Trang tin tức sự kiện
 
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê: Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á - Nơi tri thức kết tinh và mở đường cho tư duy kinh tế mới

Diễn ra từ ngày 12/8 đến ngày 15/8/2019, Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á được kỳ vọng sẽ tạo ra một diễn đàn cởi mở, khuyến khích và ươm mầm cho những ý tưởng và tư duy kinh tế mới.


Nhân dịp này, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN - đơn vị đồng tổ chức sự kiện này đã có bài trả lời phỏng vấn với truyền thông về một số nội dung trọng yếu:

- Xin ông cho biết chủ trương, mục đích khi mà Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp tổ chức Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019?

Từ ngày 12/8 đến 15/8/2019, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Chương trình Sáng kiến Học giả trẻ (YSI) thuộc Viện Nghiên cứu Tư duy Kinh tế mới (INET) tổ chức Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019. Đây là Hội nghị Kinh tế trẻ đầu tiên tại Châu Á và là hội nghị khu vực thứ 5 do YSI tổ chức. Các hội nghị trước đây được tổ chức tại châu Âu, châu Mỹ Latinh, châu Phi và Bắc Mỹ.

Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp tổ chức Hội nghị này trước hết với mong muốn sẽ có nhiều học giả, diễn giả, nhà khoa học và bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam, khẳng định rằng đất nước của chúng ta là một điểm đến lý tưởng để cùng trao đổi các vấn đề về khu vực.

Đối với Trường ĐH Kinh tế thì đây là cơ hội tốt để kết nối về mặt chuyên môn cho các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên của Nhà trường, cũng như giúp ích cho việc nhìn nhận rằng các vấn đề của châu Á là vấn đề toàn cầu và cần có sự chia sẻ để đưa ra khuyến nghị cho khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê trả lời phỏng vấn của các hãng thông tấn báo chí

Tự hào là một đơn vị thành viên của ĐHQGHN - đại học uy tín hàng đầu tại Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Rất nhiều nhiệm vụ, đề án quy mô quốc gia, quốc tế nghiên cứu về kinh tế đã và đang được Nhà trường triển khai. Các chương trình, đề án này luôn hướng tới hoạt động tư vấn chính sách quốc gia và giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước, khu vực và quốc tế. Do đó, sự kiện này góp phần khẳng định và lan tỏa hơn nữa thương hiệu của ĐHQGHN và của Trường ĐH Kinh tế đến bạn bè quốc tế.

- Ý nghĩa của Hội nghị cũng như những kết quả/khuyến nghị đối với Việt Nam là gì, thưa ông?

Trước tiên, chúng tôi tin tưởng Hội nghị lần này sẽ tiếp tục là nơi khởi nguồn cho những ý tưởng, những tư duy kinh tế mới và sẽ trở thành những kiến thức hữu ích mang tính cách mạng, mang lại nhiều hàm lượng tri thức cho lĩnh vực nghiên cứu kinh tế của toàn nhân loại, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của thời đại và đóng góp vào sự phát triển lâu dài của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Đồng thời, Hội nghị kinh tế trẻ Châu Á 2019 đã quy tụ được rất nhiều các chuyên gia đầu ngành, các học giả trẻ từ các trường đại học ở khắp nơi trên thế giới. Đây là cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi mở rộng kết nối và hợp tác mới trong cả hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, rất phù hợp với mục tiêu quốc tế hoá giáo dục mà chúng tôi đang theo đuổi.

Có thể nói, Hội nghị này là sự kiện có sức hút lớn với sự lan tỏa mạnh mẽ thể hiện qua số lượng bài viết phong phú, đa dạng và có chất lượng cao, cùng số lượng tham dự Hội nghị đông đảo, đặc biệt là có các học giả nổi tiếng cũng như các nhà hoạt động thực tiễn cả trong và ngoài nước. Các vấn đề được đề cập là những vấn đề nóng hổi, liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội, đang được Việt Nam quan tâm và có rất nhiều khuyến nghị chính sách có tính tham khảo cao và rất hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách.

