Do đại dịch Covid-19, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều chịu ảnh hưởng nặng nề, đa số có mức tăng trưởng Quý 3 năm 2020 âm so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch bùng phát mạnh trở lại vào Quý 4/2020 gây nhiều trở ngại cho nền sản xuất trong những tháng cuối của năm 2020 và hầu như chắc chắn kéo dài sang năm 2021. Kinh tế Việt Nam trong năm 2020 là điểm sáng trong khu vực, tăng 2,91% (yoy) - mức tăng trưởng dương hiếm hoi, đứng vào nhóm tốt nhất so với các nước trong khu vực và thế giới. Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam Quý 4 – 2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đưa ra đã nêu bật những điểm chính sau:
Bức tranh nền kinh tế thế giới
- Nhiều nền kinh
tế hứng chịu tăng trưởng âm trong Quý 3/2020. Giá dầu tăng do ảnh hưởng từ căng
thẳng Vùng Vịnh và nguồn cung suy giảm.
- Các gói kích
thích kinh tế với quy mô lớn tiếp tục được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế
giới.
- Kinh tế Trung
Quốc trong Quý 3/2020 bắt đầu hồi phục tăng trưởng ở mức 4,9%, sau khi tăng
3,2% vào Quý 2. Tuy nhiên dịch bệnh bùng phát tại tỉnh Hà Bắc có nguy cơ sẽ đẩy
nền sản xuất Trung Quốc vào tình thế khó khăn trong những tháng đầu năm 2021.
- FED tiếp tục
giữ lãi suất ở mức 0 - 0,25%, tiếp tục mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán có
đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Các gói hỗ trợ tài khóa cũng tiếp tục được chính
phủ thực hiện. Vào ngày 28/12/2020, Tổng thống Trump đã ký thông qua gói hỗ trợ
cho đại dịch Covid-19 và tài trợ chính phủ trị giá 877 tỷ đô la Mỹ, thông qua
các khoản trợ cấp thất nghiệp cho đến ngày 3/2021.
- Tại châu Âu,
ECB giữ nguyên lãi suất và chi thêm 120 tỷ EUR vào gói thu mua tài sản (APP)
cho đến cuối năm và chi thêm 600 tỷ EUR cho PEPP, nâng tổng trị giá của chương
trình này lên mức 1.350 tỷ EUR. ECB quyết định bổ sung gói tài trợ của chương
trình mua sắm khẩn cấp cho đại dịch (PEPP) thêm 500 tỷ Euro, nâng tổng giá trị
của kế hoạch lên 1,85 nghìn tỷ Euro và dự kiến kéo dài chương trình ít nhất đến
hết tháng 03/2022, cấp thêm các khoản vay giá rẻ cho các ngân hàng để khuyến
khích cho vay.
Tình hình kinh tế Việt Nam
Việt Nam là một
trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong
Quý 4/2020, đạt 4,48%. Tính chung năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp
đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng và
tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số doanh nghiệp,
tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm 2019. CPI
bình quân năm tăng 3,23% (yoy), nằm trong mức mục tiêu. Tỷ giá trung tâm có xu
hướng giảm trong suốt Quý 4/2020, kết thúc quý ở mức 23.131 VND/USD. Tỷ giá tại
các ngân hàng thương mại cũng giảm nhẹ, kết thúc ở 23.215 VND/USD. Nhìn chung,
giá vàng trong nước đang theo sát những bước tiến của giá vàng thế giới. Với
triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, dự báo trong quý tới giá vàng trong nước
vẫn ở mức cao.
Khuyến nghị đối với Việt Nam
Thứ nhất, chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ doanh
nghiệp: (i) Ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an
sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô: quan tâm hơn đến lao động
trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn
thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. (ii)
Giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh
nghiệp còn hoạt động: khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh
nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó cần
cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp. (iii) Giãn/giảm
thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế TNDN, vì giảm thuế
TNDN chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi
từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang
gặp khó khăn.
Thứ hai, về phương diện sản xuất: (i) Đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc
gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí vốn thực hiện trong các tháng còn lại
của năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. (ii) Cắt giảm ngân sách
thường xuyên tối thiểu 10% nên được thực hiện một cách cương quyết nhằm dành
nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra, đồng thời chia
sẻ với nhân dân cả nước trong giai đoạn khó khăn.
Thứ ba, về chính sách tiền tệ: (i) Ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá
cần được duy trì ổn định, là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục
hồi sau bệnh dịch. (ii) Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú
trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.
(iii) Nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19,
hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới.
Thứ tư, về các chính sách vĩ mô: (i) Chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính
sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể, đó
là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà
nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh
nghiệp và người dân. (ii) Đối với lĩnh vực giáo dục cho tới tài chính-ngân hàng,
từ khoa học-công nghệ đến cơ sở hạ tầng, từ chính sách ngành tới cải cách doanh
nghiệp nhà nước… đều cần tiếp tục thúc đẩy với một tinh thần mới và phương pháp
mới, tôn trọng thị trường nhiều hơn, đặt người dân vào trung tâm và tôn trọng
các xu thế phát triển mới.
.
>> Quý độc giả có thể xem toàn văn Báo cáo kinh
tế vĩ mô Việt Nam quý 4 - 2020 tại đây