Trong bối cảnh các trường đại học tại các nước phát triển có xu hướng trở thành các đại học định hướng doanh nghiệp (đại học doanh nghiệp) ngày càng mạnh mẽ, việc phát triển doanh nghiệp gắn với sự chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đại học doanh nghiệp sẽ giúp hoàn thiện mô hình tổ chức, điều hành. Do đó, với cách tiếp cận mang tính hệ thống từ khung lý thuyết về doanh nhân, doanh nghiệp, nền tảng phát triển doanh nghiệp đến yêu cầu của quản trị đại học và cập nhật các kinh nghiệm thực tiễn cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh các quốc gia khác nhau, ấn phẩm này là tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà quản lý, giảng dạy và nghiên cứu về kinh tế cũng như các nhà quản trị, điều hành đại học trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Tác giả: Đinh Văn Toàn (Chủ biên)
Loại bìa: Bìa mềm
Khổ sách: 16 x 24 cm
Số trang: 352
Giá bìa: 150.000
Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà
Nội
ISBN: 978-604-9870-58-3
Nhiều quốc gia trên thế giới
đã cho phép các trường đại học tự quyết định cơ cấu tổ chức và mô hình đại học
doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trực thuộc trường đại học kết nối, đầu tư để triển
khai dịch vụ, ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, nhượng
quyền sáng chế các phát minh về khoa học công nghệ.
Lý thuyết cũng như các nghiên
cứu thực nghiệm cho thấy phát triển doanh nghiệp trong đại học gắn liền với sự
phát triển tinh thần doanh nghiệp và đổi mới quản trị trường đại học theo hướng
tự chủ, quản trị hiệu quả theo kết quả đầu ra và gắn với thỏa mãn các bên liên
quan. Các hình thức chủ yếu của doanh nghiệp phát triển từ trường đại học là
các công ty hình thành từ các sản phẩm, ý tưởng hay công nghệ liên quan tới các
nghiên cứu từ trường đại học (hay còn gọi là Spin-offs). Do vậy, các nhà sáng lập
Spin-offs thường liên quan trực tiếp đến các nghiên cứu từ trường đại học hoặc
cựu giảng viên, nghiên cứu viên đại học. Trong thời đại của giáo dục đại học
4.0 ngày nay, các trường đại học trở thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, càng
khẳng định vai trò là môi trường lý tưởng cho khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng
tạo (Startup). Vì vậy, phát triển doanh nghiệp nói chung và khởi nghiệp kinh
doanh từ trường đại học ngày càng có ý nghĩa thực tiễn và đáng được quan tâm.
Cuốn sách Phát triển doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục
đại học: Từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tiễn Việt Nam được biên soạn nhằm
đáp ứng nhu cầu tham khảo, học tập, nghiên cứu của những người quan tâm tới
giáo dục đại học và phát triển tổ chức trong các tổ chức đặc biệt - cơ sở giáo
dục đại học. Cách tiếp cận của cuốn sách mang tính hệ thống từ khung lý thuyết
về doanh nhân, doanh nghiệp, nền tảng phát triển doanh nghiệp đến yêu cầu của
quản trị đại học và cập nhật các kinh nghiệm thực tiễn cơ sở giáo dục đại học
trong bối cảnh các quốc gia khác nhau. Đây cũng là một tài liệu tham khảo cho
các nhà quản lý, giảng dạy và nghiên cứu về kinh tế cũng như các nhà quản trị,
điều hành đại học trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Với 6 nội dung chính, cuốn
sách tập trung vào: Lý thuyết tổng quan về doanh nhân, phát triển kinh doanh và
doanh nghiệp, tinh thần doanh nghiệp; Quản trị đại học tiên tiến và xu hướng đổi
mới đối với tổ chức, quản lý các đại học hiện nay; Các yếu tố nền tảng phát triển
doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học; Mô hình đại học doanh nghiệp và phát
triển doanh nghiệp trong đại học trên thế giới và những bài học cho các đại học
ở Việt Nam; Kết quả nghiên cứu và khảo sát thực tiễn của nhóm tác giả về hình
thành và hoạt động của doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam;
Các gợi ý về phương hướng và giải pháp chính sách hoàn thiện mô hình đại học
doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp trong đại học góp phần hoàn thiện quản
trị đại học ở Việt Nam.
Thực tế ở Việt Nam, chủ
trương thành lập công ty trong các trường đại học, viện nghiên cứu để tạo thuận
lợi cho việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ đã
được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xướng từ những năm 90 của thế kỷ XX. Điều lệ
Trường Đại học ban hành theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của
Thủ tướng Chính phủ quy định rõ về các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong cơ cấu tổ
chức nhà trường (Điều 19) “được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp hoặc trung
tâm dịch vụ để triển khai các dịch vụ về cung cấp thông tin, tư vấn; phổ biến
và ứng dụng tri thức khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất; dịch vụ sinh
viên; dịch vụ phục vụ cộng đồng và đáp ứng các nhu cầu của xã hội”.
