Trang tin tức sự kiện
 
Khủng hoảng tài chính khiến đồng euro hấp dẫn hơn ở châu Âu

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho các nước Bắc Âu giàu có ngày càng quan tâm đến đồng euro, song lại làm tiêu tan hy vọng ngắn hạn của những nước có nền kinh tế đang sa sút ở vùng Bantích
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho các nước Bắc Âu giàu có ngày càng quan tâm đến đồng euro, song lại làm tiêu tan hy vọng ngắn hạn của những nước có nền kinh tế đang sa sút ở vùng Bantích.


Có lẽ, hơn bất cứ nơi nào ở châu Âu, cuộc tranh luận về việc liệu có tiếp nhận đồng euro hay không lại nổi lên mạnh mẽ ở Đan Mạch, nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) từng quyết định không tham gia khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Thủ tướng Đan Mạch, Anders Fogh Rassmussen, hồi tháng 10/08 nói rằng không còn nghi ngờ gì nữa hiện nước ông đang phải trả một cái giá đáng kể cho quyết định không gia nhập khu vực Eurozone. Từ đó, ông Rassmussen đã thăm dò quan điểm của các đảng chính trị ở Đan Mạch để tiến tới một sự đồng thuận về khả năng có tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nữa hay không. Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9/2000, 53% người dân Đan Mạch nói không muốn sử dụng đồng euro.
Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 11/08, quan điểm của Thủ tướng Rassmussen đã được dư luận ủng hộ. Cuộc khảo sát cũng cho hay, 48% số người được hỏi ủng hộ quyết định loại bỏ đồng nội tệ krone để chuyển sang sử dụng đồng euro, trong khi 44% phản đối.
Nhà phân tích Antonio Missiroli, thuộc Trung tâm Chính sách châu Âu, nhận định: "Lãi suất của Ngân hàng Trung ương Đan Mạch đã tăng đáng kể trong thời gian xảy ra khủng hoảng, dấu hiệu cho thấy việc đứng ngoài Eurozone và theo dõi các động thái của khu vực này không phải là một chiến lược tốt nhất".
Đan Mạch có chính sách tỷ giá rất ổn định so với đồng euro và do đó có xu hướng hành động theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong các đợt thay đổi lãi suất. Bất kỳ một quyết định nào của Đan Mạch đưa vào lưu hành đồng euro có thể tác động trực tiếp đến nước láng giềng Thụy Điển, nơi dư luận vẫn phản đối kịch liệt việc sử dụng đồng tiền chung châu Âu này sau khi bác ý tưởng gia nhập Eurozone trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2003.
Nhà phân tích Anders Hellner của Viện các Vấn đề Quốc tế Thụy Điển nói: "Hiện đang có một xu thế gia nhập Eurozone bởi cái giá phải trả cho việc đứng ngoài khu vực này là quá cao". Ông Hellner cũng lưu ý nền kinh tế Thụy Điển đã rơi vào suy thoái và đồng krona của nước này vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng euro. Ở Thụy Điển, phe đối lập tỏ ra hoài nghi về chính sách tiền tệ của châu Âu và không muốn trao quyền cho ECB. Ông Hellner cho rằng nếu khủng hoảng kinh tế hiện nay được giải quyết, bên "ủng hộ" chắc chắn sẽ "giành được thế thượng phong".
Na Uy, nước nằm ngoài EU, cũng có thời phản đối việc gia nhập Eurozone. Trong khi đó, Aixơlen - nước cũng không phải là thành viên của EU - đang ngày càng bị quyến rũ bởi đồng euro kể từ khi lĩnh vực tài chính bùng nổ một thời của nước này sụp đổ tan tành hồi tháng 10/08.
Giáo sư Daniel Gros, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu (CEPS), nhận định: "Đồng euro, được coi là một đồng tiền dự trữ quốc tế chủ chốt, có thể là "thần hộ mệnh" cho các nước đang gặp khó khăn. Trong bối cảnh hầu hết các nước đều có những vấn đề, thì đồng tiền chung châu Âu đã trở nên hấp dẫn hơn ở khắp nơi". Còn nhà phân tích Missiroli nói: "Trong những tháng gần đây, đồng euro đã chứng tỏ là thứ vũ khí bảo vệ cuối cùng trước cuộc khủng tài chính toàn cầu. Tại Trung Âu, ngay cả ở Cộng hoà Séc, ý tưởng gia nhập Eurozone đang ngày một lớn mạnh hơn". Tại Anh, nước hoài nghi về đồng euro, đã có một số ý kiến cho rằng sự sụt giảm mạnh của đồng bảng có thể khiến dư luận chuyển sang ủng hộ đồng euro.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), Jose Manuel Barroso đầu tháng này cho hay Luân Đôn đang cân nhắc khả năng từ bỏ đồng bảng như một hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, thông tin này đã bị Văn phòng Thủ tướng Anh bác bỏ.
Chính phủ Ba Lan đã đặt mục tiêu đưa vào lưu hành đồng euro vào năm 2012, song phe đối lập bảo thủ có thể cản trở tiến trình này vì bất kỳ một sự thay đổi nào trong hiến pháp sẽ cần phải có lá phiếu ủng hộ của họ.
Ba Lan, nền kinh tế tương đối thảnh thơi trong cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay, quả quyết rằng họ sẽ có thể đáp ứng được cái được gọi là tiêu chí kinh tế Maastricht để gia nhập Eurozone sớm là vào năm 2009. Ông Missiroli nhận xét tư cách thành viên Euroozne của Ba Lan có thể gây ảnh hưởng đến phần còn lại ở Trung Âu. Nếu Ba Lan quyết định gia nhập Eurozone, các nước khác sẽ buộc phải nỗ lực để đáp ứng tiêu chí nói trên.
Đối với các nước Bantích như Êxtônia, Látvia và Lítva, họ đã đơn phương ổn định tỷ giá đồng nội tệ với đồng euro sau khi được kết nạp vào EU năm 2004 và muốn đưa vào sử dụng đồng tiền chung khu vực càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cả ba nước trên hiện đang phải vật lộn với lạm phát leo thang và mục tiêu gia nhập Eurozone vào năm 2011-2012 của họ dường như chỉ là ý tưởng viển vông.
Êxtônia và Látvia đã rơi vào suy thoái, khiến ngân sách của hai nước này có nguy cơ xấu đi. Giáo sư Gros nhận định: "Họ đã quá muộn. Họ đã có thể gia nhập Eurrozone nhưng họ đã không đáp ứng được tiêu chí cần thiết".
Cuộc khủng hoảng cũng bào mòn hy vọng của Bungari, quốc gia nghèo nhất trong EU, và Hunggari, bất chấp sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ đối với đồng euro. Bộ trưởng Tài chính Hunggari Janos Veres cho biết ông đã chứng kiến "một cơ hội thực sự" rằng nước ông có thể bắt đầu thương lượng về khả năng gia nhập Eurozone, và nếu tất cả mọi thứ đều suôn sẻ, thông báo về thời hạn tiếp nhận đồng euro có thể được đưa ra trong năm 2009. Trong khi đó, Rumani hy vọng gia nhập Eurozone vào năm 2014.


TTXVN