Chiều ngày 21/9/2012, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Kinh tế đã tổ chức seminar nghiên cứu kinh tế và chính sách với chủ đề “Khủng hoảng nợ công tại một số nền kinh tế trên thế giới - Nguyên nhân, diễn biến, hậu quả, biện pháp khắc phục và những hàm ý chính sách cho Việt Nam”.
Buổi seminar có sự tham gia TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đồng thời là thành viên Nhóm tư vấn Kinh tế Vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội; TS. Nguyễn Thị Thư, giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường ĐHKT; ông Vũ Hoàng Đạt, cán bộ nghiên cứu Trung tâm Phân tích và Dự báo (CAF) thuộc Viên Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS). Ngoài ra, seminar còn có sự góp mặt của các nghiên cứu viên, học viên và sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác tại Hà Nội.
Đây là seminar số 3 nằm trong chuỗi seminar trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế và chính sách được tổ chức định kỳ do VEPR chủ trì, với mong muốn đây sẽ là diễn đàn để các nghiên cứu trẻ trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, từ đó tạo thành một mạng lưới nghiên cứu cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của nhiều tổ chức lớn khác như Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Trung tâm Phân tích và Dự báo (CAF) thuộc VASS, các viện chiến lược ở các bộ, học viện và viện trong các trường đại học như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Mở đầu seminar là phát biểu của TS. Nguyễn Đức Thành với giới thiệu về mục đích của buổi trao đổi và định hướng lâu dài cho hoạt động này. Tiếp sau đó là phần trình bày của ông Vũ Minh Long - Nghiên cứu viên đến từ VEPR. Với chủ đề “Khủng hoảng nợ công tại một số nền kinh tế trên thế giới. Nguyên nhân, diễn biến, hậu quả, biện pháp khắc phục và những hàm ý chính sách cho Việt Nam”, bài tham luận đi từ những định nghĩa và lý thuyết cơ bản về nợ công và khủng hoảng nợ công, đồng thời tổng hợp những nghiên cứu quốc tế về các cuộc khủng hoảng nợ công trong lịch sử, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp mới xảy ra gần đây. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng phân tích tình hình nợ công hiện nay tại hai quốc gia điển hình có nợ công cao là Mỹ và Nhật Bản. Cuối cùng, tác giả tham luận đã đề cập đến thực trạng thâm hụt ngân sách và nợ công Việt Nam nhằm đưa ra những gợi ý chính sách thiết thực.
Song song với phần trình bày là nhiều ý kiến đóng góp quý báu của chuyên gia phản biện cũng như các giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên có mặt tại buổi hội thảo. Các ý kiến này sẽ góp phần giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện về khung lý thuyết, thông tin và số liệu nhằm phân tích các cuộc khủng hoảng nợ công sâu sắc hơn.