Tư tưởng về phát triển doanh
nghiệp trong các đại học cũng đã được thể hiện trong Nghị quyết số
19-2017/NQ-CP của Chính phủ: “có cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để
thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các trường đại học nhằm thực hiện hoạt động
ứng dụng triển khai thương mại hoá các kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ sự
nghiệp công”. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được
đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội và ban hành từ năm 2018 quy định trong
cơ cấu tổ chức của các cơ sở giáo dục đại học có các viện nghiên cứu, trung
tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác theo nhu cầu
phát triển của đại học.
Trong thực tiễn, nhiều đại học
và trường đại học lớn ở Việt Nam đã áp dụng khá thành công theo cách hình thành
các viện nghiên cứu, trung tâm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (công ty) sản xuất
kinh doanh trực thuộc trường đại học còn là con số rất khiêm tốn. Việc thành lập
công ty từ các nhà khoa học và bắt nguồn từ các phát minh, sáng chế hay ý tưởng
kinh doanh từ các cơ sở giáo dục đại học (Spin-offs và Startups) chưa đáng kể.
Đi tiên phong thực hiện chủ
trương này và thúc đẩy hình thành các startup kể từ cuối những năm 1980, Trường
Đại học Bách khoa Hà Nội đã nỗ lực để thành lập Công ty Bách khoa
(BK-Holdings). Để được thành lập, đứng vững được và có sự trưởng thành về mọi
khía cạnh: từ quan niệm, mô hình quản trị, tổ chức và thực hiện đầu tư, kinh
doanh và đứng vững được trong thị trường cạnh tranh với nhiều thành tựu như
ngày nay, nhà trường và các nhà khoa học với tinh thần doanh nhân đã trải qua
nhiều biến cố với nhiều sự hy sinh, kể cả phải “trả giá đắt”. Mô hình “tổ hợp
doanh nghiệp” trong đại học như BKHolding đang hiện hữu có thể coi là biểu tượng
của sự đấu tranh bền bỉ của các nhà khoa học và là biểu tượng của tinh thần
doanh nhân trong cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam trong những thập niên cuối
cùng của thế kỷ XX.
Tuy nhiên, hình thành và phát
triển doanh nghiệp cũng như đổi mới trong các hoạt động có tính “tự chủ” trong đại
học vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, rào cản. Bên cạnh mặt tích cực khi thực hiện
cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các tổ chức khoa học - công nghệ trong đại
học và chính các đại học còn gặp nhiều vướng mắc do sự thiếu đồng bộ, mâu thuẫn
của các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành như: Luật Đất đai,
Luật Viên chức, Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định đối với cán bộ,
công chức.
Mặc dù nền kinh tế - xã hội
đã phát triển, nhiều thông lệ tốt trong quản trị đã tiếp cận với thế giới, các
tổ chức khoa học và đại học đã dần tiếp cận và hội nhập với khu vực, nhưng hình
thành, phát triển và hoàn thiện mô hình phát triển doanh nghiệp hiệu quả trong
các đại học còn nhiều vướng mắc và chưa có kết quả cao như tiềm năng và sức mạnh
vốn có của các đại học trong nền kinh tế tri thức và thời kỳ của cuộc cách mạng
4.0. Do đó, để định hướng đổi mới sáng tạo đáp ứng được nhu cầu phát triển của
chính các đại học trong thời đại mới, nhóm tác giả đề xuất một số vấn đề và giải
pháp then chốt sau:
- Thứ nhất,
hoàn thiện
chính sách và hệ thống quản lý.
- Thứ hai, đẩy mạnh
việc thành lập doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trong đại học.
- Thứ ba, tháo gỡ
rào cản trong hoạt động đối với các doanh nghiệp thuộc các đại học công lập.
- Thứ tư, các đại
học cần tiếp tục tăng cường gắn kết với doanh nghiệp và cộng đồng.
Việc phát huy tiềm năng của
các bên để vượt qua thách thức trên trong môi trường kinh doanh cần có các giải
pháp đồng bộ từ Chính phủ và của chính các đại học. Các khuyến nghị, gợi ý được
đề xuất ở trên sẽ góp phần khắc phục các tồn tại, bất cập trong các chính sách
và khó khăn trong thực hiện tại các trường đại học ở các góc độ. Tuy nhiên, các
khuyến nghị đối với trường đại học nhằm tự hoàn thiện cơ cấu tổ chức và đổi mới
cơ chế điều hành mang tính cởi mở hơn cho các hoạt động nghiên cứu phát triển,
thúc đẩy sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp cũng cần được coi trọng.