Đoàn công tác của trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN do TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại tỉnh Cao Bằng từ ngày 09/10 đến ngày 13/10/2017.
Các hoạt động trong chuyến công tác nằm trong khuôn khổ thực hiện đề tài "Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các Khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam”, mã số KX 01.09/16-20 do TS. Nguyễn Anh Thu làm chủ nhiệm, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển xã hội”.
Trong thời gian công tác tại tỉnh Cao Bằng, đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh, các sở, ban ngành cũng như các doanh nghiệp tại địa phương để trao đổi, điều tra khảo sát về: (i) nhu cầu, thực trạng và các điều kiện hình thành khu kinh tế qua biên giới tại tỉnh Cao Bằng; (ii) những khó khăn, thuận lợi mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình kinh doanh, thương mại và đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng như (iii) đề xuất, kiến nghị về mô hình và lộ trình thực hiện xây dựng khu kinh tế qua biên giới tại địa phương.
Đoàn công tác làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế và các doanh nghiệp tại UBND tỉnh Cao Bằng
Đặc biệt, ngày 10/10/2017, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội thảo quốc tế “Mô hình Khu kinh tế qua biên giới: Thực trạng và triển vọng" tại Cao Bằng với sự tài trợ của Quỹ Friedrich Naumann Stiftung Für Die Freiheit (FNF) và Bộ Khoa học Công nghệ.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng, đại diện các sở ban, ngành, các doanh nghiệp tại tỉnh Cao Bằng; lãnh đạo và giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học Trường ĐHKT; đại diện nhà tài trợ Quỹ Friedrich Naumann Stiftung Für Die Freiheit (FNF), đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các Viện nghiên cứu, các chuyên gia nước ngoài từ Trường Đại học Mae Fah Luang, Thái Lan cùng phóng viên các hãng thông tấn Trung ương và địa phương.
Hội thảo nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật cũng như kinh nghiệm thực tiễn, cung cấp một diễn đàn cho các học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về kinh nghiệm xây dựng mô hình Khu kinh tế qua biên giới (CBEZ) của một số nước trong khu vực, một số gợi mở cho Việt Nam về mô hình và điều kiện xây dựng Khu kinh tế qua biên giới cũng như phân tích thực tiễn hình thành, xây dựng Khu kinh tế qua biên giới ở một số tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.
Ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng phát biểu khai mạc
TS. Nguyễn Anh Thu phát biểu khai mạc hội thảo
Sau phiên Khai mạc, Hội thảo được chia thành 4 phiên thảo luận, gồm 2 phiên trong buổi sáng và 2 phiên trong buổi chiều. Phiên thứ nhất đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam về mô hình và điều kiện hình thành CBEZ, đồng thời phân tích sáng kiến liên kết kinh tế khu vực nhìn từ mô hình khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung. Phiên thứ hai tập trung phân tích thực trạng xây dựng CBEZ và hợp tác kinh tế biên giới tại một số tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trên cơ sở những phân tích đó, phiên thảo luận đánh giá những tiềm năng, lợi thế và đặt ra một số vấn đề cần lưu ý đối với các tỉnh trong quá trình hợp tác biên giới và xây dựng CBEZ. Trong phiên thứ ba và phiên thứ tư, kinh nghiệm của Thái Lan, Trung Quốc trong xây dựng và phát triển CBEZ với các nước láng giềng được thảo luận để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; đồng thời bàn luận về thực tiễn xây dựng và phát triển các Khu hợp tác kinh tế ở Việt Nam, đánh giá các kết quả đạt được và thảo luận những vấn đề Việt Nam cần quan tâm để thúc đẩy hiệu quả của các Khu hợp tác kinh tế, tạo nền tảng để xây dựng thành công các CBEZ của Việt Nam trong tương lai.
TS. Phạm Hùng Tiến (bên phải) - Đại diện nhà tài trợ Quỹ FNF
TS. Hoàng Xuân Hoà - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban KTTW, đồng chủ toạ hội thảo
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Hợp tác kinh tế giữa các quốc gia láng giềng là một xu thế đang ngày càng tỏ rõ hiệu quả vì lợi ích chung của các bên tham gia, đóng vai trò đáng kể trong việc khai thác lợi thế so sánh, tính bổ sung cho nhau của các quốc gia láng giềng. Hợp tác kinh tế biên giới cũng giúp các quốc gia nâng cấp hạ tầng giao thông, thuận lợi hoá thương mại - đầu tư và nâng cao đời sống cho người dân biên giới. Trên thực tế, đã có nhiều mô hình hợp tác qua biên giới được hình thành và phát triển. Kinh nghiệm từ một số nước châu Mỹ, Châu Âu và Châu Á chỉ ra rằng các mô hình, cách thức và mức độ hợp tác kinh tế qua biên giới vô cùng phong phú, đa dạng. Trong khu vực Châu Á hiện nay, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế cũng ngày càng sôi động với sự phát triển không ngừng và đi vào chiều sâu của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mêkông mở rộng, các sáng kiến hợp tác như “hai hành lang một vành đai kinh tế", “một con đường, một vành đai”… Các địa phương có chung đường biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai (Việt Nam) và Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) đã chủ động khai thác lợi thế giữa hai bên, tích cực hợp tác phát triển kinh tế biên giới. Hội thảo "Mô hình khu kinh tế qua biên giới: Thực trạng và triển vọng" do Trường ĐHKT - ĐHQGHN và UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp tổ chức là diễn đàn để các để các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi ý kiến, quan điểm về mô hình CBEZ và thực tiễn xây dựng, hình thành CBEZ ở Việt Nam để góp phần vào sự thành công của CBEZ trong tương lai.
Với nhiều hoạt động đa dạng như điều tra khảo sát, phỏng vấn sâu và tổ chức hội thảo khoa học, đoàn công tác đã thu thập được rất nhiều tư liệu, ý kiến quý báu từ các nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp. Đây là điều kiện quan trọng để nhóm nghiên cứu hoàn thành tốt đề tài "Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các Khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam”; từ đó đưa ra những tham vấn có tính khoa học, khách quan và có tính thực tiễn cao cho chính phủ trong việc lựa chọn thí điểm xây dựng và phát triển khu kinh tế qua biên giới tại Việt Nam.
------------------------------
Thông tin liên quan trên báo chí: