Các hành vi thao túng báo cáo tài chính (BCTC) là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự mất cân xứng trên thị trường tài chính, làm suy giảm uy tín, lợi ích kinh tế của các chủ thể tham gia thị trường và các cơ quan quản lý, giám sát thị trường. Tùy theo mức độ thao túng BCTC khác nhau mà có thể dẫn đến những tác động tiêu cực khác nhau, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Tại Việt Nam, thao túng BCTC đến nay không còn là hiện tượng cá biệt bởi
thực tế có rất nhiều vụ việc ở quy mô lớn đã xảy. Do đó, những đề xuất giải
pháp được TS. Nguyễn Thị Hương Liên và nhóm
nghiên cứu thuộc Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nêu ra
trong cuốn sách chuyên khảo “Thao túng báo
cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” được
đánh giá là có giá trị trong việc góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với
thao túng BCTC trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cuốn sách được thực hiện trong khuôn khổ đề tài NCKH cấp ĐHQG về “Thao túng báo cáo tài chính
của các công ty niêm yết và tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam” (mã
số QG.16.57) do nhóm nghiên cứu Khoa Kế
toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội thực hiện.
Để đưa ra được những giải pháp cụ thể, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên
cứu các vấn đề trọng yếu sau:
Thứ nhất, nhận diện được các hành vi thao túng BCTC phổ biến trên
thị trường chứng khoán Việt Nam: Dựa trên cơ sở lý luận và tổng quan nghiên cứu
về thao túng BCTC, nghiên cứu đã khảo sát về mức độ phổ biến của 43 hành vi
thao túng BCTC, được chia thành 04 nhóm hành vi có ảnh hưởng đến bảng cân đối
kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết
minh BCTC, sử dụng thang đo Likert 5 cấp độ để đo lường mức độ phổ biến của các
hành vi thao túng BCTC. Nhìn chung, các nhà đầu tư đều cho rằng các hành vi
thao túng BCTC trên thị trường chứng khoán Việt Nam được thực hiện phổ biến và
rất phổ biến. Mức điểm đánh giá chung là 3.490 và 35/43 hành vi được khảo sát có
mức điểm trên 3 cho thấy thực trạng các công ty niêm yết trên thị trường chứng
khoán Việt Nam thường sử dụng rất nhiều hành vi thao túng BCTC khác nhau để
điều chỉnh số liệu tài chính theo mong muốn. Kết quả khảo sát các nhà đầu tư cá
nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy 5 hành vi thao túng BCTC phổ
biến nhất của các công ty niêm yết bao gồm: (1) ghi nhận nợ phải thu (và doanh
thu) quá mức; (2) điều chỉnh các khoản trích lập dự phòng để ghi giảm chi phí;
(3) chuyển thu nhập của kỳ này sang kỳ sau; (4) không ghi nhận chi phí phải trả
(thực tế đã phát sinh nhưng chưa nhận được hóa đơn) và (5) không công bố đầy đủ
giao dịch với các bên liên quan.
Thứ hai, làm rõ các dấu hiệu nhận biết và các nhân tố
ảnh hưởng đến thao túng BCTC của công ty niêm yết: Các dấu hiệu cảnh báo hành
vi thao túng BCTC được tổng hợp thành các dấu hiệu cảnh báo ghi nhận doanh thu
sớm, ghi nhận doanh thu ảo, sử dụng nghiệp vụ không thường xuyên, chuyển chi
phí kỳ này sang kỳ sau, sử dụng các kỹ thuật khác để che giấu chi phí hoặc che
giấu lỗ. Kết quả khảo sát các nhà đầu tư cho thấy các nhân tố có ảnh hưởng
nhiều nhất tới các hành vi thao túng BCTC của các công ty niêm yết bao gồm:
- Hoàn thành các
chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận để được khen thưởng và các phúc lợi
khác.
- Đòn bẩy tài chính
cao, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
- Ban giám đốc gây
sức ép với nhân viên hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh bằng mọi giá.
- Cơ chế giám sát
của kiểm toán nội bộ còn hạn chế do chưa đảm bảo tính độc lập, khách quan.
- Ban giám đốc quá
chú trọng việc tăng giá của cổ phiếu.
