Là một trong những trường đầu tiên áp dụng mô hình CDIO vào việc giảng dạy, Trường ĐHKT đang cho thấy hiệu quả của mô hình này.
Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về CDIO, chúng tôi đã có cuộc trao đổi sâu với Tiến sĩ Vũ Anh Dũng,Chủ nhiệm Kinh tế Quốc tế về CDIO để bạn đọc cùng hiểu rõ hơn.
PV: Tiến sĩ có thể đưa ra định nghĩa đầy đủ và dễ hiểu nhất về mô hình CDIO?
TS. Vũ Anh Dũng: CDIO được viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive - Design - Implement - Operate (nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành). Đây là năng lực cốt lõi mà các kỹ sư khi tốt nghiệp cần đạt được (vì xuất phát điểm của đề xướng này từ ngành kỹ sư). Tuy nhiên, về bản chất cần phải khẳng định rằng CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic và về phương pháp tổng thể mang tính chung hóa có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau ngoài ngành kỹ sư (với những sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết). Sinh viên trong chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO được phát triển và cần đạt được 4 năng lực chính (hay còn gọi là chuẩn đầu ra) khi tốt nghiệp. Chúng bao gồm: Khối kiến thức (lý thuyết) và lập luận ngành; Các kỹ năng và phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp; Các kỹ năng và phẩm chất xã hội; Năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn (năng lực C-D-I-O) đặt trong bối cảnh xã hội và doanh nghiệp.
4 năng lực chính này được xây dựng đến cấp độ rất chi tiết nên rất cụ thể và riêng biệt cho từng ngành hay từng chương trình đào tạo. Một chương trình đào tạo hướng tới việc đạt được 4 năng lực chính này sẽ giúp sinh viên có được các kỹ năng cứng và mềm cần thiết khi ra trường và đáp ứng được yêu cầu của xã hội cũng như bắt nhịp được với những thay đổi của môi trường, thậm chí là có thể dẫn dắt sự thay đổi đó.
Ngoài việc cung cấp một bản mẫu về chuẩn đầu ra, đề xướng CDIO cũng cung cấp những hướng dẫn rất cụ thể về đào tạo và phương pháp quản lý giáo dục như tinh thần doanh nhân, lãnh đạo trong giáo dục đại học, phát triển giảng viên chuyên nghiệp, kết gắn doanh nghiệp với giáo dục đại học, quốc tế hóa giáo dục đại học, học tập dựa trên dự án, cải cách khung chương trình bền vững, đào tạo sinh viên các kỹ năng giao tiếp không chính thức, học tập kinh nghiệm và học tập chủ động, thiết kế chương trình, khung chương trình, môi trường học tập, kiểm tra, đánh giá… nên rất hữu ích trong việc áp dụng và triển khai.
PV: Là người được học và tiếp xúc với nền giáo dục quốc tế, Tiến sĩ thấy việc áp dụng mô hình này có hiệu quả thế nào đối với giáo dục?
TS. Vũ Anh Dũng: Thực tế ở các đại học thuộc các quốc gia phát triển và đang phát triển đã chứng minh việc áp dụng phương pháp hay cách tiếp cận CDIO sẽ đem lại các lợi ích sau:
- Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực.
- Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO sẽ giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi và thậm chí là đi đầu trong việc thay đổi đó;
- Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO sẽ giúp các chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn. Các công đoạn của quá trình đào tạo sẽ có tính liên thông và gắn kết chặt chẽ;
- Cách tiếp cận CDIO là cách tiếp cận phát triển, gắn phát triển chương trình với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học lên một tầm cao mới.
PV: Có thể nói rất ít trường đại học của Việt Nam (thậm chí Đại học Quốc gia Hà Nội là đại học tiên phong) mới bắt đầu áp dụng cách tiếp cận CDIO để xây dựng và phát triển chương trình đào tạo trong thời gian gần đây. Tiến sĩ có thể nói gì về sự cần thiết áp dụng CDIO ở Việt Nam?
TS. Vũ Anh Dũng: Trước tiên, xét trên tầm vĩ mô thì việc áp dụng cách tiếp cận CDIO sẽ góp một phần vào việc giải bài toán “chất lượng giáo dục đại học” hiện nay. Tiếp nữa, áp dụng cách tiếp cận CDIO sẽ đem lại các hiệu quả cụ thể như tôi đã đề cập ở trên. Ngoài ra, do các chương trình đào tạo được thiết kế và thực hiện theo một quy trình chuẩn nên sẽ góp phần giảm chi phí và nguồn lực liên quan đến công tác đào tạo (mặc dù cần có sự đầu tư và tái phân công lại các nguồn lực trong tổ chức).
