Trang tin tức sự kiện
 
Kích cầu và câu chuyện "hủy diệt mang tính sáng tạo"

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN)
Để giải cứu nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn khó khăn, người ta thường áp dụng giải pháp kích cầu. Kích cầu là một câu chuyện không đơn giản. TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) đã có cuộc trò chuyện dưới góc độ khoa học với bạn đọc sinh viên về điều này.


Kích cầu dưới góc nhìn kinh tế học
Thưa anh, khái niệm kích cầu được hiểu như hế nào?
TS Nguyễn Đức Thành: Trong nền kinh tế có 2 mặt của một quá trình: sản xuất ra hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa. Tổng hàng hóa được sản xuất, được tiêu thụ tạo nên tổng sản phẩm thu nhập quốc dân (GDP).
Nếu suy giảm tổng cầu trong kinh tế, khi đó nền kinh tế sẽ gặp khó khăn, hàng hóa sản xuất ra không được tiêu thụ, giá cả giảm... những cuộc suy thoái này nếu để phát triển lớn lên sẽ trở thành những cuộc khủng hoảng kinh tế, suy thoái trong ngắn hạn, thậm chí khiến đổ vỡ nền kinh tế.
Xét về vĩ mô, tổng cầu kinh tế (Y) gồm 4 thành phần: Cầu tiêu dùng (C), cầu đầu tư (I), cầu của Chính phủ (G) và xuất nhập khẩu hàng hóa (NX). Tổng cầu được thể hiện qua công thức: Y = C+I+G+NX
Công thức trên cho thấy, Y xác định tổng quy mô, tổng sản lượng của nền kinh tế. Khi có suy thoái từ tổng cầu đầu tư (I), DN thấy khó khăn thì họ không muốn đầu tư nữa, không có tiền mua nhà máy mới hay không có kế hoạch đầu tư trong dài hạn. (I) là lượng cầu (rất lớn) của nền kinh tế.
Khi nền kinh tế bị thu hẹp thì người dân không có tiền để chi tiêu, thay vì tiêu dùng họ sẽ chuyển sang tiết kiệm để tránh rủi ro trong tương lai. Điều này dẫn đến hàng hóa ế thừa, giá cả giảm sút, nhu cầu mua của người tiêu dùng cũng giảm vì họ thấy giá cả giảm thì kỳ vọng trong tương lai có thể nó sẽ giảm nữa.
Sức mua của người dân giảm sẽ dẫn đến cầu đầu tư của DN (thành phần I) giảm mạnh... Tất cả điều đó làm cho tổng cầu Y giảm mạnh. Còn thành tố NX, suy giảm hàng trong việc xuất khẩu là việc nước ngoài không mua hàng nữa nên cầu hàng xuất khẩu giảm mạnh.
Trong cuộc suy thoái, khi mà các thành tố (C), (I), (G), (NX) đều gặp rất nhiều khó khăn và suy giảm ở mức chưa biết khi nào có thể dừng, thì chỉ còn cách tăng G - tăng các khoản chi tiêu của Chính phủ để kích cầu, ổn định lại nền kinh tế vĩ mô.
Nhưng tăng (G) bằng cách nào, thưa anh?

Ta lấy ví dụ, khi DN sản xuất ra 1 sản phẩm bán cho khách hàng, nhưng khi nhu cầu giảm, hộ gia đình không có nhu cầu mua thì Chính phủ (CP) có thể mua lại sản phẩm đó. Người kinh doanh nhận thấy sản phẩm vẫn bán được thì họ sẽ tiếp tục đầu tư. Khi DN mở rộng đầu tư thì sẽ giúp Y tăng.
Nhưng tại sao lại không khuyến khích người dân mua, mà CP phải "nai lưng" ra làm?
Đúng vậy. Biện pháp khôn ngoan nhất là CP phải tính đến đó là làm sao để tự người dân và DN tìm đến mua sản phẩm. Có 2 cách:
(1) Để tăng tổng cầu (Y) CP sẽ sử dụng các biện pháp hỗ trợ tín dụng tiêu dùng để tăng cầu tiêu dùng (C). Cái này thuộc về thẩm quyền của chính sách tiền tệ, thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.
Ví dụ: khi anh muốn mua một ngôi nhà, chiếc xe mà không đủ tiền mua (thanh khoản chưa có) thì NH sẽ cho anh vay tiền, như vậy hoạt động mua sẽ diễn ra và giải quyết được một phần hàng hóa ế thừa trong xã hội... Nếu bơm tín dụng vào nền kinh tế thì sẽ kích thích tiêu dùng của nền kinh tế. Biện pháp này chúng ta đang làm và hy vọng sẽ phát huy tác dụng.
(2) Để tăng tổng cầu từ phía cầu đầu tư (I) thì chúng ta phải hạ lãi suất, chính là chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho các DN mà CP đang tiến hành; có biện pháp kích thích nhà đầu tư như chính sách hỗ trợ nhà đầu tư bằng các biện pháp hành chính... tạo cho DN cảm thấy dễ chịu, thích đầu tư. Lúc đó DN sẽ thuê thêm văn phòng, nhân công... làm cho hoạt động kinh doanh sôi động trở lại.
Có ý kiến e ngại rằng nếu chúng ta áp dụng chính sách kích cầu, không cẩn thận sẽ "kích" nhầm cho hàng ngoại nhập chứ không phải hàng của VN?
Đúng vậy. Khi tăng đầu tư và tiêu dùng thì người tiêu dùng sẽ quyết định mua hàng hóa ở đâu mà họ muốn, họ thấy phù hợp. Để người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa trong nước thì có nhiều biện pháp. Đài Loan kích cầu tiêu dùng bằng cách mua hàng thì sẽ được CP hỗ trợ từ 100-200USD, nhưng phiếu này chỉ có giá trị khi anh mua hàng nội địa.
KHÔNG CÓ BỮA TRƯA NÀO MIỄN PHÍ
Và để khuyến khích tiêu dùng trong nước, theo anh, có nên sử dụng các biện pháp dựng hàng rào kỹ thuật, tăng thuế nhập khẩu...?
Theo tôi, xin cân nhắc khi nói đến các biện pháp này. Đây là hiện tượng đang xuất hiện trên thế giới nhưng nguy hiểm. Nó là kẻ thù giấu mặt của nền kinh tế. Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào người ta cũng sẽ có xu hướng bảo hộ cho hàng hóa sản xuất trong nước trước tiên.
Nhưng nếu nước nào cũng muốn bảo hộ và dựng lên hàng rào thuế đối với hàng của các nước khác thì chủ nghĩa bảo hộ sẽ xuất hiện, lúc đó nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm rất nhanh vì thương mại quốc tế suy giảm. Đó là nguy cơ đẩy lùi sự tiến bộ của con người, vì thương mại tạo ra sự tiến bộ. Những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua cũng xuất phát từ yếu tố này.
Như vậy có phương thuốc nào hữu hiệu không?

