Giáo trình Thương mại điện tử: Từ lý thuyết đến ứng dụng không chỉ là cuốn sách hàn lâm phục vụ giảng dạy, học tập, mà còn là cẩm nang dành cho những ai mong muốn ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh vốn đang bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Việt Khôi
Năm xuất bản: 2020
Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội
ISBN: 9786043003505
Khổ sách: 16×24 cm
“Thương mại điện tử là xu thế tất yếu. Tham
gia hoặc tụt hậu phụ thuộc vào hành động từ hôm nay” – với nhận định đó, tác giả
đã cố gắng đưa vào cuốn sách này những điều căn bản và cần thiết nhất với những
ví dụ thực tiễn cập nhật nhằm phục vụ độc giả và các bạn quan tâm theo dõi. Cuốn sách bao gồm 07 nội dung lớn như sau:
Chương 1: Tổng quan thương mại điện tử
Chương này trình bày các khái niệm quan trọng
nhất về thương mại điện tử; lịch sử hình thành và phát triển của thương mại điện tử
trên nền tảng Web 1.0 và 2.0; các yếu tố ảnh hưởng tới thương mại điện tử; môi trường thực hiện thương mại điện tử; các thành phần tham gia vào thế giới số; các mô hình tham gia thương mại điện tử; những lợi ích và hạn chế của thương mại điện
tử.
Chương 2: Thị trường điện tử: Cấu trúc, công cụ và những
tác động kinh tế
Chương này cung cấp các kiến thức về thị
trường điện tử bao gồm cơ chế hoạt động, các hình thái thị trường, các dạng
tương tác trên thị trường trực tuyến, các công cụ phổ biến được sử dụng khi thực
hiện thương mại điện tử, một số mô hình đặc thù và những vấn đề liên quan đến cạnh
tranh trong thương mại điện tử.
Chương 3: Bán lẻ (B2C) trong thương mại điện tử
Chương
này trình bày các khái niệm và mô hình liên quan đến bán lẻ trực tuyến, mô tả
các sản phẩm phổ biến trên thị trường bán lẻ trực tuyến cũng như cách thức phân
loại bán lẻ trực tuyến và các hình thức kinh doanh đặc biệt trong thị trường này.
Chương 4: Thương mại điện tử B2B (Bán buôn trực tuyến)
Chương này
mô tả các khái niệm, các lợi ích và hạn chế, cũng như các thành phần tham gia
B2B. Đồng thời, chương này cũng bàn về cách thức quản lý các nguồn lực trong
doanh nghiệp (ERP), quan hệ đối tác (PRM), quan hệ khách hàng (CRM), quan hệ với
các nhà cung ứng (SCM) và internet marketing trong B2B.
Chương 5: Chuỗi cung ứng điện tử, thương mại hợp tác và cổng
thông tin
Chương này
trình bày về chuỗi cung ứng với các khái niệm, loại hình và phương thức quản lý
chuỗi cung ứng (chuỗi cung ứng điện tử), một số công cụ kỹ thuật, các hoạt động
tích hợp chuỗi cung ứng, cổng thông tin doanh nghiệp, môi trường hợp tác và
công cụ hợp tác trực tuyến…
Chương 6: Hệ thống thanh toán điện tử
Chương này
giới thiệu cuộc cách mạng trong thanh toán và bao quát hệ thống thanh toán trực
tuyến với các công cụ phổ biến, đồng thời cung cấp các thông tin chuyên sâu về
séc điện tử, thẻ tín dụng điện tử, ví điện tử và hệ thống thanh toán trực tuyến
giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Chương 7: Hành vi khách hàng và Marketing trên Internet
Chương này đề cập
đến mô hình hành vi khách hàng, hành vi của khách hàng trực tuyến, quy trình ra
quyết định mua hàng, các nhân tố ảnh hưởng quá trình ra quyết định của khách hàng
cùng nhiều vấn đề khác nhằm giúp độc giả hiểu được hoạt động nghiên cứu thị trường
trực tuyến, các phương thức, công cụ dành cho marketing trực tuyến, đặc biệt là
các chiến lược quảng cáo và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên mạng internet.
VỀ TÁC GIẢ:
| PGS.TS. Nguyễn Việt Khôi: Tốt
nghiệp Khoa Kinh tế - ĐHQGHN (2000) và Khoa Công nghệ Thông tin - Đại học Bách
khoa Hà Nội (2001), tác giả bắt đầu hứng thú với các nghiên cứu giao thoa giữa
kinh tế và công nghệ thông tin. Đến
nay tác giả đã có kinh nghiệm hơn 20 năm giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực
thương mại điện tử.
Hiện ông là Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Giáo dục
Quốc tế, Giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Ông đã
có nhiều sách xuất bản và công trình nghiên cứu, đồng thời công bố nhiều bài
báo trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. |