Về phía sinh viên, họ sẽ được đào tạo theo một quy trình bài bản và được phát triển toàn diện về tri thức, kỹ năng và thái độ. Đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Cuối cùng, giảng viên trong các chương trình đào tạo được xây dựng và phát triển theo cách tiếp cận CDIO cũng phải tuân theo các phương pháp giảng dạy tiên tiến và đáp ứng các tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy sẽ góp phần tạo ra đựoc một đội ngũ giảng viên chất lượng cao, đáp ứng chuẩn quốc tế, từ đó tăng cường uy tín cho các đơn vị tham gia đào tạo.
PV: Đặc thù giáo dục của Việt Nam rõ ràng là có sự khác biệt đối với thế giới. Vậy theo Tiến sĩ chúng ta cần thay đổi gì trong mô hình CDIO cho phù hợp với Việt Nam?
TS. Vũ Anh Dũng: Khi tiến hành phát triển và thực hiện chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO, chúng tôi có đặt trong bối cảnh xã hội và kinh tế/kinh doanh của Việt Nam. Mặt khác, ở cấp độ cụ thể hơn, mỗi chương trình đào tạo có đặc thù riêng nên mặc dù về cách tiếp cận là chung nhưng cần có sự thích ứng phù hợp trong áp dụng. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng mặc dù nền giáo dục của Việt Nam đúng là có những nền tảng và sự khác biệt nhất định đối với thế giới, nhưng việc ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới cũng đòi hỏi chúng ta cũng cần bắt nhịp và có những điểm chung.
PV: Là người trực tiếp tham gia vào việc áp dụng cách tiếp cận CDIO để phát triển chương trình đào tạo tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN, theo Tiến sĩ đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn mà nhà trường gặp phải?
TS. Vũ Anh Dũng: Thuận lợi lớn nhất và quan trọng nhất theo tôi chính là sự tiên phong và tầm nhìn của Ban Giám đốc ĐHQGHN và Ban Giám hiệu Trường ĐHKT. Chính sự quyết tâm cao và ủng hộ mạnh mẽ này giúp cho việc nghiên cứu, triển khai và áp dụng cách tiếp cận CDIO tại Khoa Kinh tế Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trở thành hiện thực và giúp vượt qua những thách thức mà tôi đề cập dưới đây.
Thứ nhất do khái niệm và quy trình CDIO cũng như cách thức áp dụng cách tiếp cận CDIO là mới với các trường đại học ở Việt Nam, đặc biệt khi Trường ĐHKT - ĐHQGHN là trường tiên phong áp dụng CDIO trong toàn ĐHQGHN và cũng là một trong các trường tiên phong áp dụng cách tiếp cận CDIO cho một ngành ngoài ngành kỹ sư là ngành Kinh tế đối ngoại (có thể nói trên thế giới) nên cần có thời gian và minh chứng cụ thể về sự thành công để thống nhất trong nhận thức về đề xướng CDIO và từ đó tạo ra sự đồng thuận và sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các giảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên viên và cả sinh viên trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ hai, việc áp dụng cách tiếp cận CDIO đòi hỏi có những điều kiện cơ bản về mặt cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của trường học, đội ngũ giảng viên, nhân viên đáp ứng được những tiêu chuẩn của CDIO và phải có một hệ thống quy trình xử lý chuẩn và thống nhất để đảm bảo sự thành công của chương trình. Do vậy, sự đầu tư ban đầu và tái phân bổ về nguồn lực là cần thiết. Điều này cũng là thách thức lớn nhưng có thể vượt qua.
Thách thức thứ ba là cần phải đổi mới khung chương trình đào tạo (trong đó có thể gồm cả việc thay đổi cả những môn bắt buộc được quy định hiện nay) khi áp dụng cách tiếp cận CDIO. Điều này đòi hỏi cơ chế linh hoạt về tầm vĩ mô theo yêu cầu tại các Đại học trên cả nước.
Thứ tư, đào tạo theo cách tiếp cận CDIO đòi hỏi có sự đầu tư lớn về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thời gian, kinh phí và nguồn nhân lực. Để giải quyết điều này đòi hỏi cơ chế tự thu học phí theo đúng với chất lượng của chương trình đào tạo được xây dựng theo phương pháp tiếp cận CDIO giống với cơ chế thu học phí đối với các chương trình tiên tiến và các chương trình chất lượng cao tương đương quốc tế.
Thứ năm, xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO liên quan đến rất nhiều yếu tố như: giảng dạy, học tập, công tác đào tạo, quản lý sinh viên, cơ sở vật chất, môi trường học tập... Mỗi yếu tố này lại liên quan đến nhiều phòng ban và cá nhân, từ sinh viên, giảng viên, chuyên viên đến các cán bộ quản lý. Điều này là khó khăn nên rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các cá nhân, các phòng ban và bộ phận trong tổ chức.
