Trang tin tức sự kiện
 
Trò chuyện với sinh viên thủ khoa Khoa Kinh tế ĐHQGHN

Sinh viên Lê Thị Như Quỳnh
Tại lễ trao bằng tốt nghiệp đại học vừa qua, sinh viên Lê Thị Như Quỳnh (K46 CLC, ngành Kinh tế chính trị) đã vinh dự là Thủ khoa Khoa Kinh tế và là 1 trong 7 sinh viên của ĐHQGHN được nhận Bằng khen và phần thưởng của Giám đốc ĐHQGHN. Nhân dịp này, phóng viên Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc trò chuyện với sinh viên Lê Thị Như Quỳnh.


PV: Xin chúc mừng em đã tốt nghiệp đại học với danh hiệu Thủ khoa Khoa Kinh tế ĐHQGHN. Em có thể kể đôi điều về mình được không?
SV Lê Thị Như Quỳnh: Em may mắn được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình tri thức, cả hai bên gia đình nội ngoại đều có truyền thống học tập. Có thể nói bố mẹ rất tin tưởng vào em, nên trong suốt quá trình học tập, phần lớn các quyết định học tập đều do em tự đưa ra và lựa chọn. Rất may mắn là em luôn được sự ủng hộ của bố mẹ và người thân trong gia đình.
Cấp 1 em theo học tại trường Tiểu học Đặng Trần Côn. Cấp 2 và 3 đều theo học tại trường Marie Curie. Có lẽ sẽ có nhiều người có cái nhìn không mấy thiện cảm về các trường dân lập, nhưng em lại cảm thấy mình thật may mắn khi được học tập và sinh hoạt tại đây, nơi em đã chọn sau khi tốt nghiệp cấp 1, chỉ với lý do khá ngộ nghĩnh và trẻ con: vào thời điểm đó tại Hà Nội chỉ có duy nhất trường Marie Curie là loại hình nhà trường có xe đưa đón học sinh đi học... và em thích như vậy. Nhưng đây cũng chính là ngôi trường mà em yêu quý nhất, nơi đã tạo cho em một phong cách học tập độc lập, một sự quyết tâm không ngừng nghỉ khi làm bất cứ một công việc gì, và một tính cách dạn dĩ, độc lập, tự tin trong công tác đoàn đội cũng như các hoạt tập đoàn thể. Trong suốt 12 năm học cấp 1, 2 và 3, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc và trong suốt 7 năm học phổ thông, em đã giành được học bổng do trường trao tặng.
Tham gia các hoạt động của Đoàn và Đội cũng như các hoạt động tập thể đã trở thành một trong những phần không thể thiếu trong cuộc sống của em. Được thầy cô và bạn bè tin tưởng, trong nhiều năm liền, bắt đầu từ những năm học vỡ lòng đến những năm cấp 3, em đã từng đảm nhận vai trò lớp phó, lớp trưởng, bí thư chi đoàn..., tham gia hoạt động trong liên đội và liên chi đoàn. Và cũng rất may mắn, được sự giúp đỡ của thầy cô và bè bạn, em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
PV: Lý do gì khiến em chọn Khoa Kinh tế - ĐHQGHN làm nơi để học tập, rèn luyện - chuẩn bị hành trang kiến thức cho tương lai của mình?
SV Lê Thị Như Quỳnh: Kinh tế luôn là một trong những vấn đề cốt yếu trong quá trình phát triển của một đất nước, một xã hội. Tìm hiểu các hoạt động và các nguyên lý kinh tế luôn là niềm khao khát của em ngay từ khi còn nhỏ. Học kinh tế tức là không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn làm giàu cho gia đình và xã hội. Hơn nữa, do gia đình có nhiều người theo học ngành này nên em được tạo những điều kiện vô cùng thuận lợi trong quá trình học tập. Khoa Kinh tế là một khoa trực thuộc ĐHQGHN, đào tạo rất cơ bản về mặt chuyên môn với đội ngũ các thầy, cô giáo giàu kinh nghiệm, cũng là nơi có phong trào đoàn thể sôi nổi và tích cực. Em chọn Khoa Kinh tế ĐHQGHN vì khoa có thể giúp em phát huy tốt năng lực học tập cũng như hoạt động đoàn thể của mình. Bên cạnh đó, được học tập và rèn luyện tại lớp chất lượng cao đã đem lại rất nhiều cơ hội cho em trong việc nâng cao kiến thức của mình.