Chúng tôi tin tưởng rằng, nhiều ý tưởng mới xuất hiện tại Hội nghị sẽ trở thành những kiến thức hữu ích mang tính cách mạng, mang lại nhiều hàm lượng tri thức cho lĩnh vực nghiên cứu kinh tế của toàn nhân loại, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của thời đại và đóng góp vào sự phát triển lâu dài của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

  PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu tại Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019
 

- Xin ông cho biết vai trò của Trường ĐH Kinh tế trong Hội nghị kinh tế trẻ Châu Á năm nay là gì?

Hiện tại, hơn 80% giảng viên của Trường ĐH Kinh tế đã tốt nghiệp ở các nước phát triển, có công bố khoa học được đăng trên các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu ISI/SCOPUS. Với thế mạnh đó và là đơn vị đối tác đồng tổ chức Hội nghị, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chịu trách nhiệm hỗ trợ về mặt chuyên môn cho các học giả trẻ tham dự chương trình, đồng chủ trì các phiên song song. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo cho Hội nghị được diễn ra thuận lợi và thành công; tổ chức nhóm sinh viên tình nguyện để hỗ trợ các học giả trong suốt thời gian Hội nghị và các hoạt động bên lề Hội nghị ở Việt Nam.

Với sự chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị, chúng tôi tin tưởng rằng các học giả sẽ có một bầu không khí học thuật cởi mở, năng động để thỏa sức trao đổi và chia sẻ các ý tưởng của mình. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thức rõ đây là dịp quý báu để giới thiệu đến bạn bè quốc tế về thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến của chúng ta cũng như lòng mến khách của người Việt Nam nói chung và cán bộ, giảng viên ĐHQGHN và Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN nói riêng.

- Xin ông hãy chia sẻ về một chủ đề mà Trường ĐH Kinh tế chủ trì trong phiên thảo luận tại Hội nghị?

Cùng với những hỗ trợ về mặt chuyên môn, các khâu tổ chức, tại Hội nghị lần này, Trường ĐH Kinh tế chủ trì phiên thảo luận bàn tròn “Việt Nam và nền kinh tế số” (Vietnam Roundtable - Vietnam and the Digital Economy). Phiên làm việc này do PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì cùng sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về nền kinh tế số như: GS. Andrew Sheng - Viện Quốc tế Fun; GS. Christopher Balding - Trường Kinh doanh HSBC thuộc ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc); ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB); ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ DTT, Thành viên Tổ công tác Chính phủ điện tử của Thủ tướng; TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia Kinh tế; PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Chính sách thuộc Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Cuộc thảo luận bàn tròn này tập trung vào các vấn đề như xu hướng chuyển đổi số trong phạm vi toàn cầu, tương lai nền kinh tế số của Việt Nam, ảnh hưởng của xu hướng chuyển đổi số đến sự phát triển của các ngành/lĩnh vực ở Việt Nam và những hàm ý cho Chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trường ĐH Kinh tế chủ trì phiên thảo luận bàn tròn “Việt Nam và nền kinh tế số”

Tuy nhiên, đối với Trường ĐH Kinh tế, chúng tôi luôn tâm niệm và mong muốn gửi gắm thông điệp, dù là công nghệ thế nào thì con người vẫn giữ vai trò quan trọng nhất. Có những cá nhân, tổ chức ứng dụng công nghệ 4.0 nhưng năng suất lao động chưa đạt kỳ vọng. Nhưng cũng có những tổ chức mặc dù mới hướng tới công nghệ này mà năng suất lao động lại cao. Điều đó thể hiện ý thức, tư tưởng của con người khi nhận diện, đối diện với vấn đề. Do đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến vấn đề giao dục trong thời đại công nghệ 4.0.

Ngoài ra, Trường ĐH Kinh tế đang hướng tới ứng dụng hạ tầng công nghệ phù hợp và kịp thời để có thể đáp ứng được những nhu cầu của thế giới đang ảnh hưởng trực tiếp vào Việt Nam.

- Dự kiến hợp tác trong tương lai giữa Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN và INET là gì, thưa ông?

