Sản xuất hiệu suất cao - kinh nghiệm quốc tế, thực trạng và hàm ý cho Việt Nam

Công nghiệp sản xuất chế tạo (manufacturing) được xem như trụ cột giúp các quốc gia và nền kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, việc phát triển các doanh nghiệp sản xuất chế tạo ở Việt Nam trong thời gian qua còn một số các hạn chế. Bên cạnh sự hạn chế về đầu tư nâng cao phát triển trình độ công nghệ trong sản xuất, rất nhiều doanh nghiệp còn thiếu các kỹ năng tổ chức, quản trị trong toàn bộ các hoạt động cơ bản của chu trình sản xuất, kinh doanh: từ tiền sản xuất (thiết kế sản phẩm, mua công nghệ và đầu vào, quản trị nguyên vật liệu và dự trữ), đến bản thân quá trình sản xuất (sử dụng lao động, nâng cao kỹ năng lao động, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm) và sau sản xuất (bao gói, hậu cần, vận chuyển, giao hàng, dịch vụ sau bán hàng).



Do đó, khả năng vận hành, thích nghi hóa và làm chủ thiết bị công nghệ mới của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam còn nhiều hạn chế; hiệu suất sử dụng thực tế chỉ đạt tối đa 70-80% công suất. Tình trạng này làm hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Vì vậy, để gia tăng tính cạnh tranh trong môi trường công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, các doanh nghiệp sản xuất chế tạo Việt Nam cần tìm tòi và áp dụng các mô hình quản trị sản xuất hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm dịch vụ , tối ưu hóa mọi nguồn lực của doanh nghiệp. Trong đó, việc áp dụng mô hình sản xuất hiệu suất cao (High Performance Manufacturing - HPM) đang được coi là tối ưu vì áp dụng phổ biến trên thế giới.

Mô hình HPM - mô hình sản xuất tiên tiến dựa trên việc tích hợp các hệ thống quản trị được Schroeder và Flynn (2001) đề xuất đã nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất theo hướng bền vững nhờ áp dụng đồng thời các hệ thống quy trình và thực hành cấp cơ sở một cách toàn diện trên các lĩnh vực: xây dựng và triển khai chiến lược sản xuất, kinh doanh; thiết kế sản phẩm, quản trị chuỗi cung ứng, sản xuất tinh gọn, chất lượng, bảo dưỡng tổng hợp, phát triển nhân lực, trách nhiệm xã hội và quản trị môi trường. Không chỉ đưa ra các định hướng nguyên tắc, mô hình HPM còn đưa ra các bộ chỉ số đo lường năng lực quản trị và kết quả hoạt động, giúp các nhà quản trị định hướng vận hành hệ thống thông qua việc truyền tải các mục tiêu chiến lược trở thành các hoạt động thường nhật (daily practices), đồng thời đánh giá được tác động của hoạt động quản trị tới kết quả hoạt động, trên cơ sở đó tự vạch ra lộ trình của riêng mình để đi tới mô hình HPM trên phạm vi toàn cầu.

Mô hình HPM đã được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi trên thế giới, được các nhà nghiên cứu sử dụng để so sánh trình độ quản trị và hiệu suất hoạt động giữa các nhà sản xuất: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Các nhà quản trị sản xuất sử dụng bộ chỉ số hoạt động và kết quả hoạt động của HPM để làm hệ thống thước đo nội bộ, tự đánh giá và đưa ra các kế hoạch cải tiến và đổi mới liên tục.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của dự án HPM, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN biên soạn cuốn sách chuyên khảo Sản xuất hiệu suất cao - Kinh nghiệm quốc tế , thực trạng và hàm ý cho Việt Nam.

Cuốn sách tập trung vào 2 nội dung chính:

- Mô tả khái niệm và khung phân tích hệ thống quản trị doanh nghiệp sản xuất theo cách tiếp cận HPM;

- Phân tích dữ liệu kết quả điều tra các hoạt động thực hành quản trị tại các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trên cơ sở so sánh với quốc tế.

