Trang tin tức sự kiện
 
Quản trị theo phong cách Nhật Bản tại châu Á: Vượt qua rào cản văn hóa

Ngày 28/9/2018, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản) và Trường Đại học Việt Nhật - ĐHQGHN tổ chức Hội thảo quốc tế mang chủ đề Quản trị theo phong cách Nhật Bản.


Tham dự hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng ĐHKT, GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật - ĐHQGHN, GS. Matsui Yoshiki và GS. Tanabu Motonari - Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản cùng các diễn giả là các học giả, nhà nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, đại diện cho tổ chức các doanh nghiệp dịch vụ Nhật Bản và Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của gần 100 sinh viên, học viên Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Thủy lợi và những học viên khóa 2,3 của Trường Đại học Việt - Nhật; các nhà nghiên cứu, học giả của các trường đại học: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Trường Đại học Việt - Nhật, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đây là lần thứ ba Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo quốc tế mang chủ đề Quản trị theo phong cách Nhật Bản tiếp nối thành công của hai hội thảo quốc tế năm 2016 và 2017. Năm nay, chủ đề của hội thảo quốc tế là về giới thiệu dịch vụ phong cách Nhật Bản (Omotenashi), tập trung vào ngành khách sạn - du lịch, chia sẻ kinh nghiệm dịch vụ khách hàng tại Nhật Bản và Việt Nam.

 
PGS.TS. Nguyễn Anh Thu phát biểu khai mạc hội thảo 

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn quốc tế kết nối các trường đại học thành viên của ĐHQGHN và các trường đại học, các tổ chức quốc tế. Mối quan hệ hợp tác toàn diện này sẽ mang lại những giá trị to lớn cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu giữa các bên, đồng thời, đưa ra những đề xuất có giá trị thực tiễn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.

 
 GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật

GS. Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật cho biết, chủ đề hội thảo năm nay là một trong những trọng tâm nghiên cứu, đào tạo của ĐH Việt Nhật. Những nghiên cứu, thảo luận tại hội thảo sẽ mang lại kinh nghiệm thực tiễn hữu ích cho sự phát triển của Việt Nam và là cầu nối cho tình hữu nghị của hai dân tộc.

 

Tại hội thảo, các diễn giả đã thảo luận đặc điểm riêng biệt về dịch vụ khách hàng theo phong cách Nhật Bản (omotenashi) thông qua việc chia sẻ thực tiễn kinh nghiệm của Nhật Bản. Hội thảo được chia làm hai phần, phần một là giới thiệu văn hóa ứng xử trong dịch vụ mang phong cách Nhật Bản và phần hai tập trung vào chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng trong dịch vụ khách sạn tại Việt Nam.

Mở đầu hội thảo là phần trình bày của diễn giả Nguyễn Việt Hà - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Kennet Nhật Bản - người đã sống và làm việc ở Nhật Bản 18 năm. Bà phân tích so sánh các đặc thù của phong cách dịch vụ giữa Nhật Bản và Việt Nam, chỉ ra các nét tương đồng để Việt Nam có thể học hỏi nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ IT, viễn thông…

 

Tiếp đó, diễn giả Ichigo Umehara - Chủ tịch tổ chức Future Universal Network of Hospitality Professionals chia sẻ các thành công và thất bại trong việc phát triển dịch vụ khách sạn tại Nhật Bản trong những năm 1990. Ông nhấn mạnh đến việc Nhật Bản mặc dù phải tiêu chuẩn hóa hoạt động dịch vụ theo chuẩn quốc tế nhưng không thể sao chép các mô hình của nước ngoài, mà phải tạo ra phong cách dịch vụ riêng, trong đó dịch vụ đồng nghĩa với sự chăm sóc khách hàng một cách cá nhân hóa và đem lại sự hài lòng của khách hàng. Ông gợi ý Việt Nam nên xây dựng phong cách riêng của dịch vụ chăm sóc khách hàng mang bản sắc Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh đến việc xây dựng các quá trình dịch vụ theo chuẩn quốc tế và đào tạo nhân lực dịch vụ.

 
 
Diễn giả Umehara Ichigo

Diễn giả Ando Noriko - Chủ tịch Espressivo.com giới thiệu một cách sinh động quá trình hiện đại hóa và đổi mới sách tạo phong cách dịch vụ truyền thống Nhật Bản (Omotenashi) thông qua một một cách tiếp cận khoa học, hướng vào xây dựng mới các giá trị dịch vụ, đào tạo nhân viên có khả năng thấu hiểu và cảm thông với khách hàng. Diễn giả cũng chỉ ra xu hướng của phát triển của Omotenashi tại Nhật Bản dựa trên hoạt động quản trị tri thức.

Trong phần hai của hội thảo, người tham dự được lắng nghe TS. Trần Huy Đức đến từ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mô tả kết quả nghiên cứu khoa học nhấn mạnh đến việc phát triển dịch vụ du lịch bền vững, đặc biệt là du lịch điểm đến tại Việt Nam.

 
TS. Trần Huy Đức đến từ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mô tả kết quả nghiên cứu khoa học 
 

Đặc biệt, phần trình bày của diễn giả Roland G. Svensson - Quản lý khách sạn FLC thu hút sự quan tâm và thảo luận của người tham dự. Ông chia sẻ kinh nghiêm của FLC trong xây dựng chiến lược dịch vụ dựa trên việc tuyển dụng và phát triển nhân lực chất lượng cao, trao quyền và ủy quyền cho nhân việc để tạo ra tính tự chủ trong hoạt động phục vụ khách hàng…

 

Sau phần trình bày của các diễn giả, hội thảo tiếp tục nóng lên với các trao đổi, thảo luận giữa các học giả, diễn giả và người tham dự. Các ý kiến trao đổi tập trung vào nhiều vấn đề như áp dụng kinh nghiệm quản lý khách sạn theo phong cách Nhật Bản tại Việt Nam, tương lai của dịch vụ theo phong cách Nhật Bản, phát triển nhân lực cho doanh nghiệp…

 

Hội thảo lần này nằm trong khuôn khổ hợp tác trao đổi khoa học thường niên giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Đại học Quốc gia Yokohama trong đó phía Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ ĐHKT về cung cấp giảng viên Nhật Bản sang giảng dạy ngắn hạn tại ĐHKT, tiếp nhận hơn 80 lượt sinh viên thực tập thực tế và giảng viên Việt Nam sang nghiên cứu ngắn hạn tại Nhật Bản kể từ năm 2012 đến nay.

Trong tương lai, các chủ đề nghiên cứu về Nhật Bản sẽ tiếp tục được Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với các trường đại học thành viên của ĐHQGHN triển khai, đặc biêt trong bối cảnh vấn đề tái cấu trúc kinh tế Việt Nam và phát triển kinh doanh bền vững đang được ngày càng quan tâm và biến thành hiện thực.

___________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN 

Thanh Tú