Trang tin tức sự kiện
 
Triển lãm 'Bao cấp - Xếp hàng về quá khứ': Một thời khó quên và không được quên

Quy mô khiêm tốn và được thực hiện bởi một nhóm sinh viên, cuộc triển lãm Bao cấp - Xếp hàng về quá khứ vẫn đủ khiến khán giả Hà Nội bồi hồi hoài niệm về một thời... không thể quên.


Như Thethaovanhoa.vn đã thông tin, triển lãm kéo dài trong 6 ngày kể từ 16/5, tại tòa nhà Indochina (241 Xuân Thủy, Hà Nội). Đây là công sức của hơn 30 sinh viên Câu lạc bộ Truyền thông Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội: Tự sưu tầm hiện vật, mượn địa điểm và xin tài trợ cho cuộc trưng bày.

Từ sự tò mò về quá khứ

“Tất cả hết vài chục triệu đồng, còn địa điểm thì được mượn miễn phí một tuần. Bọn em đã phải lên kế hoạch xin tài trợ từ năm ngoái " - Trần Khánh Ly, thành viên Ban tổ chức triển lãm kể. Là sinh viên năm thứ 3, Ly cũng là Phó chủ nhiệm CLB Truyền thông tại trường. Để các sinh viên làm quen với truyền thông, cái đích của CLB là gắng tổ chức mỗi năm một sự kiện ấn tượng.

Như lời Ly, những câu chuyện về thời bao cấp chỉ diễn ra cách hiện tại 30-40 năm. Mốc thời gian ấy đủ để tạo ra sự kết nối lớn tới hiện tại - khi những người ở độ tuổi trung niên luôn hoài niệm về một "thời chưa xa", còn giới trẻ thì đầy háo hức, tò mò về những gì mà cha mẹ mình từng trải nghiệm trong quá khứ. Để rồi, ý tưởng về triển lãm sớm thu hút mọi thành viên của CLB. Họ được dự án "Hà Nội đẹp" của Sở VH,TT&DL Hà Nội đồng ý hỗ trợ.

Gần 100 hiện vật tại triển lãm có thể tạm chia làm hai loại chính: Tranh ảnh sưu tập và phần vật dụng còn "sót" lại từ thập niên 1975-1986. Phần hiện vật này chủ yếu được mượn từ một số gia đình, cũng như từ một số người vốn sẵn có sự say mê với kỷ vật thời bao cấp. Họ là nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, là họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức...

"Càng tìm kiếm, bọn em càng ngạc nhiên. Hóa ra, tại Hà Nội có rất nhiều người say mê, gìn giữ các đồ vật từ thời bao cấp" - Ly nói - "Gặp nhau, được các chú kể chuyện và giải thích, chúng em mới có thể hình dung về cách sử dụng tem phiếu, cách xếp hàng, bán hàng ở mậu dịch thời đó như thế nào".

Hiện vật mượn từ những nhà sưu tập chưa đủ, thành viên ban tổ chức phải bỏ kinh phí, thuê thêm đồ từ những người chuyên cung cấp cho các đoàn làm phim. Rồi mượn một số tập báo cũ từ tòa soạn báo Hà Nội mới. Rồi hì hục đóng hẳn một chiếc quầy bằng gỗ, bởi không thể tìm được những quầy hàng còn lại ở các cửa hàng mậu dịch. Kỳ công đến vậy, các bạn trẻ này vẫn tiếc rẻ vì không thể đưa tới triển lãm một số hiện vật quá quý hiếm hoặc quá kềnh càng.

Đến những dòng người kiên nhẫn “xếp hàng về quá khứ”

Bao cấp - xếp hàng về quá khứ đưa người xem đến với các mẫu tem phiếu cũ, các tranh cổ động với gam màu đỏ rất đậm, hoặc những tờ báo đã ố vàng. Một phần khác là những phích nước, chăn con công, mắc áo con bướm, tủ ly, hoặc chiếc xe đạp Thống Nhất đã "vá chằng vá đụp". Khai mạc từ 8h sáng 16/5, trời mưa, nên lượng người đặt chân tới hệ thống siêu thị trong tòa nhà Indochina Plaza thoạt đầu không nhiều. Nhưng, một đồn mười, chỉ sau 10h, những dòng người liên tục dồn về chật kín căn phòng rộng vài trăm mét vuông.

"Cháu tôi là du học sinh, đọc tin trên mạng nên kéo bà đến đây bằng được. Càng xem, mình càng nhớ thêm ra những câu chuyện cũ của một thời" - bà Lại Thị Thái, nguyên bác sĩ bệnh viện Bạch Mai kể. Hào hứng, bà dừng lại ở "gian mậu dịch" để hỏi chuyện các "mậu dịch viên" tại quầy, rồi góp ý vui rằng như mậu dịch viên thời bao cấp thì phải gắt gỏng, mặt khó đăm đăm - chứ không thể xởi lởi, tươi cười như ở đây.

Thực tế, những gì được trưng bày tại đây không quá đặc biệt với khán giả - nếu nhìn sang hai cuộc triển lãm quy mô lớn về thời bao cấp tại Bảo tàng Dân tộc học (năm 2006) và Zone 9 (năm 2013). Nhưng, nếu triển lãm năm 2006 đến từ sự chuẩn bị công phu của các chuyên gia bảo tàng, triển lãm năm 2013 mang đậm dấu ấn nghệ sĩ của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức thì Bao cấp - xếp hàng về quá khứ vẫn có một hơi hướng riêng của những người trẻ, vốn chỉ biết đến bao cấp qua lời kể. Trẻ, nên họ mới có thể nghĩ ra sáng kiến rất độc đáo: phát tem phiếu cho người xem và yêu cầu xếp hàng để may mắn nhận những chiếc bánh mì từ BTC. Bánh mì cũng được thửa riêng để giống với loại bánh mì nhỏ và hơi ngọt trong quá khứ.

Cùng nhìn lại một thời "không giống ai" theo sự hồn nhiên của giới trẻ, chừng ấy là đủ để triển lãm trở thành gạch nối giữa hiện tại với quãng thời gian từng in đậm trong ký ức của rất nhiều người...

Các gian trưng bày tại triển lãm được chia làm năm phần: Gian thông tin và trưng bày tranh ảnh cổ động; phòng khách; gian mậu dịch; thư viện (có một số tờ báo thời bao cấp) và chiếu bóng. Còn, nếu nhìn sang khán giả, người tinh ý hẳn có thể chia họ thành hai phần người xem khác hẳn nhau: trong khi rất đông những người trung niên hoặc lớn tuổi trầm ngâm đứng suy nghĩ trước hiện vật thì các bạn trẻ thường hào hứng bàn luận hoặc tranh thủ chụp ảnh lưu niệm với những đồ vật đến từ quá khứ.


________________________________
Xem thêm hình ảnh và thông tin liên quan:


Theo Cúc Đường Thể thao & Văn hóa