Trang tin tức sự kiện
 
Chuỗi bài giảng Chính sách công: Phát triển kinh tế và các biện pháp cải cách cơ sở hạ tầng

Ngày 5/11/2012, TS. Wolfgang Botsch - cựu Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, CHLB Đức cùng đại diện Quỹ Hann Seidel Foundation đã đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Đồng thời, TS. Wolfgang Botsch đã có bài diễn thuyết với các giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kinh tế.


Bài diễn thuyết của TS.Wolfgang có chủ đề: Phát triển kinh tế và các biện pháp cải cách cơ sở hạ tầng - kinh nghiệm từ nước Đức (Infrastructure Reform and Economic Development).
Mở đầu bài diễn thuyết, TS.Wolfgang đã mô tả tình hình nước Đức ở giai đoạn cuối thế chiến lần thứ II khi hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống giao thông vận tải bị tàn phá nặng nề. Nước Đức hậu chiến gặp muôn vàn khó khăn. Đối mặt với những vấn đề đó, Chính phủ CHLB Đức rất quan tâm làm sao để hệ thống giao thông hoạt động trở lại, bởi người ta tin tưởng rằng, một nền kinh tế chỉ có thể phát triển được khi có một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt. Quá trình hồi phục hệ thống cơ sở hạ tầng ở Đức kéo dài rất, rất lâu, và kết quả cuối cùng đã được cải thiện rất nhiều.  
Từ kinh nghiệm phục hồi sau chiến tranh, những nhà chính trị và kinh tế Đức đã nhanh chóng nhận ra rằng, điều kiện chính tạo ra tăng trưởng và thịnh vượng là tạo ra sự dịch chuyển tốt nhất cho con người và hàng hóa. Sự dịch chuyển này sẽ tạo ra và cải thiện những “sản phẩm đặc biệt” và sự phân chia công việc. Nó tạo điều kiện cho việc mở rộng thị trường và hình thành thị trường mới; nó làm động lực cho cải tiến và cải cách, dẫn tới những sự thay đổi trong cơ cấu; tạo nên vô số cơ hội, lựa chọn nhằm thỏa mãn nhu cầu và nhiều hình thức việc làm mới qua đó tạo thu nhập và tài sản.

TS. Wolfgang Botsch thuyết trình trong buổi thăm và làm việc tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN

Có thể thấy, một hạ tầng giao thông hiện đại và hiệu quả tại tất cả các bang nước Đức có ý nghĩa vô cùng to lớn cho sự phát triển kinh tế của nước Đức ngày nay. Chính phủ CHLB Đức đã đầu tư hàng tỷ Euro vào hệ thống đường sắt, đường thủy liên vùng, vào đường xe điện, tầu điện ngầm, đường sắt đô thị. Điều quan trọng là các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có hiệu quả một phần bởi vì những dự án khả thi được hỗ trợ bởi quá trình hoạch định và quản lý khoa học dựa trên nền tảng của Bộ luật Kế hoạch. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông và internet cũng là mối quan tâm lớn của chính phủ CHLB Đức hiện nay.
Với bài trình bày về xây dựng cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế hiện đại, TS. Wolfgang đã cho thấy được những cố gắng trước đây của nước Đức nhằm khôi phục và đưa vào hoạt động trở lại hệ thống cơ sở hạ tầng bị tàn phá qua chiến tranh, cũng như là những chính sách hiện tại. Đó cũng là những kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc cải cách cơ sở hạ tầng, phát triển đất nước. TS. Wolfgang cũng nêu rõ Việt Nam là một trong số những đối tác quan trọng nhất của CHLB Đức. Trọng tâm hợp tác của Đức với chính phủ Việt Nam bao gồm các lĩnh vực: phát triển kinh tế bền vững và đào tạo nghề, chính sách bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên bao gồm cả các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện hệ thống chăm sóc y tế…

Tiếp theo bài diễn thuyết của TS. Wolfgang, TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Trường ĐHKT cũng đã có bài trình bày với chủ đề: Tăng cường liên kết cơ sở hạ tầng trong khu vực GMS (các nước Tiểu vùng sông Mê Kông) và vai trò hỗ trợ của ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á).

TS. Nguyễn Anh Thu với bài thuyết trình về "Tăng cường liên kết cơ sở hạ tầng trong khu vực GMS"

TS. Nguyễn Anh Thu đã giới thiệu khuôn khổ hợp tác GMS (các nước thuộc tiểu vùng Mê Kông) với mục đích thiết lập hành lang phát triển kinh tế giữa các nước trên nguyên tắc thỏa thuận đa phương và song phương. Bài trình bày tập trung vào những thành tựu đã đạt được của GMS nói chung và Việt Nam nói riêng trong thúc đẩy xây dựng liên kết cơ sở hạ tầng dưới sự hỗ trợ của ADB. Trong đó nêu rõ, tăng cường liên kết cơ sở hạ tầng là đột phá chiến lược trong hợp tác kinh tế khu vực GMS, đặc biệt là liên kết hệ thống đường giao thông, liên kết công nghệ thông tin và liên kết năng lượng điện.

Hai bài trình bày của TS. Wolfgang và TS. Nguyễn Anh Thu đã khiến những sinh viên có mặt vô cùng hứng thú. Các em đã có những câu hỏi về những vấn đề liên quan đang được các em quan tâm hiện nay như: vấn đề tư nhân hóa ngành bưu chính viễn thông và bài học cho Việt Nam; vấn đề cân bằng chi tiêu và đầu tư công của Đức trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế…; vai trò hiện nay của Việt Nam trong việc tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực GMS.
Ngay sau khi kết thúc buổi diễn thuyết,
TS. Wolfgang Botsch cùng đại diện Quỹ Hann Seidel Foundation đã có buổi trò chuyện với TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT và TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng. Tại cuộc gặp, hai bên đã có cuộc trao đổi cởi mở về một số vấn đề kinh tế - xã hội hai nước và bàn về những nội dung có tiềm năng hợp tác.

TS. Wolfgang Botsch cùng đại diện Quỹ Hann Seidel Foundation trong phiên gặp gỡ với lãnh đạo Trường ĐHKT

Hy vọng trong thời gian tới, mối quan hệ giữa hai nước Đức - Việt nói chung và quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với các cơ quan, tổ chức của CHLB Đức, hay với các quỹ như Quỹ Hann Seidel Foundation sẽ ngày càng tốt đẹp hơn nữa, tạo tiền đề cho những hoạt động, những dự án hợp tác thiết thực trong tương lai.

Tin: Hoa Hạnh (Khoa KTPT) - Ảnh: Đỗ Chiêm