Trang tin tức sự kiện
 
Hội thảo “Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

Ảnh: Thúy Phạm
Sau thành công của hội thảo lần 1, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tiếp tục tổ chức hội thảo khoa học lần 2 thuộc đề tài khoa học cấp Nhà nước KX 04.07/06 - 10 với chủ đề: “Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” vào ngày 9/1/2009.


Tới dự buổi hội thảo khoa học có PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Hiệu trưởng, TS. Trần Anh Tài - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN; TS. Đinh Quang Ty - Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương; GS.TS Đỗ Thế Tùng - Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Bùi Tất Thắng - Bộ Khoa học Công nghệ cùng các những nhà khoa học và các thầy cô giáo trong Trường Đại học Kinh tế có nghiên cứu và quan tâm đến chủ đề “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.
Buổi hội thảo tập trung giải quyết 3 vấn đề chính: Khái niệm "định hướng xã hội chủ nghĩa", mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, và giải pháp cho việc xây dựng mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Trong hội thảo, các nhà khoa học đã có những tranh luận rất thẳng thắn mang tính xây dựng đóng góp cho đề tài. Nhưng nhìn chung, các nhà khoa học đều thống nhất rằng quá trình phát triển xã hội nhất thiết phải xây dựng kinh tế thị trường.
Các tham luận chủ yếu xoay quanh vấn đề tính đặc thù trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng tính định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là một nét riêng có của Việt Nam, rất nhiều nền kinh tế thị trường cũng hướng đến tính xã hội chủ nghĩa - được định nghĩa như sự nâng cao phúc lợi và an sinh xã hội. Nhưng phản biện lại ý kiến này, nhiều nhà khoa học cho rằng tính đặc thù này thể hiện rõ ở Việt Nam thông qua quá trình phát triển kinh tế thị trường (vì hiện nay nền kinh tế Việt Nam chưa được thế giới công nhận là mang tính thị trường). Vì vậy nét rất riêng ở Việt Nam là Nhà nước trong quá trình can thiệp để xây dựng kinh tế thị trường chú ý đến phúc lợi và an sinh xã hội.
Kết thúc hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Dũng chủ nhiệm đề tài tổng kết các ý kiến đóng góp cho đề tài, đồng thời khẳng định rõ hướng nghiên cứu của đề tài.
Toàn cảnh hội thảo
GS.TS Đỗ Thế Tùng (Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội thảo.

Thùy Dung (Khoa KTCT)