Phương thuốc quan trọng nhất là phải tác động đến niềm tin, sự lạc quan của nhà đầu tư: Tạo điều kiện đến mức tối đa cho DN sản xuất, vì họ chính là người tạo ra của cải cho xã hội. Điều này rất khó đạt được trong bối cảnh suy thoái toàn cầu vì lúc này tư tưởng của nhà đầu tư chủ yếu là bi quan.
Các biện pháp hỗ trợ về hành chính, giảm giá nguyên liệu, giảm thuế... cũng là những biện pháp mà CP áp dụng nhằm hướng đến DN. Nhưng mặt trái của biện pháp này là ngân sách bị thâm hụt vì không còn nguồn thu. Lúc đó phải tìm nguồn thu từ đâu đó để bù đắp lại. Nguồn có thể tạo: phát hành trái phiếu, tăng thuế khu vực khác... đều có ảnh hưởng ở thì tương lai. Đó là cái giá của kinh tế học, không có bữa trưa nào miễn phí.
"HỦY DIỆT MANG TÍNH SÁNG TẠO"

Nhà kinh tế học Joseph Schunpeter cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là một "Sự hủy diệt mang tính sáng tạo - Creative Destruction". Nên hiểu điều này như thế nào, thưa anh?
Chu kỳ của nền kinh tế thế giới như thủy triều lúc lên, lúc xuống. Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm về thăng trầm kinh tế, nhưng không nên quá bi quan mà phải lạc quan và sáng suốt trong lựa chọn chính sách cho mình.
Cũng giống như DN trong thời kỳ này phải sáng suốt lựa chọn bước đi phù hợp, để khi nền kinh tế hồi phục thì đã sắp xếp lại mọi thứ một cách hoàn hảo nhất để nắm bắt cơ hội và đối diện với cuộc cạnh tranh mới... Điều này tối cần thiết cho từng cá nhân, cho từng DN, cộng đồng và cả một đất nước.
Trước hếtlà tái tạo lại nguồn nhân lực, con người tạo ra mọi thứ và đây là thời điểm để DN "làm sạch" bộ máy, tạo thêm nguồn sinh lực mới. Sau đó là lựa chọn đối tác tốt nhất để hợp tác. Khi đào thải các tế bào xấu ra khỏi cơ thể thì chỉ còn lại những tế bào tốt, sống khỏe... Tế bào sống khỏe thì cơ thể mới khỏe, và ngược lại.
DN refresh và tái tạo mọi thứ một cách mạnh mẽ, chính là tạo nên một cơ hội mới cho chính DN. Nền kinh tế thế giới cũng vậy, sau mỗi cuộc khủng hoảng lại là sự trỗi dậy mãnh liệt.
Như vậy thì không hẳn khủng hoảng đã là một điều tồi tệ?
Binh pháp cổ đại Trung Quốc có câu: Người mạnh mất đi sức mạnh của mình thì trở nên yếu. Khi nền kinh tế phồn vinh ai cũng lạc quan, kinh doanh nở rộ, cơ hội luôn tìm đến với DN, cá nhân... DN đầu tư vào đâu cũng sinh lời nên dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, vốn bị dàn trải; DN trong thời kỳ này quên mất sức mạnh của chính mình.
Thời kỳ khủng hoảng là lúc DN có nhiều thời gian hơn để nhìn lại, "khám lại sức khỏe" cho chính mình. Điều này cũng giống như việc các DN xuất khẩu dệt may hiện nay đang xây dựng chiến lược quay về thị trường nội địa; hay những DN như REE, SAM... một thời làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán, nay thức tỉnh và quay trở lại với ngành nghề truyền thống của họ là điện lạnh...
Lúc này, lợi nhuận có thể giảm đi nhưng lại vững chắc hơn bởi trong ngành nghề kinh doanh của mình, họ vẫn là những DN tiêu biểu số 1.
Trong cuộc khủng hoảng, có ngành sẽ bị hủy diệt, nhưng có ngành sẽ phát triển nở rộ, tiêu biểu là ngành giáo dục. Khi khủng hoảng, rất nhiều người lao động sẽ đi học để bổ sung kiến thức, và thúc đẩy ngành này phát triển.
Xin cảm ơn anh!


Lê Ngọc Sơn (SVVN)