Có thể nói rằng, toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, sự nghiệp vẻ vang của Bác là chăm lo "trồng người", chăm lo xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau.
Chăm lo giáo dục lý tưởng cách mạng
Lý tưởng cách mạng mà Bác Hồ quan tâm giáo dục cho thế hệ trẻ chính là mục tiêu, con đường cách mạng Việt Nam: Ðộc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Ðây cũng là lý tưởng của Người khi tiếp thụ chân lý khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, sau hơn 10 năm trải nghiệm cuộc sống trên khắp các châu lục, lao động, hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế và các dân tộc bị áp bức để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân là giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Từ những năm 20 của thế kỷ 20, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, lý tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có sức hấp dẫn lớn, thu hút lớp lớp thanh niên yêu nước Việt Nam. Năm 1924, để chuẩn bị cho việc thành lập Ðảng, Bác Hồ đã về Quảng Châu (Trung Quốc) thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và ra báo Thanh niên (6-1925). Người trực tiếp mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng lý luận chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lý tưởng, con đường cách mạng, phương pháp hoạt động, cách thức vận động các tầng lớp nhân dân... Ngay từ thời gian ấy, lý tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội là nội dung cơ bản nhất mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chăm lo giáo dục cho những thanh niên ưu tú, làm nòng cốt cho phong trào cách mạng.
Ðiểm nổi bật trong giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ là cùng với việc nêu cao lý tưởng, quyết tâm phấn đấu cho giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu gương bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng, chịu mọi gian khó, hy sinh, đồng cam cộng khổ với đồng bào, đồng chí. Bác Hồ cho rằng, thực tiễn đấu tranh cách mạng là trường học giáo dục lý tưởng tốt nhất cho thế hệ trẻ. Giác ngộ lý tưởng không chỉ dừng ở nhận thức mà điều có ý nghĩa trong việc thấm nhuần lý tưởng cách mạng là tinh thần và quyết tâm hành động thực hiện lý tưởng. Và khi đã thấm nhuần lý tưởng, quyết tâm phấn đấu cho lý tưởng thì như Người dạy thanh niên:
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền
Ðào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta, cần quan tâm giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc rằng, vì lý tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và chủ nghĩa xã hội mà những chiến sĩ cộng sản tiền bối và biết bao đảng viên cộng sản, lớp lớp đoàn viên, thanh niên đã cống hiến trọn đời, hy sinh bao máu xương.
Lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục cho thế hệ trẻ, các thế hệ cách mạng đời sau là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Ðó là lý tưởng cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; lấy hạnh phúc của nhân dân, của con người là mục tiêu cao nhất, nhằm đưa lại cho con người cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được sống trong xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, trong đó "tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người".
Ðối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ không phải là cái gì quá cao xa mà là gần gũi, giản dị, dễ thấy. Chẳng hạn, Người quan niệm chủ nghĩa xã hội là dân giàu, nước mạnh. Trong chủ nghĩa xã hội ai cũng phải làm việc có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Ðối với người già, ốm đau thì được xã hội chăm lo nhưng không chấp nhận lười biếng, lười lao động, lười học tập. Phải giáo dục cho mọi người ý thức cần kiệm liêm chính, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, ai không làm thì không hưởng.
Bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, giúp họ phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, chiến đấu, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành con người phát triển toàn diện, người chủ xứng đáng của đất nước.
Trong Di chúc, Bác Hồ viết: Ðoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu thanh niên phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng. Theo quan điểm của Bác Hồ, đạo đức cách mạng là "trung với nước, hiếu với dân" và đạo đức cách mạng phải được thể hiện trong hành động, chỉ có trong hành động, hoạt động trong thực tế đấu tranh cách mạng của nhân dân thì thanh niên mới tỏ rõ được đạo đức của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ: Ðạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Việc bồi dưỡng ý thức làm chủ cũng như giáo dục, rèn luyện đạo đức cho thanh niên là công việc thường xuyên và hết sức công phu, tỉ mỉ. Một mặt là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, mặt khác là sự tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi thanh niên, của thế hệ trẻ. Ðạo đức được Bác Hồ coi là gốc của người cách mạng, là cốt lõi trong nhân cách của con người. Do đó, thanh niên muốn thật sự là chủ tương lai của nước nhà thì cần "luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng; khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ" (Hồ Chí Minh, về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, t1.1980, tr376).
Người còn nói: Ðạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.
Bồi dưỡng tinh thần làm chủ và giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói những điều chung chung mà Người thường xuyên nêu những việc cụ thể, thiết thực. Bác Hồ luôn nhắc nhở thanh niên trung với nước, hiếu với dân là như thế nào, đồng thời phải luôn luôn hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ, thương yêu mọi người trong gia đình. Giáo dục cho thanh niên biết thương dân, yêu nước, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột thì phải chăm lo bảo vệ lợi ích của nhân dân, dám đấu tranh chống những sách nhiễu dân, chống chủ nghĩa cá nhân.
Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bác Hồ nêu rõ: Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. "Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy". Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t10, tr306).
Dạy nghề, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật
Nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là chăm lo xây dựng các thế hệ người Việt Nam phát triển toàn diện. Do đó, cùng với việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng là chăm lo đào tạo, dạy nghề, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật cho thanh niên. Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ đã đề nghị một trong những công việc khẩn cấp lúc bấy giờ là diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ. Trong ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ viết thư cho học sinh khẳng định: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
Xuất phát từ nhiệm vụ mới của cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật và nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Theo quan điểm của Người, chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đời sống mới, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh" còn khó khăn, lâu dài hơn nhiều so với cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Chính vì thế, Bác Hồ thường căn dặn, dạy bảo thanh niên phải "ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân". Và, làm nghề gì cũng phải học, mục đích của việc học không gì khác hơn là để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân ngày càng được ấm no, tươi vui.
Tư tưởng quan trọng của Hồ Chí Minh về việc học tập của thế hệ trẻ là giáo dục cho họ học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho nước nhà giàu mạnh và để làm tròn trách nhiệm của người chủ tương lai của đất nước. Vì thế, thanh niên phải học nữa, học mãi, bởi vì, "nếu không chịu khó học tập thì không tiến bộ. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t9, tr554).
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau phải chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cốt cán, bởi "đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta". Chủ tịch Hồ Chí Minh di chúc, nhấn mạnh rằng, những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Ðảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau vô cùng sâu sắc. Ðó là kết tinh trí tuệ và kinh nghiệm cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Bác Hồ về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, chúng ta cần thấm nhuần và thực hiện tốt một số điểm quan trọng:
- Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là chiến lược lớn của cách mạng. Ðảng và Chính phủ quan tâm xây dựng chính sách đúng đắn, chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện hiệu quả.
- Quan điểm bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở tư tưởng và lý luận để xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo. Trong các nội dung giáo dục toàn diện cần coi trọng việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ.
- Chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nòng cốt cho thanh niên để họ thật sự là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, đẩy mạnh CNH, HÐH, đưa nước ta tiến lên, sớm sánh vai các cường quốc năm châu như kỳ vọng của Bác Hồ với thế hệ trẻ.
Phạm Văn Khánh
(Nhân Dân)