Trang tin tức sự kiện
 
Hội nhập kinh tế Đông Á và hàm ý cho doanh nghiệp Việt Nam

Ngày 22/08/2015, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKT) phối hợp với Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế đồng tổ chức Hội thảo Hợp tác và Hội nhập Kinh tế quốc tế 2015 (CIECI 2015): “Hội nhập kinh tế Đông Á và hàm ý cho doanh nghiệp Việt Nam” tại Hà Nội với sự tài trợ của Quỹ Friedrich Naumann Stiftung Für Die Freiheit (FNF) và Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation).


Tham dự hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT, TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, ông Trịnh Minh Anh - Đại diện Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế, ông Hans-Georg Jonek - Trưởng đại diện Quỹ Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam, đại diện Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) cùng đại diện các cơ quan Chính phủ, các bộ ngành, viện nghiên cứu, các trường đại học khối kinh tế, kinh doanh và quản lý và các doanh nghiệp.


PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, thông qua tham luận của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đại diện cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, hội thảo đã cung cấp một diễn đàn cho các học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như doanh nghiệp Việt Nam thảo luận về quá trình hội nhập Đông Á; phân tích những cơ hội và thách thức của hội nhập đối với các doanh nghiệp Việt Nam và đề ra những gợi ý chính sách đối với chính phủ và doanh nghiệp để Việt Nam hội nhập vào khu vực một cách hiệu quả.

Hội thảo được chia làm hai phiên thảo luận. Phiên đầu tiên tập trung vào vấn đề hội nhập kinh tế ở khu vực Đông Á. Phiên thảo luận này phân tích sâu về thực trạng thương mại và đầu tư trong ASEAN+3 (ASEAN và 3 quốc gia ở Đông Bắc Á, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản), trong đó nổi bật là sự hình thành mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong các ngành như phương tiện vận tải, điện tử, dẫn tới sự gia tăng thương mại nội ngành nói riêng và tổng giá trị thương mại nói chung. Phiên thảo luận này cũng phân tích mức độ ảnh hưởng của EPAs (FTAs - Hiệp định thương mại tự do) của Nhật Bản trong việc giảm các rào cản giữa các đối tác. Một số EPAs dường như mang tính hình thức (như Nhật Bản - Singapore), trong khi một số EPAs khác có tác động thực chất hơn (như Việt Nam - Nhật Bản, 2008).


TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT trình bày tham luận tại hội thảo


Phiên thứ hai của hội thảo đưa trọng tâm vào những hàm ý cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế Đông Á. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+3. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản được đánh giá là những nền kinh tế mạnh, có thị trường rộng lớn sẽ mở rộng cơ hội cho các hoạt động thương mại và đầu tư với Việt Nam. Song những thách thức cạnh tranh gay gắt từ các hàng hóa của các nước trong khu vực đặc biệt là Trung Quốc, các hàng rào kỹ thuật cao của Nhật Bản và Hàn Quốc... vẫn là những trở ngại đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đối với một ngành cụ thể như ngành công nghiệp ô tô, nếu không đổi mới để cạnh tranh, phát triển công nghiệp phụ trợ, sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức từ tiến trình hội nhập.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp đến từ các đại biểu tham dự. TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, trong đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trên mọi mặt (năng suất, chất lượng, hiệu quả…) nhằm phù hợp với điều kiện hội nhập là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã đưa ra những câu hỏi đối với các tham luận của các diễn giả tại hội thảo, xung quanh các vấn đề như: Nhân tố mang tính quyết định đối với việc thúc đẩy quá trình hội nhập ASEAN+3, tại sao Việt Nam gia nhập quá nhiều EPAs trong khi nguồn lực có hạn, liệu các EPAs có ảnh hưởng lẫn nhau?

Sau đây là một số hình ảnh của hội thảo:


Ông Hans-Georg Jonek - Trưởng đại diện Quỹ Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam


Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo các đại biểu



Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại hội thảo.

___________________

Thông tin liên quan:


Vũ Thanh Tú