Hệ thống quản lý công tại Việt Nam hiện nay còn khá cồng kềnh và chồng chéo, chưa phát huy đưa hết năng lực vốn có cũng như nặng về hình thức khiến cho bộ máy nhiều chỗ hoạt động không hiệu quả. PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã đưa ra đề xuất đổi mới tư duy trong quản lý công với cán bộ lãnh đạo Sở, lãnh đạo cấp huyện ở Hà Nội.
Nội dung trên nằm trong lớp học ngắn hạn về bồi dưỡng cán bộ cấp Sở, huyện do Thành ủy Hà Nội tổ chức tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong ngày 16/7/2019.
Bài giảng của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê tập trung xoay quanh 3 vấn đề lớn đó là (1) Xây dựng và Lập kế hoạch theo phương pháp hiện đại (2) Xây dựng bộ đánh giá KPIs để áp dụng vào hệ thống quản lý công (3) Xác định nhiệm vụ trọng yếu từng giai đoạn theo nguyên tắc Pareto.
Với kinh nghiệm học tập và làm việc 17 năm ở Ba Lan và Anh, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê thấy được việc áp dụng hệ thống đánh giá KPIs rất tối ưu không chỉ với doanh nghiệp mà còn với các tổ chức sự nghiệp, tổ chức chính quyền. KPIs giúp kiểm đếm và lượng hóa được sản phẩm cụ thể, là thước đo đánh giá năng lực người làm, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo trong công việc. Ông cho rằng, từ công việc nhỏ nhất đến lớn đều phải kiểm đếm và cần được báo cáo bằng chỉ số và biểu đồ trực quan, tránh một công việc không được đo lường bằng thời gian dễ bị kéo dài từ ngày này sang ngày khác và báo cáo một cách chung chung như “đang triển khai” “tương đối tốt” ‘còn một số khúc mắc nhỏ”…
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê là một chuyên gia trong xây dựng bộ đánh giá KPIs, ông có gần 20 năm học tập và làm việc tại Ba Lan và Anh
Ngoài ra, việc áp dụng các phương pháp hiện đại trong lập, triển khai các kế hoạch sẽ góp phần giám sát chặt chẽ và đánh giá đúng mức độ hoàn thành của kế hoạch được giao nhằm tiết kiệm được nguồn lực, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Xây dựng kế hoạch phải có điểm đầu, điểm cuối và điểm chốt, thực hiện kế hoạch theo từng chốt, ngân sách và con người cũng phải dựa theo các chốt mà phân bổ, chọn lọc. Với lý thuyết trên, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê lấy ví dụ “trong triển khai công tác phụ nữ tại một quận thì bước đầu tiên là phải xác định công tác phụ nữ bao gồm những hoạt động gì, lựa chọn hoạt động phải gắn liền với cách làm và giải pháp. Giải pháp phải cụ thể, chi tiết như khu trú được độ tuổi, nghề nghiệp và thời gian triển khai như tuyên truyền về học tập phải hướng đến nhóm 18 - 25 tuổi, về hôn nhân gia đình là nhóm 25 - 50 tuổi, về chăm sóc sức khỏe từ 50 - 70 tuổi…
Học viên trao đổi thẳng thắn cởi mở với giảng viên
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê còn chia sẻ nguyên tắc Pareto 20 - 80 cho học viên, ông chỉ ra rằng trong bất cứ đơn vị nào cũng cần phải xác định được 20% nhân lực, tài lực, vật lực chủ chốt, đây là yếu tố thành công trọng yếu để chỉ đạo, triển khai 80% hiệu quả kế hoạch. Bản thân người đứng đầu đơn vị là người phải nắm rõ nhất được 20% cán bộ trọng yếu của mình, ngoài ra phải liên tục bồi dưỡng, bổ sung nhân lực trẻ, năng động sẵn sàng thay thế thế hệ gạo cội khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc luân chuyển công tác.
Nhiều học viên mong muốn khóa học sẽ được triển khai tới cả cán bộ quản lý cấp xã, phường, thị trấn
Kết thúc khóa học, các học viên tỏ ra hết sức phấn khởi vì những kiến thức nhận được, đặc biệt là kỹ năng lập và xây dựng kế hoạch theo phương pháp hiện đại làm giảm rất nhiều thủ tục hành chính, tối ưu hóa hiệu quả công việc. Một số học viên mong muốn, khóa học tiếp tục được triển khai với các cấp quản lý thấp hơn để cả hệ thống chính trị đều hiểu chung một ngôn ngữ, hướng tới mục tiêu công việc thay vì mệnh lệnh hành chính, không hiểu ý nhau giữa các cấp quản lý công.
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN liên tục tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về Kỹ năng xây dựng chương trình, kế hoạch theo phương pháp hiện đại KPIs
Các đơn vị có nhu cầu học khóa học, vui lòng liên hệ: Phòng
Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác phát triển, Trường ĐHKT - ĐHQGHN Phòng 501, Nhà E4, số 144
Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội Phó trưởng phòng: ThS. Nguyễn Đức Lâm |