Với định hướng quốc tế hóa giáo dục sâu rộng, Trường ĐH Kinh tế đã và đang tăng cường hợp tác với các trường đại học lớn, uy tín trên thế giới, thu hút được sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu trong nhiều lĩnh vực vào các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của trường. Chúng tôi có những định hướng chiến lược rõ ràng, có sự học hỏi và chọn lọc từ chiến lược phát triển của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới để làm sao tăng tính hội nhập một cách nhanh nhất. Chủ trương hội nhập quốc tế được quán triệt xuyên suốt từ Đảng ủy, cho đến lãnh đạo nhà trường cũng như các cán bộ công chức, viên chức trong toàn Trường.


Sự thành công của Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019 sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ về mặt học thuật mà còn như dấu mốc để Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và Chương trình Sáng kiến Học giả trẻ (YSI) thuộc Viện Nghiên cứu Tư duy Kinh tế mới (INET) triển khai các hoạt động khoa học trong tương lai. Tôi tin rằng, tương đồng trong việc sở hữu đội ngũ cán bộ, học giả trẻ, Trường ĐH Kinh tế và YSI nói riêng, INET nói chung sẽ có nhiều triển vọng hợp tác trong lĩnh vực giảng dạy, tổ chức các sự kiện, hội thảo, hội nghị và cùng thực hiện các nghiên cứu và dự án quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Đại biểu từ 38 nước trên thế giới đã về tham dự hội nghị
 
TIN LIÊN QUAN:
- Truyền hình VTC1: Bản tin Tối ngày 13/8/2019, phút thứ 14’42
- Truyền hình VTC1: Bản tin Tối ngày 14/8/2019, phút thứ 05’04
- Truyền hình VTV1:  Thời sự 19h VTV1 - 13/8/2019, từ phút 19'19 đến 20'19
- Truyền hình Hà Nội HTV1:  Khai mạc Hội nghị kinh tế trẻ châu Á
- Economics News: Nearly 500 scholars attending YSI Asia Convening 2019 
- Vietnam News: YSI Asia Convening 2019 kicks off in Hà Nội
- Báo Đầu tư:  Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019: Gắn kết Việt Nam và châu Á với kinh tế thế giới
- Báo Đầu tư:  ASEAN sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong trật tự thế giới mới
- Báo Đầu tư:  Gần 500 nhà khoa học sẽ tới Hà Nội để bàn về các vấn đề kinh tế thế giới
- Đài tiếng nói Việt Nam: Quốc tế hóa giáo dục – “chìa khóa” nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (9/8/2019)
- Báo Dân Trí:  Gần 500 nhà khoa học thế giới hội tụ chia sẻ, truyền cảm hứng về kinh tế học
- VTCnews: Nhiều giáo sư hàng đầu thế giới dự Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019
- VTCnews: Nền kinh tế số và đòn bẩy phát triển của Việt Nam
- Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai: Khai mạc Hội nghị kinh tế trẻ khu vực châu Á
- Truyền hình Vĩnh Long: Khai mạc Hội nghị kinh tế trẻ khu vực châu Á
- Báo Nhân dân: Gần 500 nhà khoa học quốc tế tham dự Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019
- VOV5:  Khai mạc Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019
- VTVnews: Kinh tế trẻ châu Á đổi mới sáng tạo và hội nhập
- VTCnews: Nhiều giáo sư hàng đầu thế giới dự Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019
- VTCnews: Nền kinh tế số và đòn bẩy phát triển của Việt Nam
- Diễn đàn doanh nghiệp: Các thế lực kinh tế ở Châu Á: Phát triển và những thách thức
- Báo Đại biểu nhân dân: Gần 500 học giả trẻ dự Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019
- Báo Bắc Giang: Gần 500 nhà khoa học quốc tế tham dự Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019
- Báo Khoa học và Phát triển: Gần 500 nhà khoa học Việt Nam và quốc tế dự Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019
- Website Đại học Quốc gia Hà Nội: Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019: Nơi khởi nguồn cho những ý tưởng, tư duy kinh tế mới

Website Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN:
- Khai mạc Hội nghị Kinh tế trẻ Châu Á 2019
- Việt Nam sẽ vươn lên mạnh mẽ trong trật tự thế giới mới
- (Video) Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đăng cai Hội nghị Kinh tế trẻ đầu tiên tại Châu Á
- Phát triển nền kinh tế số: Việt Nam có nhiều lợi thế

Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN


Các tin khác