Trang tin tức sự kiện
 
Hội thảo Công nghệ mềm trong quản trị - Góc nhìn từ công nghiệp và sáng tạo

Ngày 5/2/2015, Khoa Quản trị kinh doanh (QTKD) Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã phối hợp với các giáo sư đến từ Australia và Nhật Bản tổ chức thành công hội thảo “Công nghệ mềm trong quản trị - Góc nhìn từ công nghiệp và sáng tạo”. TS. Nguyễn Đăng Minh, Phó Chủ nhiệm Khoa QTKD, Phó Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị công nghệ và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì hội thảo.


Tham dự hội thảo, có TS. Kristina Molnar đến từ trường đại học Sydney, Australia; GS. Satoko Suzuki và GS. Takeshi Hiramoto đến từ trường đại học Kyoto, Nhật Bản. Về phía Khoa Quản trị kinh doanh, có TS. Nguyễn Đăng Minh và TS. Phạm Thị Liên - Phó chủ nhiệm Khoa QTKD cùng sự tham dự của các cán bộ, giảng viên khoa QTKD.

Tại hội thảo, các diễn giả đã trao đổi những kiến thức mới liên quan đến công nghệ mềm trong quản trị và chia sẻ những kinh nghiệm của Australia, của Nhật Bản trong việc áp dụng công nghệ mềm vào thực tiễn sản xuất kinh doanh và một số gợi ý cho Việt Nam. Trước tiên, TS. Kristina Molnar đã trình bày tham luận “Quản trị công nghệ mềm - Góc nhìn từ khởi nghiệp và sáng tạo”. Nội dung được trình bày xuyên suốt trong tham luận này chính là khởi nghiệp trong doanh nghiệp. Theo diễn giả, khởi nghiệp không phải chỉ giới hạn vào tạo dựng ngành nghề mới, doanh nghiệp mới mà chính là sự đổi mới, sáng tạo liên tục trong doanh nghiệp. Khởi nghiệp cũng chính là sự kích thích các ý tưởng để tạo thêm giá trị gia tăng mới cho khách hàng. Diễn giả cũng đã trình bày kinh nghiệm đổi mới, sáng tạo của tập đoàn Vidaphone, Australia. Theo đó, để kích thích những ý tưởng đổi mới, sáng tạo, nhân viên trong tập đoàn đã tạm dừng một ngày làm việc trong một tháng để cùng nhau suy nghĩ và đưa ra những ý tưởng sáng tạo mới. Chính điều này đã góp phần mang lại sự sáng tạo mạnh mẽ và giá trị gia tăng cho dịch vụ thông tin của Vidaphone. Sau phần trình bày tham luận của TS. Kristina Molnar, các giảng viên và học giả đã cùng thảo luận và chia sẻ về trường hợp của các doanh nghiệp Việt Nam như của Viettel, FPT và những gợi ý cho doanh nghiệp Việt Nam…

Hội thảo cũng đã nghe bài trình bày của GS. Satoko Suzuki và GS. Takeshi Hiramoto, đến từ trường ĐH Kyoto, Nhật Bản với chủ đề “Dịch vụ sáng tạo (Creative service) mang lại giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp”. Là một nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới với 70% GDP đến từ lĩnh vực dịch vụ, Nhật Bản đã thành công với dịch vụ “creative service” - dịch vụ dựa trên sự hiểu biết tâm lý khách hàng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đúng ý khách hàng và mang lại giá trị gia tăng cao. Với dịch vụ khách hàng truyền thống (low context communication), khách hàng thường chỉ sử dụng những sản phẩm, dịch vụ với chất lượng và giá cả sẵn có. Nhưng với dịch vụ “high context communication”, ý tưởng, mong muốn của từng khách hàng được “thổi” vào trong từng sản phẩm, vì vậy sản phẩm được tạo ra sẽ phù hợp hơn với nhu cầu và thị hiếu khách hàng. Đây chính là một lĩnh vực công nghệ mềm trong quản trị - công nghệ sáng tạo dựa trên khai thác dịch vụ sáng tạo. Sau khi trình bày xong tham luận, các diễn giả và các giảng viên của Khoa QTKD đã thảo luận và chia sẻ về dịch vụ sáng tạo - creative service với tình huống của Hello Kitty và một số công ty khác. Vấn đề đưa dịch vụ sáng tạo vào các doanh nghiệp Việt Nam cũng được các giảng viên thảo luận sôi nổi.

Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Minh khẳng định, Quản trị công nghệ mềm đang trở thành một xu hướng mới và là vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà quản lý, các lãnh đạo và các tổ chức, doanh nghiệp. Hội thảo đã góp phần giúp các giảng viên Khoa QTKD có thêm cơ hội tiếp cận với phương thức quản lý tiên tiến của các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản và Australia. Trong thời gian tới, Khoa QTKD sẽ tiếp tục tổ chức thêm các hội thảo về quản trị công nghệ mềm dưới nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau.

Các đại biểu trao đổi và thảo luận tại hội thảo.

Đặng Hương (K.QTKD)