Trong bối cảnh bức tranh nền kinh tế thế giới năm 2020-2021 phủ một màu xám với đà suy giảm năng suất, tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu do cú sốc đại dịch Covid-19, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 được công bố tại Hội thảo trực tuyến diễn ra ngày 29/7/2021 do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam đồng tổ chức được đánh giá cao về tính chuyên môn cũng như mang lại các nhóm giải pháp, hàm ý chính sách quan trọng, giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng và định vị ở vị thế cao hơn trong tương lai.
Năm 2021 là năm
bản lề trong khát vọng đưa Việt Nam thành nước phát triển, do đó, với chủ đề “Định
vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu”, Báo cáo đi sâu vào phân tích vị thế cạnh
tranh Việt Nam trên cơ sở đánh giá lợi thế so sánh và sự tham gia của quốc gia
trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt
Nam. Từ đó, Báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách quan trọng cho
chiến lược định vị lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu
với những điểm chính sau:
Khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn:
Thứ nhất, nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện
pháp khống chế dịch bệnh Covid-19, tổ
chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhanh
và hiệu quả cho đồng thời khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lẫn các nhóm hộ
kinh doanh đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hạn chế và giãn cách xã hội.
Thứ hai, do nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong thời kỳ đại dịch cần phải
đúng trọng tâm, tiết kiệm và đúng địa chỉ. Sớm thiết kế gói chính sách kích
thích và phục hồi sản xuất/kinh doanh chung cho các loại hình doanh nghiệp và
hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ/bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là với các
doanh nghiệp vừa và nhỏ/siêu nhỏ cũng như các hộ kinh doanh sau khi dịch bệnh
đã được cơ bản khống chế. Tất cả các biện pháp hỗ trợ về thuế thu nhập hay chi
tiêu hàng xa xỉ nên được xóa bỏ. Đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào
các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng
là một định hướng quan trọng khi Covid-19
vẫn là một ẩn số, tương lai của nền kinh tế vẫn còn bất định.
Thứ ba, chính sách tiền tệ cần lưu ý đặc
biệt đối với việc kiểm soát tăng trưởng cung tiền và định hướng dòng tín dụng
vào khu vực sản xuất. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán và
bất động sản nóng như hiện nay, việc kiểm soát dòng tín dụng vào các thị trường
này cũng cần được biệt lưu ý bên cạnh vấn đề nợ xấu.
Khuyến nghị chính sách trong trung và dài hạn:
Thứ nhất, song hành với những chính sách
mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải
cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương
lai. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn
định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.
Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải
thiện môi trường kinh doanh vẫn là một yêu cầu thường trực, trong đó cần nhận
diện và khắc phục các rào cản để nâng cao thứ hạng trong bộ chỉ số năng lực
cạnh tranh 4.0 (WEF). Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
địa phương của doanh nghiệp thông qua các trụ cột của chỉ số năng
lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), điều này không chỉ hỗ trợ cho sự
phát triển của doanh nghiệp nói chung mà còn được chứng minh làm gia tăng năng
suất nhân tố tổng hợp (TFP) của các ngành sản xuất tại địa phương đó. Hơn nữa,
TFP của doanh nghiệp tư nhân ở cả hai ngành nghiên cứu đều ở mức thấp so với
doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Do đó, để có thể thực
sự nâng cao nội lực của nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy sự phát
triển của các doanh nghiệp tư nhân cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Thứ ba, Việt Nam cần tận dụng được thương
mại và đầu tư để nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong tương lai. Để làm
được điều này, cần nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của các hiệp định
thương mại tự do (FTA) trong việc cải thiện lợi thế so sánh và giá trị gia tăng
của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), đồng thời tạo môi trường để
các FTAs phát huy hiệu quả. Song song với điều này, để có thể giảm những tác
động có thể có tiêu cực từ hội nhập, Việt Nam cần có những giải pháp để tăng sự
chống chịu của nền kinh tế trên cơ sở tiếp tục đa đạng hóa thị trường và hàng hóa
dựa trên mạng lưới FTAs và lợi thế so sánh. Cần nâng cấp sự tham gia của GVC,
đặc biệt cần công nhận và nhấn mạnh vai trò và tiềm năng của nhóm ngành nông
nghiệp trong việc cải thiện vị thế của Việt Nam thông qua việc tăng DVX của Việt
Nam.
Thứ tư, Chính phủ cần nhanh chóng cải thiện
hệ thống vận tải nhằm thúc đẩy lưu thông hoạt động thương mại và đầu tư quốc
tế. Chính phủ nên tận dụng các FTAs nhằm cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hải
quan, thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi hóa cho hoạt động giao thương. Doanh
nghiệp Việt Nam cần nâng cao hiểu biết và đảm bảo khả năng đáp ứng tiêu chuẩn
quốc tế về chất lượng sản phẩm, xuất xứ..., khẳng định vị thế của mình trên sân
chơi thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao trình độ và chất lượng nguồn
nhân lực nhằm hưởng lợi và tận dụng được tối ưu chuyển giao công nghệ và khoa
học kỹ thuật từ doanh nghiệp nước ngoài, trên cơ sở đó, nâng cao năng suất và
hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Thứ năm, để cải thiện TFP thông qua việc
tham gia vào GVC, Việt Nam có thể thông qua việc thiết lập và gắn kết với các
đối tác là các quốc gia có mức thu nhập cao hơn và phát triển hơn. Việt Nam
cũng nên xem xét việc tham gia vào các chuỗi giá trị mới dẫn dắt bởi EU (nhờ
EVFTA và thông qua chiến lược thương mại mới của EU) và có thể bởi Trung Quốc
(Trung Quốc có chiến lược tự chủ về kinh tế - công nghệ và tự xây dựng các
chuỗi giá trị do mình dẫn dắt) thay vì các chuỗi truyền thống trước đây.
