Trang tin tức sự kiện
 
Lịch sử phát triển ĐHQGHN

Lễ khai giảng ngày 15/11/1945 tại giảng đường của ĐHDD
Truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN)- tiền thân là Đại học Đông Dương được thành lập ngày 16 tháng 5 năm 1906


Truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN)- tiền thân là Đại học Đông Dương được thành lập ngày 16 tháng 5 năm 1906. Đại học Đông Dương ra đời chấm dứt thời kỳ của nền giáo dục theo Nho giáo đã thống trị trên một nghìn năm ở Việt Nam, mở ra nền giáo dục đại học mới. Đây là trường đại học kiểu hiện đại đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức theo mô hình trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có cơ sở tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Từ những năm 1906 - 1945, phần lớn sinh viên Việt Nam được đào tạo ở Đại học Đông Dương trên cơ sở tinh thần yêu nước mạnh mẽ đã tranh thủ học tập những kiến thức hiện đại để rồi vận dụng có kết quả vào công cuộc cứu nước. Rất nhiều nhà trí thức lớn, nhà cách mạng nổi tiếng của Việt Nam đã được trưởng thành từ cái nôi đầu tiên của nền giáo dục đại học hiện đại này.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ nhân dân đã thành lập Đại học Quốc gia Việt Nam và khai giảng khóa học đầu tiên vào ngày 15/11/1945 dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Giảng đường lớn ở 19 Lê Thánh Tông. Đại học Quốc gia Việt Nam là sự kế thừa liên tục của trường Đại học Đông Dương, nhưng là sự tiếp nối với tinh thần mới, tính chất mới, nội dung mới. Trên cơ sở một số ban của Đại học Đông Dương, khoá đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam được tổ chức gồm năm ban: Ban Y khoa, ban Khoa học, ban Mỹ thuật, ban Văn khoa và ban Chính trị xã hội. trong đó các ban Y khoa, ban Khoa học, ban Mỹ thuật về cơ bản kế thừa quy tắc, phương thức, cơ sở đào tạo cũ, nhưng được cải tổ lại cho phù hợp với sự phát triển của khoa học thế giới. Ban Chính trị xã hội và Ban Văn khoa được thành lập mới nhằm đào tạo đội ngũ trí thức có khả năng đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ mà một đất nước mới được độc lập đòi hỏi.

Năm 1946, do hoàn cảnh đặc biệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại học Quốc gia Việt Nam được tổ chức thành những bộ phận nhỏ, thành một số trường, lớp trình độ cao đẳng, đại học hoặc dự bị đại học và hoạt động ở vùng chiến khu hay vùng tự do ở Khu Bốn, Thanh Hoá, Việt Bắc... Sau hoà bình lập lại, cùng với việc thành lập một số trường đại học ở miền Bắc, như trường Ngoại ngữ trung ương (năm 1955 - tiền thân của trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN ngày nay), trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1956)..., trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - một trường đại học khoa học cơ bản đa ngành, cũng được thành lập trên cơ sở các khoa đào tạo khoa học cơ bản vốn kế thừa trực tiếp từ Đại học Quốc gia Việt Nam.

Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập lại theo Nghị định số 97/CP ngày 10 tháng 12 năm 1993 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp 3 trường đại học lớn ở Hà Nội: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội I và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, và chính thức bước vào hoạt động theo Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/9/1994. Ngày nay, ĐHQGHN đã phát triển với cơ cấu tổ chức gồm 29 đơn vị thành viên, trong đó đa số các đơn vị, tiêu biểu là 3 trường đại học: Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội &Nhân văn, Đại học Công nghệ, và các khoa trực thuộc là Khoa Kinh tế và Khoa Luật đều được trực tiếp phát triển từ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Với 100 năm xây dựng và phát triển, ĐHQGHN, một mô hình đại học hiện đại, đa ngành, đa lĩnh vực có quy mô lớn, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài khoa học, công nghệ cho đất nước, đã được khẳng định. Ngày 1/2/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2001/NĐ-CP về Đại học Quốc gia. Ngày 12/2/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 16/2001/QĐ-TTg ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia, khẳng định và tăng cường hơn nữa quyền tự chủ của các Đại học Quốc gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ, tổ chức cán bộ, kế hoạch - tài chính và hợp tác quốc tế.

Như vậy, về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất - kỹ thuật và chương trình đào tạo, ĐHQGHN ngày nay là sự kế thừa, nối tiếp truyền thống, uy tín, đồng thời là sự phát triển và nâng cao về mọi mặt của các trường đại học lớn nhất ở Việt Nam từ Đại học Đông Dương, Đại học Quốc gia Việt Nam trước đây đến Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội sau này.

Xem tin gốc >>


VnuNEWS [100 Years-VietNam National University,HaNoi]