Trang tin tức sự kiện
 
Hội thảo chính sách công và phát triển lần thứ 7: Sự mất cân bằng toàn cầu

GS.TS. James Riedel và TS. Vũ Quốc Huy - Chủ nhiệm Khoa KTPT chủ trì Hội thảo
“Giải thích về sự mất cân bằng toàn cầu” là bài thuyết trình được báo cáo bởi GS.TS. James Riedel - Trường Quốc tế học cấp cao - Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) tại Hội thảo Chính sách công lần 7 được Khoa Kinh tế Phát triển tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ngày 14/1/2010.


Hội thảo lần này có sự tham gia của lãnh đạo Khoa KTPT cùng các giảng viên, nhà nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước.
GS.TS. James Riedel mở đầu hội thảo bằng việc giải thích về sự cân bằng trong cán cân thanh toán (CAB). Cho đến năm 2000, thế giới vẫn tăng trưởng theo xu hướng bình thường với mức tăng trưởng tương đối ổn định của các nước phát triển, trong khi đó, các nước đang phát triển tiếp tục đầu tư nhằm đạt được mức tăng trưởng cao. Nhưng kể từ năm 2000, tình hình tiết kiệm của thế giới đã có xu hướng đảo chiều.
Hai quốc gia điển hình cho xu thế này là Trung Quốc và Hoa Kỳ, trong khi thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng mạnh thì Hoa Kỳ lại phải đối mặt với sự thâm hụt thương mại đáng kể. Giải thích cho xu hướng này có thể đề cập quan niệm "mất cân bằng trong tiết kiệm toàn cầu" được phát triển bởi Ben Bernanke). Lý thuyết này mở đầu với quan điểm cho rằng do đồng tiền tệ của Trung Quốc (RMB) bị đánh giá thấp nên đã dẫn đến hiện tượng luồng vốn giảm trong CAB của Trung Quốc. Tuy nhiên TS. James Riedel đặt ra câu hỏi liệu RMB có đúng là bị đánh giá thấp không và thấp hơn so với cái gì? Ông cũng đã đưa ra quan điểm của mình khi nói rằng không có câu trả lời cho câu hỏi đó. Trong thực tế, RMB đã được định giá 20% cao hơn so với đồng USD, thay vì định giá ở mức thấp nhằm có được lợi thế trong cạnh tranh.
Trong vài năm trở lại đây (từ 2003) sự tăng trưởng nhanh chóng của GDP ở Trung Quốc đạt được không phải là do tốc độ tăng trưởng của ngành xuất khẩu mà chính từ việc mở rộng tín dụng với trọng điểm là các doanh nghiệp nhà nước (như ngành công nghiệp thép). Dữ liệu đã chỉ ra rằng chính khu vực kinh tế hộ gia đình (chứ không phải là khu vực doanh nghiệp) là nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng này. Thực tế cho thấy vai trò của Chính phủ Trung Quốc không đáng kể trong việc thúc đẩy xuất khẩu mà là CA thặng dư của Trung Quốc đã vô tình làm được.
Đối với Hoa Kỳ, nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của mức lãi suất thực tế là do kỳ vọng lạm phát, biến động lãi suất sụt giảm, cộng với sự gia tăng luân chuyển của các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Các nguồn vốn nước ngoài đóng một vai trò nhất định khiến lãi suất suy giảm nhưng nhiều nhất cũng chỉ chiếm khoảng 30%. Khoản dành để tiết kiệm của mỗi người dân giảm nhưng chi tiêu dành cho quốc phòng của chính phủ Mỹ mới là “thủ phạm chính”.
Thảo luận tiếp theo phần trình bày của ông James Riedel đã tập trung vào vai trò của chính phủ và các công cụ chính sách liên quan đến tỷ giá. Đồng thời các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng thảo luận sâu hơn về một số quan điểm mà TS. James Riedel đã đề cập đến trong phần thuyết trình của mình và một số vấn đề liên quan tới các khu vực nông thôn của Trung Quốc, mối liên kết giữa các bộ phận, các ngành và những chiến lược tăng trưởng trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong và ngoài nước tham gia thảo luận tại Hội thảo.
______________________
>> Xem báo cáo của GS.TS. James Riedel
tại đây.

Tin: Nguyễn Quốc Anh - Ảnh: Phạm Diệp