Trang tin tức sự kiện
 
Khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

Sáng 15/12/2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề: “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” đã được khai mạc.


Hội thảo do Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu mối tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu lớn như: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước cùng hơn 1.000 đại biểu đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc tại hội thảo 
 
 Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Phát triển nhanh là cần thiết nhưng cần phải chú trọng đến các yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững, để xây dựng Việt Nam tuy không giàu về vật chất bằng nhiều nền kinh tế khác trên thế giới nhưng giàu về văn hóa và người dân luôn cảm thấy hạnh phúc. Để làm được điều đó, rất cần những luận cứ khoa học. Phó Thủ tướng tin tưởng rằng với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học tại hội thảo lần này sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị hữu ích, thiết thực cho công tác hoạch định và tổ chức chính sách của Việt Nam.

Trong diễn văn khai mạc, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nếu các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì hội thảo lần này tập trung vào các lĩnh vực rộng lớn hơn, hướng tới việc tư vấn cho các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam giải quyết tốt nhất các vấn đề thuộc phạm vi rộng lớn hơn, gồm cả các vấn đề khoa học và chuyển giao công nghệ. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 834 bản báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn, trong đó có gần 150 báo cáo của các học giả nước ngoài.

Sau phiên khai mạc toàn thể, các đại biểu tham gia thảo luận các nội dung tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn tại các tiểu ban: Tiểu ban 1: Ngoại giao và hợp tác; Tiểu ban 2: Nguồn lực văn hóa; Tiểu ban 3: Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Tiểu ban 4: Chuyển giao tri thức và công nghệ; Tiểu ban 5: Kinh tế và sinh kế; Tiểu ban 6: Biến đổi khí hậu. 

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là đơn vị chủ trì Tiểu ban 5: Kinh tế và sinh kế do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường làm Trưởng Tiểu ban.

 
 

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT (ngồi giữa) chủ trì phiên làm việc của Tiểu ban 5 Kinh tế và sinh kế

 

Tại phiên làm việc của Tiểu ban 5, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Tiểu ban đã nhận được 270 bài tóm tắt, 220 bài nghiên cứu toàn văn, trong đó có 150 bài đạt yêu cầu để có thể đăng tải trong các số của Tạp chí Khoa học ĐHQGHN.

Nội dung của các bài viết tập trung vào 3 lĩnh vực chính là kinh tế, kinh doanh và sinh kế. Trong khuôn khổ của thời gian cho phép, Tiểu ban đã lựa chọn 22 bài trình bày tại hội thảo với một phiên chung trong ngày đầu tiên của hội thảo và 2 phiên riêng biệt trong ngày thứ hai của hội thảo. Đặc biệt, trong số các diễn giả sẽ trình bày có các nhà khoa học nổi tiếng như GS. Hausmann đến từ Đại học Harvard (Hoa Kỳ), GS. Trần Văn Thọ - Đại học Waseda (Nhật Bản), GS. Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore (Singapore), GS. Ohno - Viện Sau đại học Quốc gia về Nghiên cứu chính sách (GRIPS - Nhật Bản), PGS.TSKH Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam…

Phải nói rằng, số lượng bài viết phong phú, đa dạng và có chất lượng cao. Số lượng các nhà khoa học đăng ký tham dự đông đảo, đặc biệt là có các học giả nổi tiếng cũng như các nhà hoạt động thực tiễn cả trong và ngoài nước tham dự viết bài và trình bày tại hội thảo. Các vấn đề được đề cập là những vấn đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội, đang được Việt Nam quan tâm và có rất nhiều khuyến nghị chính sách có tính tham khảo cao và rất hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách” - PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

 
 

Phiên làm việc của Tiểu ban Kinh tế và sinh kế thu hút sự quan tâm của đông đảo các học giả trong và ngoài nước

Theo kế hoạch, hội thảo sẽ tiếp tục đến hết chiều ngày 16/12/2016. Kết quả của hội thảo sẽ được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia.

 
______________
 

Lương Hường


Các tin khác