Trang tin tức sự kiện
 
Hội thảo Phát triển và quản lý thương mại biên giới Vùng Tây Bắc: Thực trạng và các vấn đề đặt ra

Ngày 24/3/2017, tại thành phố Hà Giang, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo Quốc gia “Phát triển và quản lý thương mại biên giới Vùng Tây Bắc: Thực trạng và các vấn đề đặt ra”.


Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển và quản lý thương mại (hàng hóa và dịch vụ) biên giới vùng Tây Bắc” (KHCN-TB.18X/13-18) thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc). Quỹ Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) đồng tài trợ tổ chức hội thảo.

Tham dự hội thảo, về phía các bộ, ngành, địa phương, có bà Hà Thị Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, TS. Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi, Bộ Công thương; Ông Đỗ Văn Mai - Vụ Trưởng Vụ Biên giới Việt Trung, Uỷ Ban Biên giới quốc gia, Bộ ngoại giao, cùng đại diện lãnh đạo Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh vùng Tây Bắc. Về phía nhà tài trợ có đại diện Chương trình Tây Bắc và Quỹ FNF. Về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu và các học giả đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu.

 

 
TS. Nguyễn Anh Thu phát biểu khai mạc hội thảo
 

Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Thu đã gửi lời cảm ơn tới Chương trình Tây Bắc, UBND tỉnh Hà Giang và Quỹ FNF đã cùng đồng hành với Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong việc tổ chức hội thảo. TS. Nguyễn Anh Thu cũng giới thiệu đến đại biểu các mục tiêu của hội thảo và những nội dung thuộc Đề tài nghiên cứu mà Trường đang triển khai, đồng thời thể hiện mong muốn nhận được những chia sẻ và đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực để có thể nâng cao chất lượng nghiên cứu, từ đó đóng góp một cách thiết thực cho sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, bà Hà Thị Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thương mại biên giới trong việc phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng. Bà cũng hi vọng nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra nhiều đề xuất thiết thực để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại biên giới của vùng. Cùng phát biểu khai mạc, ông Phạm Hùng Tiến - Đại diện Quỹ FNF thể hiện sự vui mừng được hỗ trợ và đồng hành cùng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN trong việc tổ chức hội thảo về chủ đề nghiên cứu thú vị này.

Trong phần 1 “Tổng quan về thương mại biên giới của Việt Nam”, hội thảo được lắng nghe tham luận của các chuyên gia: TS. Nguyễn Văn Hội- Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi, Bộ Công thương về “Quản lý và phát triển thương mại biên giới”; ông Đỗ Văn Mai - Vụ Trưởng Vụ Biên giới Việt Trung về “Bối cảnh mới quốc tế, khu vực và song phương tác động tới phát triển và quản lý thương mại vùng Tây Bắc từ sau phân giới cắm mốc”, TS. Cầm Văn Đoản - Nguyên Vụ trưởng phụ trách Vùng Tây Bắc, Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ về “Phát triển thương mại biên giới nhằm phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc”.

 
 
Các đại biểu tham dự chụp ảnh tại hội thảo
 

Phần 2 của hội thảo tập trung vào thực trạng thương mại biên giới của các tỉnh khu vực Tây Bắc, với tham luận của đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Hà Giang và Sơn La. Các báo cáo viên đã phân tích thực trạng quản lý và phát triển của thương mại biên giới tại địa phương, các nhân tố ảnh hưởng… từ đó đưa ra các giải pháp để phát triển và quản lý thương mại biên giới của tỉnh hiệu quả hơn.

Hội thảo nhận được sự đóng góp ý kiến sôi nổi và tâm huyết của các đai biểu tham dự. Đồng thời, các đại biểu đã chia sẻ, bình luận và bổ sung ý kiến về thực trạng phát triển và thương mại biên giới hiện nay tại vùng Tây Bắc, cũng như đưa ra một số đề xuất liên quan đến việc cải thiện cơ chế chính sách thương mại biên giới, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan … để có thể phát triển bền vững vùng Tây Bắc, từ đó nâng cao chất lượng đời sống của cư dân vùng biên giới.


Thanh Mai (KT&KDQT)