướng mắc phát sinh, đảm bảo hệ thống mới vận hành an toàn, thông suốt.
Về phía các NHTM là ngân hàng thanh toán cũng phải luôn chú ý chủ động đảm bảo thanh khoản phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của thị trường, tránh lệ thuộc vào sự hỗ trợ thanh khoản của NHNN.
Thời gian thanh toán ngay sau ngày giao dịch T+1 là một nỗ lực đáng ghi nhận đối với hiện trạng hệ thống thanh toán hiện nay. Tuy nhiên, các đơn vị triển khai Đề án cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến hệ thống để rút ngắn thời gian thanh toán hơn nữa, theo kịp sự phát triển công nghệ thanh toán thế giới. Các cán bộ của NHNN cần tăng cường phối hợp với các cán bộ của Bộ Tài chính trong bối cảnh NHNN đang chuẩn bị có các chương trình lớn như việc nâng cấp tổng thể hệ thống thanh toán liên ngân hàng, đảm bảo hệ thống thanh toán TPCP hoạt động hiệu quả hơn nữa, phục vụ sự phát triển của thị trường.