PV: Em có thể nói đôi điều về quá trình học tập của mình ở bậc đại học được không?
SV Lê Thị Như Quỳnh: Bước vào giảng đường đại học, tuy còn nhiều mới mẻ và bỡ ngỡ, nhưng em luôn quyết tâm đạt được những mục tiêu mình đã đặt ra, bởi vậy, em đã luôn cố gắng để làm tốt các nhiệm vụ trong học tập cũng như trong các công tác Đoàn - Hội (tuy nhiên từ sau năm thứ 2, do điều kiện hạn chế về thời gian, em đã xin rút tên khỏi các công tác đoàn thể mà chỉ tham gia với vai trò là một sinh viên).
Trong 4 năm học tập và rèn luyện tại Khoa Kinh tế, em luôn đạt kết quả tốt trong học tập, trong đó có năm thứ 1, năm thứ 3 đạt loại giỏi, năm thứ 2 và thứ 4 đạt loại xuất sắc và tổng kết toàn khoá đoạt loại xuất sắc với điểm trung bình trung học tập là 9,08.
Trong 2 năm học thứ 2 và thứ 3, em đã tham gia phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học do Khoa phát động. Năm thứ hai với đề tài: “Trung Quốc gia nhập WTO và những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam”, em đã đạt giải nhất cấp Khoa và giải nhì cấp ĐHQGHN, đồng thời đạt giải nhì giải thưởng VIFOTEC. Năm thứ 3 em đạt giải khuyến khích nghiên cứu khoa học cấp Khoa với đề tài: “Đa dạng hoá hàng hoá trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Trong 4 năm học tại Khoa Kinh tế ĐHQGHN em đã được tặng Giải thưởng sao tháng Giêng của Hội Sinh viên Việt Nam, Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN năm học 2002-2003, 2003-2004, 2004-2005; Giải nhì NCKH do Bộ Giáo dục & Đào tạo trao tặng; Giải nhì VIFOTEC - Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật trao tặng; Giải thưởng dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, có thành tích cao trong học tập và rèn luyện các năm học 2001-2002, 2002-2003, 2003-2004; Danh hiệu Gương mặt cán bộ Đoàn tiêu biểu do BCH Đoàn thanh niên ĐHQGHN trao tặng...
PV: Vừa học tập tại Khoa Kinh tế - lại học đại học hệ chính quy tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội - em thấy có vất vả lắm không?
SV Lê Thị Như Quỳnh: Vất vả thì dĩ nhiên là có rồi (Cười)… Vấn đề khó khăn nhất đối với em là làm sao sắp xếp tốt về mặt thời gian để có thể tham gia và hoàn thành tốt chương trình học tập của cả hai bên, nhất là khi mà em chọn học tiếng Trung, một ngoại ngữ đòi hỏi khá nhiều thời gian “luyện chữ”. Vất vả nhất phải nói đến những đợt thi, vì đợt thi của cả hai trường trùng nhau. Nhưng như sinh viên Khoa Kinh tế vẫn thường nói, phải xem xét giữa chi phí và lợi ích, em cảm thấy những gì em thu hoạch được xứng đáng rất nhiều so với những vất vả mà em đã trải qua trong suốt 3 năm học qua (kể từ khi bắt đầu tham gia chương trình đào tạo tại ĐHNNHN). Có thêm một ngoại ngữ giúp em cảm thấy mình tự tin hơn, và cũng có ích hơn rất nhiều, nhất là khi em là một fan của phim Hàn Quốc, Trung Quốc… (lại cười), và cũng say mê nền văn hoá, lịch sử Trung Quốc từ nhỏ. Thêm một môi trường mới, có thêm nhiều bè bạn mới, thêm nhiều kiến thức mới, đó là những thứ em đã có được sau những vất vả, khó khăn trong thời gian qua.

PV: Kỷ niệm nào để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời sinh viên của em?

