Trang tin tức sự kiện
 
Hội thảo Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến hành vi chi tiêu - tiết kiệm - đầu tư ở Việt Nam

Lãnh đạo Nhà trường và nhóm nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Hiện nay, đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn có tác động nghiêm trọng đến đời sống của người dân, hộ gia đình mà cụ thể là hành vi chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư của họ. Hiểu được điều này, Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo công bố nghiên cứu đánh giá tác động tác động của Đại dịch Covid-19 đến hành vi chi tiêu - tiết kiệm - đầu tư ở Việt Nam vào sáng ngày 5/8/2020.


Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tài chính như TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu; PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng - Học viện Ngân hàng; Về phía Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng; TS. Đinh Thị Thanh Vân - Phó chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng cùng đầy đủ giảng viên trong Khoa Tài chính Ngân hàng.

 Điểm cầu Phòng 801, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
 

 Hội thảo được tổ chức online qua ứng dụng Zoom

Mở đầu hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phát biểu khai mạc: Trong thời kỳ người dân đang phải sống chung với dịch Covid-19 như sống chung với lũ, việc đánh giá tác động của dịch Covid-19 lên đời sống người dân là việc vô cùng quan trọng, từ đó thấy được hành vi về tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”. Hội thảo với cách tiếp cận mới thể hiện sự tiên phong của Nhà trường trước các vấn đề kinh tế - xã hội nóng bỏng, hy vọng Hội thảo sẽ cung cấp hàm lượng khoa học cần thiết để các nhà quản lý, chuyên gia và từng gia đình có những kế hoạch phù hợp trong tài chính tiêu dùng thời gian tới.
 
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê phát biểu tại hội thảo

Sau phần phát biểu khai mạc của Hiệu trưởng, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng, chủ trì Hội thảo cho biết: Dựa vào thực trạng của kết quả khảo sát gần 600 cá nhân, nhóm nghiên cứu đã cung cấp những minh chứng cụ thể và phân tích các tác động của dịch Covid-19 đến người Việt Nam, trên giác độ các hành vi tài chính cá nhân, từ đó đưa ra các khuyến nghị sát thực nhất liên quan tới ảnh hưởng của đại dịch này để các cá nhân, hộ gia đình có thể tái cấu trúc hành vi tài chính cá nhân của mình nhằm chủ động đối phó với dịch bệnh và những khủng hoảng tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

 PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo
 TS. Đinh Thị Thanh Vân (bên trái) cùng PGS.TS Trần Thị Thanh Tú chủ trì Hội thảo

Lần lượt các nhóm đo lường tác động Covid-19 lên hành vi chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư phát biểu và cho thấy kết quả khảo sát, mô hình đo lường tác động Covid-19, thu nhập, giới tính, tình trạng hôn nhân, độ tuổi, số thành viên trong gia đình, tình trạng hôn nhân, lĩnh vực công việc, nghề nghiệp lên hành vi chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.

 TS. Trịnh Thị Phan Lan (giữa) giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng trình bầy báo cáo nghiên cứu của nhóm
 TS. Lê Hồng Hạnh, giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng trình bầy báo cáo của nhóm

 Nhóm nghiên cứu gồm nhiều giảng viên trẻ với tinh thần và khát khao thể hiện mình trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học

Ví dụ, đối với giới tính, tỷ lệ chi tiêu của nữ có sự gia tăng sau Covid-19 so với nam, vì hơn hết người phụ nữ vẫn đóng vai trò quan trọng trong quản lý chi tiêu trong gia đình. Tỷ lệ tài khoản tiết kiệm của nữ không đổi sau Covid-19 cao hơn nam - chứng tỏ nữ giới thường có tỷ lệ dự phòng cao hơn nam, nên có thể đối phó với những sự kiện không chắc chắn trong tương lai. Trong khi đó, Tỷ lệ đầu tư trên thu nhập của cả nam và nữ là tương đối tương đồng.
 TS. Vũ Thị Loan, giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng trình bầy Báo cáo của nhóm nghiên cứu
 TS. Trần Thị Hiền, giảng viên Đại học Melbourne, Úc tham dự và nhận xét về Báo cáo

 

