Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hệ thống tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các ngành kinh tế thực phát triển theo hướng xanh hóa thông qua các hình thức tài trợ vốn cho các dự án đầu tư.
Có thể
nói, tài chính - ngân hàng và kế toán xanh chính là 3 trụ cột quan trọng của
chiến lược tăng trưởng xanh. Kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy mặc dù
các ngân hàng thương mại Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc
cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng xanh, song trên thực tế vẫn còn tồn
tại rất nhiều rào cản và thách thức trong quá trình triển khai các dịch vụ này
ở Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu bài học kinh nghiệm của các nước trên thế
giới và trong khu vực về hệ thống tài chính - ngân hàng xanh thu hút được sự
quan tâm lớn của các nhà quản trị ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hoạch
định chính sách và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, kế toán xanh hay kế toán môi
trường cũng là một lĩnh vực nghiên cứu mới tại Việt Nam và trên thế giới
trong những năm gần đây nhằm định hướng các doanh nghiệp sử dụng tài nguyên một
cách có hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Doanh nghiệp
là một tác nhân quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh, hoạt động đầu tư
của doanh nghiệp cần được định hướng gắn với các cam kết về môi trường hoặc ghi
nhận đầy đủ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường. Do vậy,
việc nâng cao nhận thức của nhà quản trị doanh nghiệp trong việc dự báo và đánh
giá các tác động đến môi trường sẽ có đóng góp quan trọng vào sự thành công của
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Chính vì những lí do trên, nhóm nghiên cứu xin trân
trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách chuyên khảo “Tài chính - Ngân hàng - Kế toán xanh, Kinh nghiệm Quốc tế và hàm ý cho
Việt Nam”.
Cuốn sách được biên soạn với kết cấu gồm 08 chương. Chương
1 và chương 2 nghiên cứu kinh nghiệm phát triển hệ thống tài chính xanh và mô
hình ngân hàng xanh tại một số quốc gia, trên cơ sở đó, đề xuất khuyến nghị
chính sách và các điều kiện nhằm phát triển hệ thống tài chính xanh và mô hình
ngân hàng xanh ở Việt Nam.
Xu hướng nghiên cứu về ngân hàng xanh, kinh nghiệm
quốc tế và vai trò của các trường đại học ở Việt Nam trong việc định hướng
nghiên cứu, đào tạo về phát triển hệ thống ngân hàng bền vững được thảo luận
trong chương 3.
Chương 4 nghiên cứu các thông lệ quốc tế phổ biến nhất
về ngân hàng xanh, đồng thời khảo sát thực trạng xây dựng ngân hàng xanh tại
Việt Nam nhằm đề xuất các điều kiện xây dựng mô hình này tại Việt Nam.
Chương 5 và chương 6 đánh giá thực trạng khung khổ
pháp lý về ngân hàng xanh tại Việt Nam, khảo sát thực trạng hoạt động đầu tư
xanh và sử dụng vốn tín dụng xanh tại Việt Nam, trên cơ sở đó, đề xuất các
khuyến nghị chính sách nhằm xây dựng và phát triển ngân hàng xanh, hoạt động
tín dụng xanh tại Việt Nam. Công cụ kế toán xanh được nghiên cứu trong chương 7
và chương 8, từ góc độ vĩ mô để đánh giá vai trò của kế toán tài nguyên tự
nhiên trong bối cảnh phát triển bền vững và từ góc độ doanh nghiệp để phân tích
các thuận lợi và rào cản áp dụng kế toán chi phí dòng nguyên vật liệu, công cụ
mới của kế toán quản trị môi trường tại Việt Nam.
Trong quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới sau
khủng hoảng, nhiều quốc gia đã cân nhắc việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh
tế sang hướng “xanh” hơn. Theo kinh nghiệm của các quốc gia, một trong những tiền
đề để hình thành kinh tế xanh là thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tài chính
xanh trên cơ sở xem xét một số khuyến nghị sau:
Thứ nhất,
Chính phủ các nước cần xem xét điều chỉnh hệ thống luật pháp hiện hành và xây
dựng các quy định mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế theo xu hướng phát triển
hệ thống tài chính xanh. Hệ thống tài chính xanh có nhiều đặc điểm khác biệt so
với hệ thống tài chính hiện nay, do đó, cần nâng cao năng lực quản lý của các
cơ quan nhà nước và đầu tư nhằm hỗ trợ quản lý hệ thống tài chính xanh.
Thứ
hai, xét trên phương
diện vĩ mô, việc triển khai hệ thống tài chính xanh cho phép các đối tượng hoạt
động trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ thuộc chính quyền, doanh nghiệp, hiệp
hội, tổ chức đào tạo,… trong phạm vi quyền hạn của mình sẵn sàng tạo lập một
môi trường có khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính cần thiết để tạo
điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền
kinh tế xanh.