PV: CDIO được hiểu là những tố chất cần có trong đào tạo sinh viên có năng lực đáp ứng yêu cầu xã hội. Điều này rõ ràng đòi hỏi sự thay đổi lớn từ phía giảng viên Việt Nam nói chung và giảng viên trường ĐHKT nói riêng?
TS. Vũ Anh Dũng: Mỗi một môn học trong một chương trình đào tạo sẽ đóng góp một phần nhất định trong việc đạt được một phần chuẩn đầu ra của chương trình được xây dựng theo cách tiếp cận CDIO. Điều này đòi hỏi từng giảng viên phải tuân theo các chuẩn mực nhất định của chương trình và có những cam kết về việc truyền tải chuẩn đầu ra trong môn học do mình phụ trách. Các chuẩn đầu ra này được công bố và vào cuối môn học được đánh giá bởi sinh viên và các bên liên quan. Đây không phải là một công việc dễ làm. Điều này cũng đòi hỏi giảng viên tuân theo các phương pháp giảng dạy tiên tiến và đáp ứng các tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học. Ngoài việc giảng viên cần thay đổi cách giảng dạy truyền thống, Nhà trường cũng cần tổ chức các khóa đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo, giảng viên cũng như những cán bộ phục vụ trong công tác đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO một cách bài bản. Họ cũng cần học tập nghiên cứu và được đào tạo về CDIO một cách nghiêm túc để có thể truyền tải một cách tốt nhất các chuẩn đầu ra mà khung chương trình đã đề ra.
PV: CDIO do một nhóm trường kỹ thuật đề xướng ra. Vậy có gì mâu thuẫn ở đây không khi đem CDIO áp dụng cho các trường khác, cụ thể như trường về kinh tế?
TS. Vũ Anh Dũng: Hoàn toàn không có gì mâu thuẫn. Như tôi đã đề cập ở trên, chúng ta sử dụng cách tiếp cận CDIO chứ không áp dụng nguyên mô hình CDIO để xây dựng, phát triển và tổ chức chương trình đào tạo. Tiếp cận trước tiên được hiểu là về phương pháp tổng thể, tức là xuất phát từ năng lực cốt lõi của ngành để từ đó xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo.
Thứ 2, CDIO là một mô hình mở cung cấp các hướng dẫn cụ thể về qui trình và các hướng dẫn cụ thể xây dựng, tổ chức và đánh giá chương trình đào tạo và qui trình này mang tính chung hóa cao có thể áp dụng cho nhiều ngành khác nhau nên hoàn toàn có thể thích ứng cho chương trình đào tạo ngành kinh tế/kinh doanh. Thực tế đang chứng minh rằng chúng tôi đã và đang sử dụng cách tiếp cận này và có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển, tổ chức và đánh giá chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế đối ngoại (hay còn gọi là Kinh tế và Kinh doanh quốc tế) hệ chất lượng cao.
TS. Vũ Anh Dũng (đứng thứ hai từ phải sang) tại Hội thảo quốc tế CDIO lần thứ 6 tại ĐH Montreal, Canada
PV: Hiện áp dụng CDIO vào các trường đại học vẫn đang còn ở giai đoạn ban đầu. Theo Tiến sĩ, phải mất bao lâu mới có thể đánh giá được hiệu quả của chương trình này?
TS. Vũ Anh Dũng: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng cần 4 năm để thực hiện một chương trình đào tạo (kể từ khi sinh viên nhập học đến khi tốt nghiệp), sau đó cần thêm 2 năm để có thể đánh giá kết quả của những sinh viên đó khi họ đã ra trường và làm việc trong một tổ chức. Do vậy, về cơ bản cần từ 5 - 7 năm để đánh giá hiệu quả của chương trình. Điều này là thông thường trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đại học.
Tuy nhiên, có những hiệu quả chúng ta có thể nhìn thấy ngay là việc áp dụng cách tiếp cận CDIO đòi hỏi tuân theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu điều tra khảo sát để xác định yêu cầu của xã hội về các sản phẩm đào tạo tới khâu xây dựng, thiết kế, tổ chức và đánh giá chương trình. Do vậy, chúng ta có thể thấy ngay việc các nhà quản lý giáo dục, các giảng viên và sinh viên khi tuân theo các qui định đó thì phần nào đã thực hiện việc đảm bảo chất lượng giáo dục và điều này phục vụ chính cho việc kiểm định chất lượng chương trình.
PV: Cảm ơn Tiến sĩ đã cung cấp những thông tin rất bổ ích này.