Trang tin tức sự kiện
 
Tọa đàm “Mục tiêu của chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại”

Nhằm mục tiêu giúp sinh viên lớp Chất lượng cao (đặc biệt là các bạn sinh viên khóa đầu) nắm vững hơn về mục đích, mục tiêu của chương trình đào tạo, chiều 30/10/2009, tại phòng Hội thảo 801 E4, Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm “Mục tiêu của chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại (KTĐN)”.


Tham dự buổi tọa đàm có TS. Khu Thị Tuyết Mai - Chủ nhiệm Khoa KTQT, các giảng viên, toàn thể sinh viên lớp QH-2009-E CLC và đại diện sinh viên các lớp QH-2006-E CLC, QH-2007-E CLC, QH-2008-E CLC.
Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Khu Thị Tuyết Mai đã giới thiệu và làm rõ những điểm nhấn cơ bản về mục đích, mục tiêu của chương trình CLC ngành KTĐN. TS. Khu Thị Tuyết Mai nhấn mạnh đến điểm khác biệt trong sản phẩm đào tạo mà Khoa và Nhà trường đang tập trung hướng tới: Cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại sau khi ra trường sẽ có kiến thức chuyên sâu, hiện đại về KTĐN;có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo để giao tiếp, nghiên cứu, học tập và làm việc (IELTS từ 5.5 trở lên hoặc tương đương);đồng thời được trang bị đầy đủ những kỹ năng như làm việc nhóm, giao tiếp, phân tích, giải quyết vấn đề và các công cụ như kỹ năng tin học, tìm kiếm và xử lý thông tin… cần thiết để làm việc và kinh doanh trong môi trường quốc tế đa văn hóa.
Trong phần nội dung chính của tọa đàm, Ban Chủ nhiệm khoa, các giảng viên, điều phối viên chương trình CLC đã trao đổi và làm rõ các tiêu chí liên quan đến: cấu trúc, nội dung, chương trình đào tạo, giảng viên, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên và nhân viên thực hiện chương trình đào tạo cũng như các công tác hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình học.
Tiếp đó, Tọa đàm đã dành thời gian để sinh viên đưa ra câu hỏi, góp ý đối với Khoa và cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề sinh viên hệ CLC quan tâm. Nhiều các câu hỏi được sinh viên đưa ra về nội quy, quy chế học tập thi cử, chính sách đối với sinh viên, sử dụng cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học sinh viên, các chương trình đi thực tế tại doanh nghiệp, các chương trình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp với sự tham gia của các sinh viên, các cơ hội việc làm sau khi ra trường,… đã được đại diện Ban Chủ nhiệm khoa giải đáp, tư vấn thỏa đáng.
Trong lời phát biểu kết thúc, Ban Chủ nhiệm khoa đánh giá cao hiệu quả của buổi tọa đàm và nhấn mạnh những ý kiến đóng góp cởi mở của giảng viên và sinh viên sẽ đóng vai trò tích cực trong việc triển khai thực hiện chương trình đào tạo hệ chất lượng cao của Khoa trong thời gian tới.
>> Tham khảo bài giới thiệu về Mục tiêu của chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại  tại đây.


Vĩnh Bảo Ngọc (Khoa KTQT)