Từ ngày 16/3/2020, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN bắt đầu tổ chức dạy học trực tuyến trên quy mô toàn trường với hệ đào tạo đại học và sau đại học trong bối cảnh mọi hoạt động giảng dạy và học tập tại giảng đường phải tạm dừng khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ban Chủ nhiệm Khoa Tài chính – Ngân hàng cũng đã chủ động nắm bắt tình hình và tổ chức họp online hướng dẫn các thầy, cô trong khoa triển khai giảng dạy online. Đây không những là giải pháp tức thời của Nhà trường mà còn là hoạt động trọng tâm trong công tác đổi mới giảng dạy của trường năm học này, hoạt động mà Khoa là đơn vị đang đi đầu.
Mặc dù là buổi học online đầu tiên của Trường Đại học Kinh tế nhưng tại nhiều lớp vẫn được sự đánh giá tốt của thầy, cô của khoa. Các em sinh viên đều tham gia đầy đủ đúng giờ, giảng viên và sinh viên không lung túng khi tham gia lớp học. Sinh viên đều hồ hởi khi được gặp lại thầy cô và các bạn. Các em đã nhanh chóng bắt nhịp với bài giảng và rất tích cực tham gia tương tác.
PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú đang giảng online cho lớp chính quy
PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú – Chủ Nhiệm khoa Tài chính – Ngân hàng, Trưởng nhóm dự án Đổi mới giảng dạy của Trường Đại học Kinh tế rất hào hứng với hình thức mới và đã chủ động triển khai ngay cho các giảng viên trong khoa để thực hành và chia sẻ kinh nghiệm. Cô cùng các thầy, cô trong khoa đều cho rằng việc giảng dạy và học tập online đang là xu thế và giúp cho Nhà trường, giảng viên và người học tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Mặt khác, ứng dụng và cập nhật công nghệ vào đào tạo sẽ giúp cho kiến thức được lan tỏa rộng hơn, nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách về không gian để tất cả người học dù đang ở đâu cũng có thể tham gia được. Không chỉ giảng viên mà cả sinh viên cũng rất hào hứng với hình thức học tập mới này. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay, hình thức giảng dạy online sẽ bảo vệ được các thầy cô, cùng các em sinh viên vừa an toàn, vừa không bị bỏ lỡ kiến thức trong thời gian nghỉ rất dài vừa qua. Vì thế, khoa Tài chính – Ngân hàng đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu phương pháp mới theo hướng dẫn của Nhà trường để cùng triển khai thực hiện. Qua ngày giảng đầu tiên, 100% giảng viên của khoa đã hoàn thành tốt, không bị bỡ ngỡ và giúp sinh viên nắm bắt được đầy đủ kiến thức của bài học.
TS. Trịnh Thị Phan Lan – Giảng viên bộ môn Tài chính, Khoa Tài chính – Ngân hàng chia sẻ: “Tôi cho rằng việc giảng dạy online là rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay và cũng là bước đi đúng đắn dài hạn trong thời đại 4.0 hiện nay. Sau khi nghiên cứu và triển khai giảng dạy, tôi thấy ưu điểm của phương pháp này là sinh viên có thể tham gia lớp học ở bất kỳ đâu, chỉ cần có kết nối mạng và thiết bị di động hoặc laptop”.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu đang giảng online cho lớp chính quy
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu - Giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng: “Qua buổi học hôm nay, tôi thấy sinh viên hào hứng với ứng dung Ms Teams mà Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đang triển khai. Bên cạnh việc sử dụng để học tập online, ứng dụng cũng cho phép tải tài liệu và slide giảng thuận tiện cho việc sinh viên dễ dàng học lại nếu cần. Có nhiều ứng dụng hay có thể giao bài tập và câu hỏi trắc nghiệm từ trước khi lên lớp để sinh viên làm. Nhiều sinh viên đã hoàn thành xong bài tập và có thể biết ngay kết quả, đồng thời giảng viên có thể biết lịch sử truy cập và kết quả của sinh viên. Tuy nhiên với việc giảng day online này, thầy cô cần soạn slide phải chi tiết hơn, soạn câu hỏi trắc nghiệm và bài tập cho sinh viên thực hành cũng cần tỉ mỉ hơn. Bài giảng thì cần chạy liên tục, nếu giải lao, sinh viên đăng nhập lại khá lâu và giảng viên phải nói nhiều hơn. Theo tôi, dạy online không truyền cảm hứng được nhiều song cũng khá thú vị. Tôi có đề xuất giảng viên không cần gửi bài giảng record cho Phòng Đào tạo, admin có thể biết việc giảng dạy của thầy cô thế nào và quan trọng là phải tin tưởng vào thái độ làm việc của giảng viên."
Sinh viên Trịnh Đình Đức – lớp trưởng lớp QH2018E TCNH CLC 2 sau buổi học online còn hẹn cả lớp ở lại để ôn tập thêm, cũng như tận dụng khoảng thời gian online cho các công việc chung của lớp: “Em nhận thấy, cách học mới này rất thú vị và chúng em ai cũng hào hứng. Mặc dù chúng em phải tự giác hơn và chủ động hơn vì không như ở trên lớp học có sự giám sát nhiều của thầy, cô, nhưng chúng ai em cũng có thể nắm bắt được bài học đầy đủ, có thể xem lại bài học và nghe lại lời thầy, cô giảng để không bị bỏ sót kiến thức. Và không chỉ học tập, chúng em còn có thể họp và làm việc nhóm online rất thú vị mặc dù không gặp nhau trực tiếp như trước đây. Em rất ủng hộ và cũng mong muốn sớm hết dịch để có thể quay lại học tập tại giảng đường”.
Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, học online cũng có một vài khó khăn nho nhỏ trong tương tác như: Để đảm bảo chất lượng âm thanh bài giảng thì thông thường sinh viên phải tắt mic, việc tắt mic cũng khiến các bạn lười mở mic mỗi lần tham gia xây dựng bài; Nếu để sinh viên thoải mái hỏi và trả lời bằng việc cho phép mở mic 100% sẽ làm nhiễu âm thanh, gây ảnh hưởng đến lớp học; Giáo viên không thể yêu cầu các bạn mở webcam 100% được và sinh viên cũng không sẵn sàng làm điều đó; Phần mềm MS Team không có cách chia phòng cho sinh viên vừa học trực tuyến vừa thảo luận nhóm (bên Zoom có chức năng này) vậy nên chỉ có thể làm các bài tập cá nhân.
Trước diễn biến của dịch COVID-19, thì học online được coi là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, để các buổi học đạt chất lượng cao nhất thì sinh viên cần chuẩn bị tốt những vấn đề như: Chuẩn bị không gian riêng, có chất lượng mạng tốt khi tham gia buổi học; Chủ động làm bài tập giảng viên giao, chuẩn bị bài trước mỗi buổi học; Tích cực tương tác, đặt câu hỏi trao đổi với giảng viên.
Duy Khánh tổng hợp