Trang tin tức sự kiện
 
Thư gửi bạn

Sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Anh
Được học trong một môi trường có bề dày lịch sử và được viết về trường, thể hiện tình cảm yêu thương gắn bó với ngôi trường đã trang bị cho ta những kiến thức bổ ích để làm hành trang thiết thực trong cuộc sống là điều mà tất cả những học sinh, sinh viên đều mơ ước.


Cảm ơn Ban tổ chức cuộc thi viết và ảnh “Trường Đại học Kinh tế và tôi” đã tạo điều kiện, cơ hội để cho tôi được viết ra những cảm xúc của mình khi Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN vừa tròn 5 tuổi thông qua một bức thư gửi người bạn thân phương xa, đồng thời thể hiện tình cảm của mình qua những trang tài liệu, ảnh sưu tầm và một bài thơ do tôi tự sáng tác.
Tôi hy vọng, những tình cảm của một sinh viên năm thứ nhất như tôi về mái trường này sẽ là một bông hoa tươi thắm gửi đến thày, cô giáo, cán bộ viên chức nhà trường nhân 5 nẳm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống.

Hà Nội, ngày… tháng… năm 2012
Minh thân mến!
Thế là mình đã trở thành sinh viên năm thứ nhất Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN rồi đấy. Ước mơ lớn nhất của mình đã trở thành hiện thực, mình đã thực hiện được lời hứa đối với mẹ rồi Minh ạ. Mình mừng lắm…
Nhớ lại khi mình nhận được thông báo đỗ vào lớp 10 Anh - Trường PTTH Chuyên Lương Văn Tuỵ, mẹ đã nói: “Mẹ có quyền hy vọng rằng con của mẹ sẽ thực hiện tiếp ước mơ của mẹ. Chỉ khi con được học trong môi trường chuyên, lớp chọn thì mẹ mới tin tưởng rằng con có thể thi đỗ vào ngôi trường đại học mẹ từng ao ước nhưng chưa bao giờ được đặt chân tới…”
Trong suốt quá trình học cấp III, mẹ thường xuyên theo sát để chọn thầy, chọn sách, hướng dẫn mình định hướng khối thi chuẩn bị cho kỳ thi đại học này. Trong một buổi tối đèo mình đi học thêm, mẹ tiết lộ: “Đây là ngôi trường mà mẹ đã hai lần nộp đơn dự thi, nhưng đều thi trượt…”
Thế là mình tò mò: “Ngôi trường này có gì hấp dẫn mà để cho mẹ (theo con mắt của mình là vô cùng quyết đoán, nghiêm khắc, cứng nhắc, tương đối thông minh...vv.. và ..vv..) lại phải thi đến hai lần mà không đỗ? Lên mạng intenet, hỏi những anh chị đi trước mình được biết Trường ĐHKT trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường đã trải qua nhiều giai đoạn chuyển đổi lịch sử và có khởi nguyên từ Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1974. Tháng 3/2007, trường chính thức trở thành Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Trường ĐHKT không ngừng nâng cao chất lượng về đào tạo, nghiên cứu khoa học và các dịch vụ khác nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Trường ĐHKT đã được xã hội biết đến như là một trường đại học trẻ, năng động, có tầm nhìn và quyết tâm phát triển theo hướng chất lượng và đẳng cấp quốc tế. Vị thế và uy tín của Nhà trường đang dần được củng cố và nâng cao. Các hoạt động của trường, đặc biệt là đào tạo và nghiên cứu khoa học, đã bước đầu đạt được một số thành tựu cơ bản, tạo nền tảng để trường tiếp tục phát triển đột phá theo hướng chất lượng và hiệu quả: Về đào tạo, đã tiến hành đánh giá, phân tích, rà soát chuẩn hóa các chương trình đào tạo đã có, mở thêm một số mã ngành mới, chú trọng Chương trình chất lượng cao, Chương trình đẳng cấp quốc tế (16+23), sau đại học, phát triển đào tạo liên kết với nước ngoài chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên.

