Đ/c Đinh Văn Hường - Chủ tịch Công đoàn ĐHQGHN chủ trì tọa đàm
Sáng 25/3/2014, Công đoàn Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã đăng cai tổ chức tọa đàm trên, nhằm góp phần quán triệt sâu sắc Nghị quyết TW8 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn nói chung và mỗi công đoàn viên nói riêng trong vấn đề nâng cao nhận thức và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW8.
Tham dự tọa đàm có đ/c Phạm Văn Thanh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN; PGS.TS Đinh Văn Hường - Chủ tịch Công đoàn ĐHQGHN; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN; cùng các đại diện khác của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đại diện các Ban chức năng ĐHQGHN, các đồng chí trong BCH Công đoàn các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN.
PGS.TS Trần Anh Tài - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT, đại diện đơn vị đăng cai tổ chức, phát biểu chào mừng tại tọa đàm
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và đánh giá cao hoạt động có ý nghĩa này của Công đoàn ĐHQGHN. Phó Giám đốc nhấn mạnh, đổi mới giáo dục ĐH là một trong những sứ mệnh quan trọng của ĐHQGHN. Theo đó, ĐHQGHN đã thực hiện một cách chủ động các hoạt động đổi mới như: chuyển từ hình thức đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, hướng đào tạo gắn với chuẩn đầu ra và nhu cầu của xã hội, đặc biệt là công tác đổi mới tuyển sinh.
Tại tọa đàm, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN đã trình bày Báo cáo công tác đào tạo năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2014. Đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, ĐHQGHN tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị cho việc triển khai có hiệu quả đề án đổi mới tuyển sinh đã được công bố theo lộ trình trong các năm tiếp theo, tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án tăng cường kỷ cương trong công tác đào tạo, tiến hành kiểm định các chương trình đào tạo và nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên. Ông cũng nêu rõ lộ trình tổng thể của đổi mới tuyển sinh ở ĐHQGHN.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đại diện công đoàn các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN đã trình bày các tham luận về vai trò của công đoàn cơ sở trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng xoay quanh vấn đề này.
Đ/c Phạm Văn Thanh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam
Tới dự và phát biểu tại tọa đàm, đ/c Phạm Văn Thanh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Công đoàn ĐHQGHN và nhấn mạnh: Công đoàn ĐHQGHN đã đi tiên phong trong việc tổ chức tọa đàm, tìm hiểu - chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Ông lưu ý, Công đoàn ĐHQGHN cần tiếp tục phối hợp chuyên môn ở từng cấp công đoàn nhằm tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, công đoàn viên với việc thực hiện Nghị quyết TW8. Bên cạnh đó, các công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn ĐHQGHN cần phối hợp để chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, giảng viên; đồng thời làm tốt công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ giảng viên, nhà khoa học có trình độ cao, đóng góp nguồn nhân lực nòng cốt cho ngành giáo dục Việt Nam. Ông cũng đề nghị BCH Công đoàn ĐHQGHN cụ thể hóa thành văn bản để tiếp tục chỉ đạo các công đoàn trực thuộc triển khai các hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW8 của Đảng về Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn mới.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, PGS.TS Đinh Văn Hường đã cảm ơn sự hiện diện và các ý kiến chỉ đạo của đ/c Phạm Văn Thanh. PGS.TS Đinh Văn Hường cam kết, Công đoàn ĐHQGHN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công đoàn viên; vận động công đoàn viên tích cực tham gia thực hiện những hoạt động cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở ĐHQGHN nói riêng, và nền giáo dục nước nhà nói chung.
Tại tọa đàm Vai trò của Công đoàn ĐHQGHN với việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học