Thứ ba, phân tích tác động kinh tế của thao túng
BCTC của các công ty niêm yết: Kết quả khảo sát cho thấy thao túng BCTC có thể
gây thiệt hại trước hết đối với các nhà đầu tư, cụ thể, nhà đầu tư bị thiệt hại
do việc ra quyết định mua, bán cổ phiếu sai lầm. Điều này dẫn đến hậu quả nhà
cho vay không thu hồi được nợ do quyết định cho vay sai lầm. Bên cạnh đó, thao
túng BCTC còn gây tác động tiêu cực với chính bản thân doanh nghiệp, biểu hiện
ở giá cổ phiếu sụt giảm, làm giảm mức vốn hóa thị trường; đồng thời, bị sụt
giảm doanh số do khách hàng mất lòng tin và chuyển sang nhà cung cấp khác. Các
doanh nghiệp còn có thể mất cơ hội kinh doanh, bị giảm khả năng sinh lời do bị
nhà cho vay từ chối cho vay.
Thứ tư, làm rõ các hành vi kế toán sáng tạo thông
qua các nghiệp vụ ngoại bảng tại Hoa Kỳ cũng như phân tích được nguyên nhân sụp
đổ, động cơ thực hiện kế toán sáng tạo của các vụ bê bối tài chính lớn trên thế
giới nhằm đúc rút kinh nghiệm cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng
khoán Việt Nam. Đó là bài học về quản trị nội bộ, cách thức ứng phó khủng hoảng
của ban điều hành cấp cao và tăng cường giám sát chất lượng thông tin BCTC nhằm
ổn định môi trường kinh doanh và minh bạch hóa thông tin của các công ty niêm
yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, qua nghiên cứu bốn trường
hợp thao túng BCTC điển hình tại các thị trường mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ và
Thái Lan), nghiên cứu đã tổng hợp được các hành vi gian lận phổ biến, làm rõ
cách thức thực hiện hành vi gian lận, phân tích mức độ tinh vi trong việc thực
hiện các hành vi gian lận giữa các quốc gia, đồng thời xác định được mức độ
thiệt hại khi các công ty cố tình thực hiện hành vi thao túng BCTC.
Thứ năm, nghiên cứu các gian lận BCTC điển hình của
các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn
2010-2015, từ đó cho thấy có nhiều lý do khiến
các bản BCTC không minh bạch và một trong số đó là cổ phiếu bị đánh giá quá
cao. Giá cổ phiếu cao đồng nghĩa với kỳ vọng cao của nhà đầu tư về khả năng sinh
lợi của công ty, từ đó gây sức ép lên ban lãnh đạo công ty buộc phải tạo ra mức
lợi nhuận tương ứng nếu không muốn nhận phản ứng tiêu cực từ thị trường. Mặt
khác, ban lãnh đạo công ty cũng nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu, nên bản
thân họ không muốn giá cổ phiếu bị sụt giảm. Những lý do này khiến các nhà quản
lý khó có lựa chọn nào khác hơn là tìm những thủ thuật để làm đẹp BCTC, và đây
được coi là biện pháp đối phó hữu hiệu nhằm tạo ra ảo tưởng công ty đang làm ăn
phát đạt.
Thứ sáu, phân tích thực trạng cơ sở pháp lý trong
giám sát thông tin công bố của các công ty niêm yết. Hiện nay khung pháp lý
trong lĩnh vực chứng khoán đã từng bước được bổ sung và hoàn thiện, đồng bộ từ
luật đến các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, các quy định xử phạt,
có sự kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành. Đồng thời, các thông tư và quyết
định được sửa đổi, bổ sung và thay thế, đảm bảo tính cập nhật theo các diễn
biến trên thị trường và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, khắc phục các
điểm chưa chặt chẽ và chưa hợp lý còn tồn tại. Tuy nhiên, phạm vi, đối tượng
thanh tra, kiểm tra ngày càng rộng, khối lượng công việc ngày càng lớn, các vi
phạm trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện và xử lý, trong
khi thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các cơ quan, đơn vị
liên quan còn hạn chế, quy trình thực hiện và phối hợp giám sát giữa các bên
chưa hoàn thiện.
