Trang tin tức sự kiện
 
Quyền của sinh viên ĐHQGHN

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và sinh viên Trường ĐHKT thuộc ĐHQGHN có những quyền hạn sau



1. Được nhận vào học đúng ngành đã đăng ký dự tuyển khi trúng tuyển.

2. Được phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy chế của ĐHQGHN và đơn vị đào tạo liên quan đến sinh viên.

3. Được cung cấp chương trình, kế hoạch đào tạo của khóa học, năm học, học kỳ và môn học; được đăng ký môn học, lịch học phù hợp với điều kiện cá nhân trên cơ sở thời khóa biểu của đơn vị đào tạo; được đăng ký tạm hoãn một số môn học trong lịch trình theo Quy chế đào tạo Đại học và Sau đại học của ĐHQGHN.

4. Được tham gia NCKH, tham gia các cuộc thi Olympic hoặc năng khiếu, tham gia các diễn đàn, câu lạc bộ chuyên ngành dành cho sinh viên; được tham gia các chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng, chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế và các chương trình khác nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định của từng chương trình.

5. Được hưởng quyền lợi vật chất và tinh thần theo chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước; được nhận học bổng do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ; được nhận học bổng của chương trình/hệ đào tạo nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định.

6. Được đăng ký dự tuyển đi học ở nước ngoài theo quy định hiện hành của của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ĐHQGHN; được tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế, trao đổi sinh viên trong khuôn khổ chương trình hoặc hiệp định hợp tác quốc tế của Chính phủ, ĐHQGHN hoặc đơn vị.

7. Được đăng ký ở ký túc xá theo quy định của ĐHQGHN; được cấp giấy giới thiệu để đăng ký tạm trú ở nơi cư trú.

8. Được sử dụng học liệu, thiết bị và phương tiện phục vụ học tập, NCKH theo quy định; được cấp tài khoản thông tin riêng phục vụ hoạt động học tập.

9. Được thôi học, nghỉ học có thời hạn và bảo lưu kết quả học tập theo Quy chế đào tạo của ĐHQGHN.

10. Được chuyển trường, chuyển ngành học giữa các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN hoặc giữa ĐHQGHN với các cơ sở đào tạo khác nếu đáp ứng đủ các điều kiện trong Quy chế đào tạo ở ĐHQGHN.

11. Được đăng ký học ngành thứ hai, chương trình đào tạo bằng kép, ngành kép, được tự học hoặc học ở cơ sở đào tạo đại học khác để tích lũy một số môn học, được công nhận kết quả những môn học đã tích lũy ở cơ sở đào tạo đại học khác nếu đáp ứng đủ các điều kiện trong Quy chế đào tạo của ĐHQGHN.

12. Được tạo điều kiện tham gia hoạt động trong tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; được tham gia các tổ chức tự quản của sinh viên, các hoạt động xã hội có liên quan theo quy định của pháp luật và của ĐHQGHN; được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh, phù hợp với mục tiêu đào tạo của ĐHQGHN.

13. Được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình đóng góp ý kiến với thủ trưởng đơn vị đào tạo, các tổ chức và cá nhân liên quan về mục tiêu, chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy; hoặc kiến nghị các giải pháp góp phần xây dựng đơn vị đào tạo; được đề đạt nguyện vọng và khiếu nại lên thủ trưởng đơn vị đào tạo và thủ trưởng đơn vị phục vụ đào tạo để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của sinh viên.

14. Được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm hoặc cung cấp thông tin về thị trường lao động để có thể tìm kiếm việc làm phù hợp, phát huy năng lực chuyên môn sau khi tốt nghiệp.

15. Được hưởng các quyền công dân cư trú trên địa bàn, được nhà trường và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ trong việc ngoại trú; được quyền khiếu nại, đề đạt nguyện vọng chính đáng của mình đến các cơ quan hữu quan về những vấn đề liên quan theo các quy định của hiện hành của Nhà nước.

16. Được cử đại diện vào hội đồng thi đua, khen thưởng và kỷ luật sinh viên, các hội đồng khác có liên quan đến sinh viên theo quy định.

17. Được chăm lo, bảo vệ sức khỏe theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

18. Được Giám đốc ĐHQGHN (đối với sinh viên các đơn vị trực thuộc: khoa trực thuộc, viện, trung tâm nghiên cứu) hoặc Hiệu trưởng (đối với sinh viên các trường đại học thành viên) cấp bằng tốt nghiệp khi được công nhận tốt nghiệp.

19. Được xét cho học chuyển tiếp ở các bậc học cao hơn nếu có nguyện vọng và đáp ứng đủ các điều kiện theo Quy chế đào tạo Sau đại học ở ĐHQGHN.

20. Được đơn vị đào tạo trả hồ sơ sinh viên, cung cấp các giấy tờ cần thiết, hỗ trợ các thủ tục tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.


Trích Điều 4, Quy định về công tác sinh viên ở ĐHQGHN ban hành theo QĐ số 2875/QĐ-CTHSSV ngày 18/08/2009