Thứ
ba, xét trên phương
diện vi mô, cần đánh giá hệ thống tài chính xanh dưới góc độ lợi ích và chi
phí. Mục tiêu hoạt động chính của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận. Tuy
nhiên, thực tế cho thấy một số dự án đem lại lợi nhuận cao nhất cho doanh
nghiệp nhưng lại gây tác hại lớn cho môi trường, do đó, không tạo ra lợi ích
lớn nhất cho xã hội. Như vậy, mục tiêu xây dựng mô hình tài chính xanh cần
hướng tới việc giảm bớt hoạt động sản xuất và tiêu dùng sản phẩm có hại cho môi
trường và gia tăng hoạt động sản xuất, tiêu dùng hàng hóa sạch và thân thiện
với môi trường.
Thứ
tư, mô hình tài chính
xanh cần hỗ trợ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng thông qua
việc thay đổi thói quen tiêu dùng. Đối với đại đa số người tiêu dùng ở các nước
phát triển thì giá và đặc tính của hàng hóa, dịch vụ không phải là yếu tố duy
nhất mà họ cân nhắc trong các quyết định mua sắm và sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Thay vào đó, họ xem xét tới yếu tố đạo đức và trách nhiệm xã hội của nhà cung
cấp như cách thức sản xuất sản phẩm, sự an toàn của môi trường sản xuất, tỷ lệ
sử dụng lao động trẻ em hoặc các vấn đề pháp lý có liên quan. Nếu còn tồn tại
những vấn đề như vậy thì người tiêu dùng sẽ không mua hay sử dụng hàng hóa và
dịch vụ đó kể cả khi chúng được bán với mức giá thấp. Thay vào đó, người tiêu
dùng sẽ gia tăng nhu cầu đối với các hàng hóa và dịch vụ “xanh”, đẩy thị trường
đạt tới điểm cân bằng mới làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ “xanh”. Mặt khác, Chính
phủ có thể cung cấp trợ giá cho các hàng hóa và dịch vụ này, từ đó góp phần
khuyến khích doanh nghiệp cung cấp và sản xuất các dịch vụ và hàng hóa “xanh”.
Thứ năm, trong điều kiện của Việt Nam, để thực hiện chính
sách thu “xanh” nhằm bổ sung NSNN cho tăng trưởng bền vững cần phải đánh giá, rà soát
lại cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật, đặc biệt là những quy định liên
quan đến bảo vệ môi trường nhằm tăng nguồn thu hiện hành. Hiện nay, mặc dù Việt
Nam đã ban hành nhiều chính sách thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, nghị
định thu phí nước thải, chi trả dịch vụ môi trường, bồi hoàn thiệt hại môi
trường,.., tuy nhiên những văn bản này còn nhiều bất cập và chồng chéo, nhất là
Luật thuế bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên. So với các nước khác, thuế suất
tài nguyên của nước ta còn thấp, nhất là đối với các kim loại quý hiếm nên cần thiết
phải điều chỉnh tăng mức tính thuế và phí môi trường cho phù hợp.
Khi điều chỉnh hoặc ban hành các quy định về thuế và phí bảo vệ môi
trường, cần cân nhắc một số vấn đề sau đây: (i) Quy mô đánh thuế phải rộng bao
hàm toàn diện quy mô thiệt hại về môi trường, nhằm vào mọi hành động gây ô
nhiễm và không nên có hoặc chỉ hạn chế rất ít trường hợp được miễn trừ; (ii)
Mức thuế suất phải được xây dựng dựa trên cơ sở đáng tin cậy, trong đó mức thuế
suất ít nhất phải bằng chi phí biên để xử lý ô nhiễm; (iii) Số thu về thuế môi
trường phải hỗ trợ giảm bớt số thu từ các loại thuế khác; (iv) Cần cân nhắc tác động của thuế với những
chính sách khác và sử dụng kết hợp với các công cụ chính sách khác để phát huy
tính hiệu lực.
Thứ sáu, cần xây dựng các chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế, phí cho
vay tài chính phù hợp cho khu vực doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp
đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, việc làm xanh để tạo ra thế
mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Điều này là cần thiết
vì các chi phí xây dựng, xử lý hệ thống giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc để
sản xuất sạch thường khá lớn, gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp muốn
triển khai những hệ thống này, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn
chiếm đa số trong nền kinh tế Việt Nam. Mặt khác, các ưu đãi về thuế hiện nay
chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thông tin chung về sách:
- Tên sách: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán xanh: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam
- Chủ biên: PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú; TS. Nguyễn Thị Hương Liên,
Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội.
- Tập thể tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Huệ, Trường Đại học
Kinh tế Quốc
dân; TS. Phạm Minh Tú, Học viện Chính sách và
Phát triển; TS. Nguyễn Thị Phương Dung, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội;
TS. Trần Thị Vân Anh, TS. Nguyễn Phú Hà, TS. Phạm Ngọc Quang, TS. Tô Lan
Phương - Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội.
- Nhà
xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội
- Khổ
sách:
16 x 24 cm
- Loại bìa: Bìa mềm
- Thời
gian xuất bản: Năm 2017
- Số
trang: 263 trang
- ISBN: 978-604-67-0810-0
________________
Nơi
phát hành:
Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật
70
Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ban
biên tập: (024) 39421132