Trang tin tức sự kiện
 
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - ĐHKT: Đóng góp thầm lặng cho sự phát triển

TS. Nguyễn Đức Thành
Trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang diễn biến phức tạp, lạm phát tăng, giá dầu thô, giá nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất tiếp tục tăng cao. Trong nước, thiên tai, thời tiết tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống,… Tình hình đó đã làm giá cả tăng cao, tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta. Vì vậy, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay. TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN đã trao đổi về vấn đề này.


- Tiến sĩ đánh giá như thế nào về hiệu quả của Nghị quyết 11 ban hành ngày 24/2/2011 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát sau 6 tháng thực hiện?

Nghị quyết 11 được xây dựng rất khẩn trương và được đưa vào thực tế cũng rất khẩn trương, quyết liệt. Đối với các thị trường và toàn bộ nền kinh tế, điều này là tín hiệu rõ ràng cho thấy sự nhìn nhận và thừa nhận kịp thời của Chính phủ về các vấn đề kinh tế vĩ mô căn bản của năm, phần nào thể hiện và tạo nên thế chủ động về chính sách của Chính phủ trong cả năm. Điều này tạo ra một hiệu ứng tâm lý tốt đối với thị trường, giúp ngăn chặn nhanh các yếu tố tâm lý bất lợi đang lan toả.

Nghị quyết 11 cũng là một dấu hiệu thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế phức tạp hiện nay. Có thể nói, trong giai đoạn 6 tháng từ khi Nghị quyết 11 ra đời, thị trường và người dân đã coi đó như một dây neo về định hướng chính sách của Chính phủ, tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện các giải pháp chính sách tiếp theo.

Thêm vào đó, các biện pháp cứng rắn trên thị trường ngoại hối được đưa ra ngay sau khi Nghị quyết 11 ra đời, đã giúp bình ổn tỉ giá danh nghĩa trong một thời gian tương đối dài, đã tạo thêm dư địa cho chính sách tiền tệ những tháng sau đó.

Việc cắt giảm tín dụng phi sản xuất, được hiểu là tín dụng cho khu vực bất động sản và đầu tư chứng khoán, đã giúp hạ nhiệt các thị trường này, đặc biệt là thị trường bất động sản. Mặc dù sau 6 tháng, thị trường chứng khoán và bất động sản đã trải qua một giai đoạn đi xuống khá sâu, thậm chí có người lo ngại có thể xảy ra đổ vỡ trên thị trường bất động sản, nhưng trên thực tế, điều này là cần thiết nhằm tạo dư địa cho các công cụ tiền tệ khác trong những tháng vừa qua.

Nói chung, việc triển khai Nghị quyết 11 rõ ràng có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đời sống xã hội, có tác dụng kiềm chế bất ổn vĩ mô. Mặc dù không hoàn toàn giải quyết được mọi vấn đề, nhưng những biện pháp đưa ra đã tạo được một số nền tảng quan trọng cho một môi trường tâm lý ổn định hơn, đồng thời cho thấy những giai đoạn đầu tiên về một tư duy mới trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ dựa trên tăng trưởng tín dụng và đầu tư công dễ dãi sang một mô hình thận trọng hơn.

- Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã góp phần vào việc thực hiện Nghị quyết 11?

Trong 3 năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách liên tục có nhiều nghiên cứu về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và đóng góp những khuyến nghị chính sách nhằm bình ổn kinh tế vĩ mô. Những thảo luận chuyên môn của nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm được thể hiện qua các cuộc họp, hội thảo về chính sách, cũng như qua phương tiện truyền thông đại chúng.

Riêng đối với việc hình thành Nghị quyết 11, chúng tôi có vinh dự cùng tham gia trong một khâu nhỏ của quá trình chuẩn bị ra văn bản cuối cùng. Có việc đó là vì trước khi ra phiên bản hoàn thiện của Nghị quyết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có triệu tập một cuộc họp với các nhà kinh tế hàng đầu nhằm góp ý cho nội dung văn bản. Khi đó, ông Trương Đình Tuyển có giới thiệu tôi với Văn phòng Chính phủ để đưa vào danh sách tham dự cuộc họp. Cuộc họp do Thủ tướng chủ trì, với sự có mặt đầy đủ của các Phó thủ tướng và một số lãnh đạo các bộ có liên quan trực tiếp, như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội,… Về phía các chuyên gia kinh tế, tôi thấy có đủ mặt các chuyên gia cao cấp và lão thành, tất cả khoảng 15 người.

Trong cuộc họp, Thủ tướng đều chỉ định từng người phát biểu. Các ý kiến đóng góp khá đa dạng. Trong cuộc họp, tôi có thay mặt Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đề xuất các vấn đề liên quan đến công cụ và mức độ cụ thể của việc kiểm soát cung tiền, cũng như việc phải thực hiện nghiêm túc chính sách lãi suất tái chiết khấu (cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ để tránh hiện tượng tài trợ nợ công qua Ngân hàng Nhà nước).

