Trang tin tức sự kiện
 
Seminar nghiên cứu kinh tế và chính sách số 5

Chiều 23/11/2012, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức seminar nghiên cứu kinh tế và chính sách số 5 với chủ đề "Nhân tố tác động tới lựa chọn việc làm ở Việt Nam: Bằng chứng từ điều tra lao động việc làm Việt Nam 2010". Diễn giả là ThS. Phạm Minh Thái, tốt nghiệp thạc sỹ Kinh tế Phát triển từ chương trình cao học Việt Nam - Hà Lan năm 2009.


Đến dự seminar có sự tham gia của các chuyên gia cao cấp thuộc VEPR: TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Lê Kim Sa, TS. Phạm Sỹ Thành… và sự hiện diện của các nghiên cứu viên, giảng viên, học viên và sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau.
Lựa chọn việc làm là một vấn đề quan trọng của bản thân người lao động cũng như những nhà làm chính sách trong việc tạo, khuyến khích và định hướng việc làm cho người lao động. Đó cũng là lý do ThS. Phạm Minh Thái chọn nghiên cứu câu hỏi “Những nhân tố tác động tới lựa chọn việc làm của người lao động ở Việt Nam”.
ThS. Phạm Minh Thái
ThS. Phạm Minh Thái

Chủ đề nghiên cứu chính của ThS. Phạm Minh Thái là lao động việc làm và an sinh xã hội. Hiện tại, anh đang tham gia nhóm nghiên cứu về khu vực phi chính thức trong khuôn khổ dự án NOPOOR giữa Viện KHXH Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD). Ngoài ra, ThS. Phạm Minh Thái cũng tham gia nghiên cứu trong Mạng nghiên cứu kinh tế Đông Dương (MERN). Công cụ phân tích chủ yếu là phân tích định lượng bằng mô hình kinh tế lượng sử dụng các bộ số liệu vi mô như điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS), điều tra lao động việc làm Việt Nam (LFS)...

Bài nghiên cứu của ThS. Phạm Minh Thái sử dụng số liệu điều tra lao động việc làm Việt Nam 2010 với mô hình multinomial logit. Bài viết đã khẳng định tầm quan trọng của trình độ học vấn, nhóm tuổi cũng như các yếu tố nhân khẩu học như giới tính, tình trạng hôn nhân, dân tộc, thành thị và nông thôn đối với lựa chọn việc làm của người lao động. Trong đó, những nhân tố nhân khẩu học làm tăng xu hướng tham gia lao động giản đơn và ngược lại so với các loại hình công việc khác.

Nhóm tuổi trẻ hơn 30-34, đặc biệt là nhóm 15-19, có xu hướng tham gia lao động giản đơn cao hơn nhưng lại có xác suất thấp hơn đối với công việc làm lãnh đạo. Tương tự, những người tốt nghiệp THCS có xu hướng tham gia cao hơn trong các công việc chuyên môn như bán hàng, thợ thủ công có kỹ thuật, thợ vận hành máy móc thiết bị.


Đan xen với phần trình bày bài nghiên cứu là những góp ý của các chuyên gia phản biện cũng như các nghiên cứu viên nhằm bổ sung những thiếu sót về chuyên môn và cách trình bày. Một số câu hỏi thú vị được đặt ra như: “Sinh viên kinh tế ra trường có tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo hơn sinh viên các ngành khác hay không?” thu hút được nhiều tranh luận và đang được ThS. Phạm Minh Thái tiếp tục nghiên cứu.


Tin: Dương Vân Nga (VEPR) - Ảnh: Đỗ Chiêm