 Các giảng viên trẻ tập trung lắng nghe báo cáo
 

Kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu đã chỉ ra một số điểm chính sau: (1) Đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng tới tất cả các hành vi chi tiêu- tiết kiệm và đầu tư thuộc tất cả các nhóm lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính; (2) Những người có học vấn cao có xu hướng giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm và giảm đầu tư so với nhóm có trình độ học vấn thấp hơn; (3) Dưới tác động của Covid-19 nhóm giới tính nữ có tỷ lệ chi tiêu tăng lên nhiều hơn. Đối với hầu hết các nhóm hộ gia đình, mức độ chi tiêu sau Covid-19 giảm nhẹ so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, mặc dù có khó khăn về mặt tài chính nhưng tỷ lệ người thực hiện các hoạt đồng vì cộng đồng tăng lên so với giai đoạn trước Covid-19; (4) 39.8% số người được khảo sát có số tiền tiết kiệm không đổi sau Covid-19, tuy nhiên, 51.57% người bị giảm tiền tiết kiệm từ dưới 10% đến giảm trên 20%. Người dân cũng có xu hướng giữ tiền mặt nhiều hơn. Mặc dù vậy, Covid-19 đã có tác động tích cực tới nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tiết kiệm khi có thêm 13% số người được khảo sát tăng mức độ đánh giá về tiết kiệm (5) Covid-19 có tác động mạnh tới mức tiền đầu tư thường xuyên của cá nhân và các nhà đầu tư cũng có xu hướng tiêu cực với 63.4% người tham gia khảo sát tin rằng lợi nhuận sẽ sụt giảm. Bên cạnh đó, nhóm nhà đầu tư cá nhân dưới 35 bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 cao hơn các nhóm tuổi khác.

Dựa vào thực trạng của kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị sát thực nhất liên quan tới ảnh hưởng của đại dịch này trên các góc độ: (1) Cá nhân và hộ gia đình, (2) Nhà nước, (3) Ủy ban chứng khoán nhà nước, (4) Công ty chứng khoán, (5) Tổ chức tín dụng và (6) Doanh nghiệp. Từ đó có thể hỗ trợ ở cả cấp độ vĩ mô và vĩ mô, trong đó đặc biệt các cá nhân, hộ gia đình có thể tái cấu trúc hành vi tài chính cá nhân của mình và có thể chủ động đối phó với Covid-19 và những khủng hoảng tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu cho thấy Covid-19 có tác động tiêu cực và tích cực lên hành vi chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư, từ đó nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị cho nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và người dân nhằm khắc phục những khó khan do đại dịch gây nên.
 PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh (trên màn hình máy chiếu) nhận xét về Báo cáo

TS. Cấn Văn Lực sau khi nghe các phần báo cáo, ông đánh giá rất cao tính tiên phong của nhóm tác giả khi đi vào vấn đề đang rất nóng và được dư luận quan tâm. Tuy vậy, đối tượng khảo sát còn ít, chưa phong phú, do điều kiện dịch bệnh mà chưa có được thông tin của các hộ nghèo, ảnh hưởng trực tiếp đến bữa cơm hàng ngày do đại dịch Covid-19. Ông mong muốn rằng, nhóm sẽ tiếp tục đào sâu hơn nữa nghiên cứu này, đa dạng cách tiếp cận, lấy thêm nhiều ý kiến chuyên gia, chắc chắn báo cáo sẽ có tác động mạnh đến xã hội, nhất là khi đợt dịch Covid-19 đang quay lại và gây ra nhiều diễn biến phức tạp.


 
 TS. Cấn Văn Lực phát biểu nhận xét về báo cáo của nhóm nghiên cứu

Hội thảo đã nhận được rất nhiều quan tâm và phản biện của các chuyên gia trong ngành. Câu chuyện nghiên cứu hành vi là thách thức đối với các nhà nghiên cứu xã hội, và nhóm nghiên cứu sẽ cố gắng khắc phục và phát triển nghiên cứu hơn trong tương lai.

Kết thúc Hội thảo, thay mặt Khoa Tài chính Ngân hàng PGS.TS Trần Thị Thanh Tú đã gửi lời cảm ơn tới Ngân hàng PVcomBank đã hỗ trợ nghiên cứu, Câu lạc bộ khoa học ĐHQGHN (VSL) hỗ trợ truyền thông, truyền hình VITV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Đầu tư đã đưa tin. Cảm ơn các chuyên gia, học giả, những "tay hòm chìa khóa" tài chính đã quan tâm và tham dự Hội thảo cùng Khoa Tài chính Ngân hàng.
TIN LIÊN QUAN: 
 - Kênh truyền hình VITV: Hộp tin Việt Nam 18h  (bắt đầu từ 9 phút 20 giây)

Nguyệt Minh - Văn Công