Cuốn sách được xây dựng hướng tới độc giả là các nhà quản trị, nhà nghiên cứu, đặc biệt là sinh viên và học viên ngành quản trị kinh doanh. Cuốn sách có thể được sử dụng làm học liệu cho các môn học Quản trị sản xuất và tác nghiệp, Quản trị học, Quản trị chiến lược… trong các chương trình cử nhân và thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Kể từ năm 2020 đến nay, cuốn sách Sản xuất hiệu suất cao - Kinh nghiệm quốc tế, thực trạng và hàm ý cho Việt Nam đã được sử dụng là học liệu tham khảo của các học phần Quản trị sản xuất và tác nghiệp thuộc Chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ Đại học ngành Quản trị Kinh doanh và là Học liệu tham khảo của học phần Quản trị Sản xuất và Tác nghiệp nâng cao thuộc Chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Sách chuyên khảo: Sản xuất hiệu suất cao - kinh nghiệm quốc tế, thực trạng và hàm ý cho Việt Nam

Tác giả: PGS.TS. Phan Chí Anh và TS. Nguyễn Thu Hà (Đồng chủ biên)

Năm xuất bản: 2018

Nhà xuất bản: Lao động Xã hội

Số trang: 254 trang       

Khổ sách: 16 x 24 cm

Giá tiền: 119.000 đồng

ISBN: 9786046536697

>> Chi tiết vui lòng liên hệ: Ms. Thu Hà, ĐT: 0982898582, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Địa chỉ: Phòng 303 Nhà E5, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác giả cuốn sách:

 

 TS. Phan Chí AnhTS. Phan Chí Anh là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh (CBAS), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Lĩnh vực chuyên môn chính của TS. Phan Chí Anh là quản trị tác nghiệp, bao gồm quản trị chất lượng (ISO 9000, TQM, 6 Sigma, Kaizen, 5S), quản trị sản xuất (Lean Production, TPS, TPM), quản trị công nghệ. TS. Phan Chí Anh đã có nhiều năm kinh nghiệm về hoạt động quản trị sản xuất và thiết kế sản phẩm tại các tập đoàn công nghiệp quốc tế như Alcatel Network System Vietnam và Otis Elevator. Từ năm 1999 đến 2010, TS. Phan Chí Anh là chuyên gia tư vấn và đào tạo về năng suất chất lượng tại Trung tâm Năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ. TS. Phan Chí Anh đã tham gia hàng trăm dự án tư vấn và đào tạo cho các tổ chức doanh nghiệp về các lĩnh vực quản trị chất lượng như áp dụng ISO 9000, 5S, SPC, cải tiến năng suất, tái cấu trúc tổ chức.

 

TS. Phan Chí Anh đã công bố hơn 20 công trình khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có một số tạp chí thuộc danh mục SCI như International Journal of Production Economics và Operations Management Research. Đồng thời, TS. Phan Chí Anh là thành viên của các tổ chức khoa học quốc tế Hoa Kỳ và Nhật Bản như Production and Operations Management Society (POMS), Decision Sciences Institute (DSI) và Japan Operations Management and Strategy (JOMSA).

 

  TS. Nguyễn Thu Hà hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. TS. Nguyễn Thu Hà có 13 năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn về marketing, thực hành phát triển sản phẩm mới, quản trị chất lượng chuỗi cung ứng tại doanh nghiệp; đã có hơn 40 công bố nghiên cứu, trong đó có 10 công trình trên các tạp chí có uy tín quốc tế như: Supply Chain Management: An International Journal, International Journal of Productivity and Quality Management, International Journal for Quality Research, Management & Marketing: Challenges for the Knowledge Society…Hướng nghiên cứu chính: Quản trị Marketing, Trải nghiệm khách hàng, Hành vi người tiêu dùng, Quản trị chất lượng dịch vụ.

 



Họ tên Email
Địa chỉ Mã an toàn CRUKTA
Nội dung