Trong cuộc họp có ý kiến cho rằng nên thực hiện kết hối các tài khoản của doanh nghiệp trong ngân hàng để chống đôla hóa, tăng nguồn cung đôla cho hệ thống. Tôi có phản biện rằng về cơ bản không nên thực hiện kết hối, và nếu bất đắc dĩ phải kết hối thì chỉ nên thực hiện với các doanh nghiệp nhà nước vì họ thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chính phủ. Có ý kiến của một nhà kinh tế Việt kiều lo ngại dự trữ ngoại hối của ta quá yếu, nên cân nhắc biện pháp sử dụng nguồn hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ trong Sáng kiến Chiang Mai. Tôi cũng trao đổi cho rằng điều này sẽ gây một tâm lý rất không tốt và khó kiểm soát được tình hình, và chúng ta chưa cần phải thực hiện biện pháp đó. Về điều này thì ngay sau đó Thủ tướng cũng kết luận luôn là sẽ không đề cập gì đến biện pháp Chiang Mai trong bối cảnh hiện thời.

Thực chất thì để một chính sách được hình thành và thực hiện, cần có sự trao đổi và cân nhắc của rất nhiều người qua một thời gian đủ dài. Chúng tôi tin rằng việc tác động đến chính sách cần mất nhiều thời gian, qua nhiều kênh và mức độ khác nhau. Đây cũng là triết lý của chúng tôi khi thực hiện nghiên cứu và gây ảnh hưởng về chính sách. Chúng tôi hướng tới sự thay đổi từ từ về nhận thức, bắt nguồn từ những chi tiết nhỏ, nhưng mang tính nguyên lý có tính nhất quán cao.

- Kế hoạch của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trong thời gian tới có góp phần phân tích, tư vấn chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội?

Như tôi vừa nói, quan điểm của chúng tôi về vai trò của công việc nghiên cứu và tư vấn chính sách đòi hỏi một thời gian dài để đạt được những kết quả, hiệu ứng nhất định. Do đó, dự định của Trung tâm trong việc góp phần phân tích, tư vấn chính sách nói chung, cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nói riêng, được thể hiện dưới nhiều tuyến nghiên cứu, phát triển khác nhau. Tuy nhiên, về nền tảng thì chúng tôi vẫn đang từ từ xây dựng một chương trình nghiên cứu chiến lược về chính sách kinh tế vĩ mô cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Đây là một trong những chương trình nghiên cứu chiến lược của ĐHQGHN. Nội dung của chương trình khá lớn và tham vọng, với một tầm nhìn tương đối dài. Mục tiêu chính là xây dựng một hệ thống lý thuyết, quan điểm về nền kinh tế Việt Nam, sử dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại, trên cơ sở đó hình thành những chính sách và đối sách phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Một sản phẩm trong chương trình nghiên cứu này là Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam. Trong Báo cáo này, chúng tôi xem xét lại toàn bộ bức tranh kinh tế mỗi năm và thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu về những chủ đề kinh tế quan trọng trong bối cảnh hiện thời. Trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp chính sách tương thích với điều kiện của nền kinh tế Việt Nam, với mục tiêu hướng nền kinh tế đến một nền kinh tế thị trường hiệu quả, phát triển và hội nhập kinh tế sâu rộng. Sau 3 năm hoạt động, chúng tôi đã liên tục cho ra đời ba Báo cáo Thường niên, và các công trình này ngày càng hiện diện rõ nét trong đời sống nghiên cứu kinh tế Việt Nam trong và ngoài nước. Chúng tôi vẫn duy trì thực hiện những báo cáo tiếp theo, đồng thời huy động các nguồn lực để mở rộng các nhánh nghiên cứu trong chương trình.

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng nghĩ tới việc mở các chương trình đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ có trình độ cao, để đóng góp vào việc bổ sung nguồn nhân lực cho giới nghiên cứu, phân tích và hoạch định chính sách kinh tế ở nước ta.

- Kỳ vọng của Tiến sĩ về kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?

Tôi cho rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ còn phải tiếp tục điều chỉnh trong 6 tháng tới, với những bất ổn nhỏ có thể diễn ra. Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết tâm chuyển đổi sang một mô hình phát triển kinh tế thận trọng và có chất lượng hơn, nền kinh tế sẽ dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững trong trung hạn. Để đạt được điều này cần có một quyết tâm lớn, vì môi trường quốc tế và trong nước hiện thời đã biến đổi rất nhiều so với khi nước ta mới bắt đầu cải cách chuyển sang kinh tế thị trường. Khi đó chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng khâm phục trong tăng trưởng và ổn định kinh tế. Đến giai đoạn này, chúng ta cần định vị lại toàn bộ hiện trạng môi trường quốc tế và nội lực, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam để thực hiện những cải cách mạnh mẽ nhưng phù hợp, để đưa nền kinh tế sang một giai đoạn phát triển mới.


Việt Hà (Bản tin ĐHQGHN, số 246 năm 2011)