Từ đó, nhóm tác
giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý đối với thao túng
BCTC của các CTNY trên TTCK Việt Nam như sau:
Trước hết, đối
với các công ty niêm yết, cần sớm áp dụng chuẩn mực lập và trình bày BCTC quốc
tế (IFRS) để tăng cường trách nhiệm giải trình và nâng cao tính minh bạch của
BCTC. Đồng thời, cần quy định vai trò của bộ phận kiểm toán nội bộ đối với việc kiểm tra,
soát xét BCTC trước khi công bố; yêu cầu thiết lập Ủy ban kiểm toán trong các đơn vị
có lợi ích công chúng. Bên cạnh đó, các thông tin tài chính trong bản cáo bạch
của tổ chức phát hành và BCTC quý của các tổ chức niêm yết cần phải được kiểm
tra, soát xét. Hệ thống kiểm soát nội bộ của các đơn vị có lợi ích công chúng
cần phải được kiểm tra, soát xét bởi doanh nghiệp kiểm toán.
Đối với cơ quan
quản lý Nhà nước, Bộ Tài chính, UBCK Nhà nước và Hội kiểm toán viên hành nghề
Việt Nam (VACPA) cần phối hợp xây dựng bộ chỉ số chất lượng kiểm toán để đảm
bảo tính lành mạnh trong cạnh tranh giá phí kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm
toán và các thông tin được công bố trên thị trường chứng khoán. Bộ chỉ số giúp
đơn vị được kiểm toán và các cổ đông lựa chọn được doanh nghiệp kiểm toán có
các chỉ số tốt, thể hiện khả năng cung cấp dịch vụ kiểm toán chất lượng cao. Bộ
chỉ số sẽ cung cấp cơ sở thống nhất cho việc so sánh chất lượng giữa các cuộc
kiểm toán và giữa các doanh nghiệp kiểm toán.
Ngoài ra, UBCKNN
cần tổ chức thường xuyên hoặc định kỳ việc cảnh báo các vấn đề dễ có khả năng
gian lận hoặc cần tập trung kiểm tra trong từng giai đoạn/thời kỳ với doanh
nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích thuộc lĩnh vực
chứng khoán. Thêm vào đó, cần quy định các hình thức xử phạt hành vi thao túng
BCTC nghiêm khắc hơn bởi hiện nay, các biện pháp xử phạt hành vi thao túng BCTC
chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng, ví dụ, các mức phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong Nghị định 105/2013/NĐ-CP đưa ra mức
phạt tiền còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
THÔNG TIN VỀ CUỐN SÁCH:
Chủ
biên: TS. Nguyễn Thị Hương Liên, Trường Đại học Kinh tế,
ĐHQG Hà Nội
Tập
thể tác giả: TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, TS. Đỗ Kiều Oanh,
TS. Nguyễn Thị Thanh Hải, ThS. Nguyễn Thị Hải Hà, ThS. Đỗ Quỳnh Chi
(Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội); TS. Nguyễn Thị Phương Dung (Trường Đại
học Bách khoa Hà Nội); TS. Nguyễn Hà Linh (Trường Đại học Kinh tế Quốc
dân), TS. Bùi Thị Tĩnh (Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Đại Việt).
Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội
Khổ
sách: 16 x 24 cm
Thời
gian xuất bản: 08/2020
Số
trang: 256 trang
Chủ biên cuốn sách:
| TS. Nguyễn Thị
Hương Liên hiện
là Phó Trưởng Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội. Bà nhận
bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ Kinh tế tại Nhật Bản và là Hội viên Hội Kế toán Công
chứng Anh quốc (ACCA). Hướng nghiên cứu chính của bà là các phương pháp quản
trị chi phí hiện đại, thao túng báo cáo tài chính và chất lượng dịch vụ kiểm
toán độc lập. Bà đã có trên 10 năm kinh nghiệm làm kiểm toán độc lập và kiểm
toán nội bộ ngân hàng, đồng thời trực tiếp tham gia giảng dạy các khóa đào tạo
ngắn hạn cho các tập đoàn, doanh nghiệp về hệ thống kế toán, kiểm soát nội bộ
và kiểm toán nội bộ. |