SV Lê Thị Như Quỳnh: Có lẽ đó là chuyến đi thực tế hồi hè năm học thứ 3 của bọn em. Cả đoàn được đến thăm các làng nghề, các nhà máy, xí nghiệp, được tham quan các dây truyền sản xuất... Lần đầu tiên bọn em được chứng kiến các thao tác, dây truyền để sản xuất bao nilon, túi nhựa. Thì ra một cái túi nilon nhỏ bé mà mình dùng thường ngày cũng phải qua nhiều công đoạn đến vậy mới hoàn thành. Em cảm thấy những người công nhân đó thật tài giỏi, cũng cảm thấy bản thân mình thật nhỏ bé và cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Trong chuyến đi thực tế, em còn kiêm cả nhiệm vụ làm MC bất đắc dĩ, và lần đầu tiên lên sân khấu mà chẳng chuẩn bị gì cả... thậm chí còn giới thiệu bài hát sai nữa chứ, nhưng tình cảm của các đoàn viên - thanh niên, của bà con nơi làng quê ấy thì rất chân thành và nồng nhiệt.
PV: Ra trường rồi, em có dự định gì cho tương lai?
SV Lê Thị Như Quỳnh: Hiện tại, em vẫn còn 1 năm nữa để hoàn thành chương trình học ở Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nên trước mắt, em muốn tìm một công việc part-time (bán thời gian) liên quan đến chuyên môn ngoại ngữ và kinh tế, một mặt giúp em có thể luyện thêm kiến thức đã học, một mặt có thể tích luỹ kinh nghiệm và cọ sát thực tế. Hơn nữa, công việc bán thời gian có những thuận lợi về mặt thời gian để em có thể tiếp tục học lên những chương trình đào tạo cao hơn về kinh tế như thạc sĩ, tiến sĩ.
Em nhận thấy mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc học tập và rèn luyện tiếng Anh, nên em cũng sẽ dành nhiều thời gian cho các khoá học nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình.
PV: Được nhận tấm bằng tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa, em có suy nghĩ gì?
SV Lê Thị Như Quỳnh: Ngày lễ nhận bằng là ngày lễ đánh dấu một sự kiện quan trọng trong cuộc đời của mỗi một sinh viên, và điều đó cũng không ngoại lệ đối với em. Đó là một cái mốc đánh dấu 4 năm học tập và rèn luyện tại trường đại học, đồng thời cũng làm mốc đánh dấu sự trưởng thành của em, em bắt đầu sẽ phải sống và làm việc một cách độc lập. Bước lên sân khấu để nhận bằng em chợt có một chút cảm giác bâng khuâng và nuối tiếc, vì cảm thấy thời gian trôi qua nhanh quá. Thấm thoắt đã 4 năm bạn bè gắn bó bên nhau trong cuộc sống. Ra trường và làm việc rồi, cuộc sống có nhiều thay đổi, suy nghĩ cũng có nhiều thay đổi, áp lực sẽ nhiều hơn... nên nhìn lại những gương mặt bạn bè quen thuộc, em cảm thấy bâng khuâng lắm, và hy vọng sau nhiều năm nữa, khi gặp lại, chúng em sẽ vẫn là một tập thể lớp biết yêu thương và đoàn kết - một lớp 13 sinh viên và toàn là nữ!!! Cũng hy vọng mỗi một thành viên trong lớp em có thể đứng vững trên con đường mà mình lựa chọn. Bâng khuâng, lưu luyến, nhưng có lẽ trong em lúc đó nhiều nhất là sự quyết tâm. Quyết tâm với tương lai và những gì đợi em ở phía trước.
4 năm, một khoảng thời gian không phải là dài, nhưng đủ để em cảm thấy mình độc lập và trưởng thành hơn. Được sinh hoạt và rèn luyện tại môi trường Khoa Kinh tế, em được sống trong sự quan tâm dạy dỗ, hướng dẫn tận tình của các thầy cô, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô trong tổ bộ môn, các thầy cô trong Ban dự án chất lượng cao. Bên cạnh đó, được sống và sinh hoạt với một tập thể lớp chỉ có 13 thành viên nhưng lúc nào cũng tràn đầy tình cảm và tiếng cười làm cho em cảm thấy mình rất hạnh phúc và bớt đi nhiều vất vả. Qua Bản tin ĐHQGHN, em muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới thầy cô, gia đình và bè bạn, những người đã luôn giúp đỡ và ủng hộ em trong suốt những năm vừa qua.
PV: Cảm ơn em. Một lần nữa xin chúc mừng em. Chúc em đạt được mơ ước trên chặng đường phía trước.


Mai Anh (thực hiện) [100 Years-VietNam National University,HaNoi]