Thứ sáu, xu hướng xanh hóa và số hóa được
đẩy mạnh mở ra nhiều cơ hội mới, cách làm mới cho hầu hết các ngành, do đó với hai
ngành điện tử và thực phẩm, Việt Nam có thể nghiên cứu các cơ hội mới và cách
làm mới như phát triển phân khúc sản phẩm sạch, organic; cách thức thương mại
đối với sản phẩm (sử dụng các sàn thương mại...).
Thứ bảy, ngành điện tử Việt Nam nên tận
dụng tốt vai trò của các FTAs nhằm tăng cường sự kết nối với các đối tác chiến
lược cả ở phía thượng nguồn và hạ nguồn; đa dạng các đối tác khác bên ngoài châu
Á để giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào một số quốc gia nhất định trong
khu vực. Việt Nam cũng cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho doanh nghiệp Việt Nam
trong xuất khẩu điện tử. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường hơn nữa khả
năng chuyên môn hoá, tập trung sản xuất các sản phẩm công nghệ có độ phức tạp
cao, đáp ứng kịp thời các xu thế chuyển dịch cung cầu về nguyên liệu đầu vào
công nghệ điện tử, mặt hàng điện tử công nghệ trên thị trường quốc tế.
Thứ tám, để cải thiện vị thế của Việt Nam
trong giá trị gia tăng nội địa gián tiếp (GVC) ngành thực phẩm, cần tập trung
vào 3 trụ cột chính, bao gồm chế biến (thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tốt hơn),
sản phẩm (tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, phức tạp hơn hoặc có giá thành
cao hơn) và chức năng (có được các kỹ năng mới trong chuỗi giá trị mà công ty
chưa thực hiện trước đây). Về phía các cơ quan quản lý nhà nước: cần tập trung xúc
tiến triển khai các cam kết cũng như ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn
nhau, hậu kiểm trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBTs); Khuyến khích nhập khẩu,
chuyển giao công nghệ chế biến thực phẩm; Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây
dựng thương hiệu Việt Nam cho ngành thực phẩm; Tăng cường truyền thông về các
ưu đãi đã cam kết trong FTAs liên quan đến thực phẩm. Về phía doanh nghiệp: cần
tập trung nghiên cứu các lộ trình cắt giảm thuế quan đối với ngành thực phẩm Việt
Nam; Tìm hiểu, chuẩn bị và sẵn sàng, điều chỉnh sản xuất đáp ứng các yêu cầu về
quy tắc xuất xứ; Tìm hiểu, điều chỉnh sản xuất bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về
chất lượng; Xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, đây là một ngành Việt
Nam có lợi thế và Việt Nam nên tập trung xây dựng những doanh nghiệp lớn trong
nước đủ mạnh để dẫn dắt thị trường nội địa.
>> Kỷ
yếu hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 http://ueb.edu.vn/Sub/12/newsdetail/kyyeu/28081/ky-yeu-hoi-thao-cong-bo-bao-cao-thuong-nien-kinh-te-viet-nam-2021.htm
Các tác giả chính của Báo cáo:
| PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê
Hiệu
trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Ông nhận bằng Tiến sĩ, chuyên ngành Kinh
tế tại Đại học Kingston, London, Vương quốc Anh năm 2006. Ông từng là nhà tư
vấn tài chính trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng và làm việc tại Ngân hàng Trung
ương Ba Lan, BIG Bank Gdank (nay là Deutsche Bank). Ông cũng là cố vấn nghiên
cứu của Chính phủ trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống và cải cách hành
chính công. |
| PGS.TS. NguyễnAnh Thu
Tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế năm 2009 tại Trường Đại học
Quốc gia Yokohama, NhậtBản; học hàm Phó Giáo sư năm 2017. Bà từng làm việc tại một
số công ty đa quốc gia và Bộ Công thương Việt Nam trước khi trở thành giảng viên.
Hiện nay bà là Phó Hiệu trưởng, kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính
sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Lĩnh vực nghiên cứu chính
của bà là hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tự do hóa thương mại và đầu tư trong
ASEAN và châu Á, các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh. |
| TS. Nguyễn Quốc Việt
Tốt nghiệp Tiến sĩ về Kinh tế và Khoa
học Xã hội năm 2006 tại Đại học Kassel, CHLB Đức, từng giữ chức vụ Trưởng Phòng
Nghiên cứu Khoa học & Hợp tác Phát triển, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển
của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hiện nay ông là Phó Viện trưởng Viện Nghiên
cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Lĩnh vực nghiên cứu quan tâm là cải cách thể
chế kinh tế; năng lực cạnh tranh quốc gia và khu vực; chính sách công vì sự
phát triển bao trùm và bền vững. |
____________
BÀI LIÊN QUAN: