Trang tin tức sự kiện
Tín dụng đen đang ngày càng hoành hành và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau, gây nhiều hệ lụy cho an ninh trật tự xã hội. Vậy những nguyên nhân nào khiến loại hình cho vay với lãi suất dù "cắt cổ" và lắm rủi ro nhưng vẫn phát triển mạnh thời gian
Vì sao tín dụng đen phát triển mạnh?



Thời gian gần đây, tình trạng tín dụng đen có dấu hiệu bùng phát tại nhiều địa phương thậm chí từ bí mật, giấu diếm cho đến công khai, dẫn tới nhiều hệ lụy về an ninh, trật tự cho xã hội. Tín dụng đen là gì và ứng xử với hình thức này như thế nào cũng đã trở thành chủ đề với nhiều quan điểm trái chiều, trong người dân, trong cộng đồng doanh nghiệp và giữa các chuyên gia, cơ quan quản lý.

Trong buổi giao lưu trực tuyến do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức với chủ đề "Đi tìm giải pháp đẩy lùi tín dụng đen" ngày 20/9, khái niệm tín dụng đen một lần nữa trở thành chủ đề làm nóng buổi tọa đàm khi mỗi diễn giả đưa ra một định nghĩa, cách nhìn khác nhau về loại hình cho vay này.

Thượng tá Trần Quốc Trung, phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội cho biết hiện vẫn chưa có định nghĩa chính thức về tín dụng đen, đó là những giao dịch dân sự giữa người vay và người cho vay mà không thông qua ngân hàng. Theo nhu cầu của xã hội, nhu cầu tiền và việc sử dụng vốn của các cá nhân, tổ chức rất lớn dẫn đến sự ra đời của tín dụng đen.

Cũng theo Thượng tá Trung, có nhiều hình thức tín dụng đen tồn tại hiện nay. Với hình thức cầm đồ, cho vay tài chính có trưng biển hiệu đều có giấy phép, chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước. Ngoài ra có những cửa hàng không trưng biển hiệu, chỉ có một phòng nhỏ, kê bàn ghế, máy tính để cho vay tiền thì không có cơ quan nào quản lý. Ở địa bàn Hà Nội, Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo có hình thức quản lý với các hình thức tín dụng này kể cả cửa hàng cầm đồ, chưng biển bán sim thẻ…

Còn chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, T.S Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam đang có nhiều cách hiểu không đúng về tín dụng đen. Ông phân tích, nền kinh tế có 2 loại tín dụng là chính thức và phi chính thức. Tín dụng phi chính thức rất rộng và tín dụng đen chỉ là một phần nhỏ trong đó. Ông cho rằng để phân biệt, nên gọi tín dụng đen bằng một thuật ngữ khác, có thể là tín dụng phi chính thức, nặng lãi và không theo pháp luật.

Ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NHNN chỉ ra 3 nguyên nhân lớn dẫn tới sự xuất hiện của tín dụng đen và diễn biến phức tạp của nó. Luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 có quy định về xử lý, truy tố hình sự với tội tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Luật Dân sự quy định phạt tới 100 triệu, ngồi tù 1-3 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ 3-5 năm. Tuy nhiên, thứ nhất đối tượng cho vay rất tinh vi. Thứ hai, đối tượng đi vay giấu diếm không chịu nói ra đến khi xảy ra sự việc thì mới biết. Thứ ba, các quy định theo Luật tuy đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể và trong quá trình xử lý điều tra gặp khó.

Ngoài ra, một lý do nữa là hệ thống ngân hàng hiện nay đã có đầy đủ các loại hình TCTD để đáp ứng nhu cầu vay vốn của tổ chức cá nhân trong đời sống xã hội, mỗi loại hình có một sân chơi riêng, mỗi loại hình có một phạm vi hoạt động, địa bàn hoạt động khác nhau, đáp ứng mọi nhu cầu. Tuy nhiên đối tượng vay tín dụng đen là những người có công việc không ổn định, thu nhập không ổn định, phát sinh nhu cầu thậm chí liên quan hành vi không lành mạnh với xã hội…từ đó dẫn đến việc người ta không nhận thức được về tín dụng đen. Khi điều kiện kinh tế xã hội càng phức tạp thì càng là mảnh đất màu mỡ để cho tín dụng đen phát triển.

Đồng ý với những nguyên nhân mà ông Phạm Huyền Anh đưa ra, ông Cấn Văn Lực bổ sung thêm một vài nguyên nhân khác. Ông cho rằng, tại Việt Nam, kinh tế phi chính thức vẫn còn có quy mô lớn, tạo mảnh đất cho tín dụng đen phát triển. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ, gần đây có thể kể đến cho vay ngang hàng, cho phép cho vay trực tuyến, rất tinh vi và ngày càng phổ biến.

Còn về các quy định, Luật dân sự 2015, trong điều 468 thì trần lãi suất là 20% nhưng có mở ngoặc là trừ khi luật chuyên ngành có quy định khác. Nếu luật TCTD cho phép thỏa thuận thì trần lãi suất nói trên không bị vi phạm. Ví dụ như cho vay tiêu dùng hiện nay có lúc 40-45% nhưng không vi phạm luật. Ông cho rằng, nếu luật chuyên ngành cho phép thỏa thuận, thì áp dụng luật hình sự, dân sự cần có hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn.

Số liệu hiện nay, ước tính quy mô của tín dụng phi chính thức sẽ ở khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, quy mô tín dụng đen chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương khoảng 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, chỉ tầm 400-500 ngàn tỷ. Ông Lực cho rằng, quy mô không quá lớn nhưng hệ lụy rất lớn.

Thượng tá Trần Quốc Trung cho biết, với đặc trưng cả người vay và cho vay đều không muốn công khai, tiết lộ thông tin, tín dụng đen đã gây không ít khó khăn cho cơ quan công an.

Người vay tiền kể cả không chính đáng và chính đáng, đối tượng vay là những người làm ăn chân chính và không chân chính, đều không muốn lộ danh tính cá nhân. Nhưng đến khi vỡ nợ, không có khả năng chi trả thì bị các đối tượng cho vay đòi nợ, đối tượng đi vay sợ quá đi trốn thì cơ quan công an mới biết. Điều đó gây khó khăn cho công tác quản lý an ninh trật tự tại địa phương. Khi người vay trốn rồi thì không xác định được cụ thể, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý đối với các đối tượng cho vay lãi suất cao.


Nhóm PV Theo Trí thức trẻ

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành