Trang tin tức sự kiện
 
Muốn Hà Giang phát triển phải có sự đột phá trong đầu tư

Là một tỉnh miền núi với cơ sở hạ tầng tầng còn yếu kém, giao thông không thuận lợi; thu nhập bình quân đầu người còn thấp… Hà Giang đang được xếp vào dạng tỉnh nghèo. Tuy nhiên, thực tế Hà Giang lại có rất nhiều điểm mạnh và lợi thế, có thể tận dụng để huy động nguồn vốn bên ngoài lẫn bên trong cho phát triển.


Những lợi thế có thể kể đến như tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng sinh học cao, giá trị của công viên địa chất toàn cầu, du lịch sinh thái Tây Côn Lĩnh, đa dạng văn hóa, khoáng sản và thủy năng, nông sản đặc trưng có giá trị cao…
Vậy vì sao Hà Giang vẫn chưa thể bứt phá trong khi các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, và Tuyên Quang hay bên kia biên giới là Vân Nam và Quảng Tây đều phát triển mạnh các lợi thế tương tự, thậm chí kém Hà Giang.
Bên lề Hội thảo khoa học và Diễn đàn đầu tư "Vì Hà Giang phát triển", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN về vấn đề này.
PV: Thưa PGS, đâu là cú hích để một tỉnh như Hà Giang có thể phát triển?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn:
Theo lý thuyết phát triển kinh tế, một tỉnh (hay một nước) nghèo thì người dân có thu nhập thấp, thu nhập thấp dẫn đến tiết kiệm thấp, tỷ lệ đầu tư thấp và do đó tăng trưởng của nền kinh tế thấp. Tăng trưởng thấp lại dẫn đến thu nhập người dân thấp. Như vậy, nếu không có một cú hích nào, nền kinh tế sẽ mãi rơi vào vòng luẩn quẩn này và để thoát khỏi vòng luẩn quẩn, một tỉnh cần một lượng vốn đủ lớn để thúc đẩy tăng trưởng. Lý thuyết tăng trưởng và các kinh nghiệm phát triển đã có đến nay cũng cho thấy chính sách của một tỉnh (hay một nước) đóng vai trò then chốt trong việc lôi kéo nguồn vốn từ bên ngoài cũng như thúc đẩy nguồn vốn bên trong cho công cuộc phát triển nền kinh tế.
Tại Hà Giang, tổng vốn đầu tư phát triển còn thấp, trong đó vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng vốn đầu tư. Cần lưu ý rằng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước không phản ứng trước những cơ hội hay hiệu quả của nền kinh tế và cũng không phản ứng mạnh trước những thay đổi trong cách điều hành của tỉnh mà mang tính chất phân bổ nhiều hơn. Do đó, việc tăng vốn từ các nguồn khác ngoài ngân sách nhà nước sẽ cần thiết cho việc thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh. Nhưng nguồn vốn ngoài ngân sách lại phụ thuộc vào chính sách và cách thức điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh Hà Giang: Nếu điều hành kinh tế tốt, hiệu quả và chất lượng, luồng vốn sẽ tăng nhưng nếu điều hành kinh tế chưa tốt thì sẽ không khuyến khích, lôi kéo luồng vốn cũng như các dự án từ bên ngoài vào trong tỉnh.
Những số liệu về tài nguyên khoáng sản, lợi thế về đa dạng sinh học, nông sản, thực phẩn đặc trưng cho thấy, tỉnh Hà Giang không chỉ toàn điểm yếu, mà còn có nhiều điểm mạnh và lợi thế, có thể tận dụng để huy động nguồn vốn bên ngoài lẫn bên trong cho phát triển. Tuy nhiên, các dự án nhằm giải quyết những vấn đề xã hội của tỉnh vẫn sẽ cần vốn đầu tư và cần được khắc sâu đậm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 10 năm tới.
PV: Từ trước tới nay, nhắc đến Hà Giang tức là nhắc đến công viên địa chất, tới du lịch hoặc các sản phẩm chè. Phải chăng Hà Giang chỉ có vậy?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Như tôi đã nói ở trên, Hà Giang có rất nhiều lợi thế nhưng chưa được đầu tư, khai thác hợp lý. Có thể kể ra đây 5 lợi thế mà Hà Giang đang có và từ đó có thể đẩy Hà Giang vươn lên phát triển.
Thứ nhất, nền kinh tế trong nhiều năm liền liên tục tăng trưởng cao, trong đó tăng trưởng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - thương mại luôn tăng ở mức hai chữ số vừa kéo nền kinh tế tăng trưởng cao, vừa góp phần giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại: từ nông lâm nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và thương mại. Tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm sẽ giúp các nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan về nền kinh tế của tỉnh và làm cho nền kinh tế Hà Giang trở nên hấp dẫn hơn dưới con mắt của các nhà đầu tư tiềm năng.
Thứ hai, tỉnh Hà Giang có hệ thống sinh thái đa dạng, có nhiều điểm tham quan lý thú như hang Phương Thiện, hang Chui, động Tiên, suối Tiên, động Én, cao nguyên đá Đồng Văn…có sức hút đối với những khách du lịch ưa thích thiên nhiên. Hà Giang cũng có sự đa dạng về văn hóa và nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc như Chợ tình Khâu Vai, Chùa Sùng Khánh…để thu hút khách du lịch muốn tìm hiểu văn hóa bản địa. Như vậy, ngành du lịch là một ngành mũi nhọn của tỉnh. Nếu tỉnh biết khai thác thế mạnh, tổ chức quảng bá hình ảnh và các tour du lịch hiệu quả, ngành du lịch có thể là điểm thu hút nguồn vốn và từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa sang các ngành khác trong tỉnh.
Thứ ba, tỉnh có thế mạnh nữa là một hệ thống các công trình thủy điện vừa và nhỏ và ngành công nghiệp khai khoáng đa dạng. Kết hợp với du lịch, ngành công nghiệp khoáng sản và xây dựng thủy điện sẽ trở thành trụ cột trong việc huy động và sử dụng vốn, trở thành đầu tàu, kéo nền kinh tế phát triển nhanh.
Thứ tư, tỉnh Hà Giang cũng có một số thế mạnh về nông nghiệp. Tùy thuộc vào từng loại địa hình trong tỉnh mà có những đặc thù nông nghiệp khác nhau. Chẳng hạn ở vùng thấp như huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê… thì trồng lúa thâm canh mang giá trị kinh tế cao; còn vùng cao thì phát triển cây ngô với các giống mới, năng suất cao và đảm bảo an ninh lương thực. Ngoài ra là các cây ăn quả như cam, quýt, lê, đào cũng là thế mạnh trong nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, chè cũng là một điểm mạnh và đã gắn liền với hình ảnh của Hà Giang.
Thứ năm, một thế mạnh nữa của tỉnh Hà Giang là có chung đường biên giới khá dài với Trung Quốc. Hà Giang tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc, ở đó cửa khẩu Thanh Thủy là cửa khẩu quan trọng nhất và là cửa khẩu quốc gia duy nhất tại Hà Giang. Cửa khẩu được kỳ vọng sẽ tạo nên mũi đột phá trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ngày 15/1/2010, Hà Giang đã thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, bao trùm lên 6 xã của huyện Vị Xuyên bao gồm Thanh Thủy, Phương Tiến, Thanh Đức, Xín Chải, Phong Chải, Phong Quang và xã Phương Độ thuộc thành phố Hà Giang. Có thể trước mắt khu kinh tế cửa khẩu chưa có những tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhưng về lâu dài, nó sẽ tác động ngày một lớn lên dòng vốn đầu tư và phát triển của tỉnh Hà Giang.
PV: Với những lợi thế rõ ràng như vậy, vì sao Hà Giang vẫn nghèo?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Lý do là mặc dù hiện nay lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã rất quyết tâm và cố gắng tìm các giải pháp nhằm phát triển kinh tế của tỉnh nhưng Hà Giang vẫn chưa giảm thiểu được các bất lợi mà họ đang mắc phải và phát huy ở mức cao nhất những lợi thế mà họ đang có. Hà Giang là tỉnh nghèo nên thu nhập người dân thấp, sức mua và sức tiêu thụ thấp. Hơn nữa, Hà Giang cũng là tỉnh vùng cao với nhiều dân tộc sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nên một lượng vốn đáng kể cần được sử dụng để giải quyết các vấn đề xã hội và đây vẫn sẽ là gánh nặng của tỉnh.
Tiếp nữa, vì xa cách với trung tâm kinh tế – chính trị của cả nước là Hà Nội, đồng thời xa với các tỉnh/thành trọng điểm miền Bắc, Hà Giang gặp bất lợi nhất định trong việc thu hút vốn FDI, kêu gọi đầu tư tư nhân trong nước, và các dự án đầu tư… Tuy nhiên, như phân tích trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vị trí địa lý không phải là yếu tố quyết định: Có những tỉnh như Hà Tây (cũ) sát với Hà Nội và có cơ sở hạ tầng thuận lợi nhưng chỉ số PCI cũng chỉ ở mức thấp; ngược lại, có tỉnh như Lào Cai có vị trí địa lý không thuận lợi nhưng lại có chỉ số PCI cao.
Bất lợi nữa của Hà Giang là tỉnh miền núi, hệ thống đường sá kết nối giữa các huyện, xã có khó khăn hơn so với các tỉnh đồng bằng. Hơn nữa, do xuất phát điểm về trình độ giáo dục và y tế thấp, nên trình độ của người lao động cũng không cao và sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các ngành đòi hỏi lao động kỹ năng và trình độ công nghệ cao.
Cuối cùng, cũng do Hà Giang là tỉnh nghèo nên vốn đầu tư còn thiếu, hơn nữa, một lượng vốn lớn lại tập trung vào giải quyết các vấn đề xã hội. Vốn đầu tư thiếu, lại dàn trải cho nhiều mục tiêu, nên sẽ khó có hiệu quả cao, khó tạo nên đột phá thu hút, lôi kéo các nguồn vốn khác.
Nhưng cần lưu ý, những thuận lợi và bất lợi kể trên không phải là đặc điểm chỉ có ở Hà Giang. Nhiều tỉnh/thành khác trong cả nước cũng phải đương đầu với những khó khăn đó. Có tỉnh, thành đã vượt qua và được đánh giá cao trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả vốn, nhưng có những tỉnh mắc trong “ma trận” những điểm yếu này mà do vậy không thể tận dụng thế mạnh để thoát nghèo, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
PV: Hà Giang đã từng được đầu tư mạnh nhưng lại không hiệu quả. Vậy PGS có thể đưa ra bài học nào cho Hà Giang?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn:
Trước đây, Hà Giang đã có một bài học rất lớn về việc sử dụng vốn: Một tỉnh nghèo, thiếu vốn nhưng lại sử dụng vốn còn lãng phí. Huy động vốn đã khó, sử dụng hiệu quả vốn lại càng khó hơn. Trong những năm gần đây, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế – xã hội tại Hà Giang là vô cùng lớn, thế nhưng lượng vốn rót vào tỉnh không nhiều, phân tán, và nhỏ giọt. Kể cả khi đã có một lượng vốn lớn từ ngân sách Trung ương thì một phần lớn trong đó phải dành cho các lĩnh vực xã hội hoặc lượng vốn đầu tư dàn trải, chưa tập trung và chưa tạo thành cú hích lớn cho nền kinh tế. Nhu cầu vốn lớn nhất có lẽ dành cho phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tạo nền tảng thu hút và lôi kéo vốn đầu tư FDI, vốn ngoài tỉnh và vốn trong tỉnh.
Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến dòng vốn chảy vào một tỉnh như: chi phí lao động, ưu đãi về thuế và đất đai, chi phí nguyên vật liệu và dịch vụ trung gian, có sẵn các khu công nghiệp, thủ tục pháp lý, rủi ro bị thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan chính quyền địa phương, thời gian nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chất lượng điều hành của chính quyền địa phương, chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng, quy mô và sức mua của thị trường.
Tuy nhiên, trong các yếu tố trên, môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh mới là yếu tố then chốt quyết định đến dòng vốn đầu tư chảy vào một tỉnh.
PV: Như PGS đã nói thì có nhiều tỉnh điều kiện cũng tương tự như Hà Giang nhưng lại phát triển hơn. Vậy đâu là mô hình Hà Giang có thể học tập được?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Lào Cai có những kinh nghiệm tốt mà Hà Giang có thể học tập vì nằm sát Hà Giang và cũng có chung đường biên giới với Trung Quốc.
Về du lịch, Lào Cai có Sa pa là một điểm du lịch nổi tiếng từ lâu. Hà Giang cũng có một hệ thống các điểm du lịch hấp dẫn gồm các điểm du lịch sinh thái và văn hóa truyền thống. Vì vậy, Hà Giang cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các điểm du lịch tự nhiên, văn hóa đặc sắc của mình; đồng thời kêu gọi và có cả hỗ trợ cho các công ty trong việc tổ chức các tour du lịch, cần tạo ra các khu du lịch có tổ chức, bài bản, an toàn cho du khách.
Về công nghiệp – xây dựng, hai tỉnh cũng có những nét tương đồng. Lào Cai có mỏ apatit Cam Đường, mỏ sắt Quý Xa, mỏ đồng Sin Quyền… thu hút lượng vốn lớn từ bên ngoài vào, tạo ra giá trị sản lượng công nghiệp cho nền kinh tế của Lào Cai, hoạt động này cũng tạo ra thu nhập cho người dân. Việc chính quyền tỉnh Lào Cai thương lượng với các công ty khai thác mỏ nhằm ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương cũng cho thấy biện pháp phát triển đúng đắn.
Với Hà Giang, việc huy động vốn tối ưu nên vừa tận dụng để phát triển kinh tế, vừa giải quyết các vấn đề xã hội: tạo việc làm có thu nhập, giúp giảm nghèo. Hà Giang thuận lợi hơn Lào Cai ở chỗ nhiều công trình thủy điện quy mô vừa và nhỏ được triển khai xây dựng sẽ sử dụng rất nhiều nhân công không đòi hỏi kỹ năng cao, giúp tạo việc làm có thu nhập cho nhiều người nghèo. Tuy nhiên, cần lưu ý đến khía cạnh môi trường. Tại Lào Cai, việc khai thác mỏ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, hoạt động sản xuất nông nghiệp và Lào Cai đang nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này. Việc phát triển “đại công trường” tại Hà Giang có thể thúc đẩy ngành công nghiệp Hà Giang phát triển nhưng lại tác động đến hệ sinh thái, môi trường tự nhiên, là những yếu tố thu hút khách du lịch.
Đối với cửa khẩu quốc tế, Lào Cai có cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu và hàng loạt các cửa khẩu lớn nhỏ khác. Hàng hóa lưu thông qua cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu chiếm phần lớn. Cặp cửa khẩu này tạo ra nơi thông thương sầm uất, tạo rất nhiều việc làm cho người dân địa phương, trong đó có cả người nghèo, và đồng bào dân tộc ít người, đồng thời là cửa ngõ để các sản phẩm nông nghiệp Lào Cai đi ra bên ngoài. Hà Giang cũng có cửa khẩu Thanh Thủy. Cửa khẩu này về tương lai cũng sẽ tương tự như cửa khẩu quốc tế Lào Cai và sẽ trở thành một cú hích lớn cho tỉnh Hà Giang.
Một yếu tố quan trọng nữa đó là mặc dù giữa Lào Cai và Hà Giang có nhiều điểm tương đồng, nhưng năm 2010 Lào Cai xếp thứ hai trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, còn Hà Giang xếp hạng thứ 49. Để có được kết quả đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã có đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan liên tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nhất là các thủ tục liên quan đến người dân và
doanh nghiệp. Ngoài ra, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp khắc phục những điểm yếu để duy trì Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Đến nay, nhiều tỉnh đã và đang xem PCI như một thước đo đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của các cơ quan địa phương và hướng vào cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh tại địa phương nhằm nâng cao chỉ số này trên bảng xếp hạng. Thậm chí, nếu địa phương có chất lượng điều hành tốt lên nhưng các tỉnh bên cạnh còn có chất lượng điều hành tốt hơn thì nguồn vốn vẫn sẽ chảy vào các tỉnh có chất lượng điều hành tốt hơn đó. Như vậy, điều quan trọng của tỉnh Hà Giang là không chỉ nâng cao chất lượng điều hành của các cơ quan so với trước đây mà còn phải so với các tỉnh, thành phố lân cận.
PV: Xin cảm ơn những thông tin quý báu mà PGS chia sẻ.

M.T (Thực hiện)