Năm 2009, Trường đã được Ban Tổ chức Trung ương và ĐHQGHN tin cậy, giao nhiệm vụ phối hợp với Đại học Uppsala (Thụy Điển) đào tạo Thạc sĩ Quản lý công của Chương trình tạo nguồn lãnh đạo cho Đảng và Nhà nước (Đề án 165). Về nghiên cứu khoa học, Trường ĐHKT đã và đang khẳng định được vị trí trong nước cũng như trên thế giới.
Hoạt động NCKH của Trường ĐHKT có một số đặc thù như: nghiên cứu gắn liền với đào tạo và mang tính mở; kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, giữa các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Hoạt động nghiên cứu của Trường ĐHKT phát triển theo định hướng “nghiên cứu phục vụ trực tiếp công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường; nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến thực tiễn và chính sách phát triển kinh tế - xã hội và doanh nghiệp; nghiên cứu những vấn đề liên ngành mới cũng như những vấn đề cấp bách, nảy sinh trong quá trình vận hành và phát triển của nền kinh tế nói chung và của Trường ĐHKT - ĐHQGHN nói riêng”.
Trường đã có những đề tài và chương trình nghiên cứu khoa học lớn (3 đề tài cấp nhà nước, 3 chương trình nghiên cứu lớn) và số lượng và chất lượng đề tài các cấp tăng nhanh. Và đặc biệt, năm 2009 Trường ĐHKT được Hội đồng Lý luận Trung ương "đặt hàng" Báo cáo Kinh tế Việt Nam thường niên, và tháng 8/2010 lãnh đạo Trường ĐHKT đã chuyển giao kết quả nghiên cứu này cho Hội đồng Lý luận Trung ương.
Trường ĐHKT đã tổ chức hoặc  tham gia tổ chức thành công một số hội thảo quốc gia và quốc tế. Với sự tham gia của các học giả nổi tiếng thế giới như GS. Tom Cannon - nhà hoạch định chiến lược phát triển hàng đầu thế giới; GS. TS. Susan Schwab - Nguyên Đại sứ thương mại Hoa Kỳ...
Trường ĐHKT đang dần trở thành điểm đến của tri thức thế giới. Trường ĐHKT hiện có mối quan hệ hợp tác với hơn 30 trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc 12 nước và vùng lãnh thổ. Trường đã xây dựng một hệ thống các đối tác chiến lược trong nước gồm hơn 20 tập đoàn kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp và các ngân hàng hàng đầu Việt Nam như: Tập đoàn Gami, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Liên Việt, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội…Với những thành tích đã đạt được kể từ khi thành lập, Trường ĐHKT đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý, bằng khen, giấy khen của Đảng, Nhà nước và ĐHQGHN.
Ôi! Một phút giới thiệu về trường đã làm cho mình quên mất chưa hỏi thăm sức khoẻ của bạn. Minh đã nhập học chưa? Có được ở trong ký túc xá không? Béo hay gầy? Viết thư báo tin cho mình với nhé! Hiện giờ mình đang nghỉ “xả hơi”, “rửa tay, gác kiếm” sau một thời gian 3 năm tích luỹ kiến thức, 6 tháng ôn luyện miệt mài, và 2 ngày vật vã làm bài dưới cái nắng tháng 7 nóng như thiêu như đốt… Có lẽ Minh sẽ thắc mắc vì sao mình phải “lao tâm, khổ tứ” như vậy… Bạn có biết không, bao năm nay, điểm thi đầu vào trường mình luôn ở “top” đầu các trường đại học, cao đẳng trong cả nước (từ 21 đến 23 điểm). Đây là một cái mốc để cho mình phấn đấu đấy.
Khoa Tài chính - Ngân hàng thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN mình đang theo học có các ưu điểm như là: các chương trình đào tạo luôn được cập nhật và đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Khoa có mối liên hệ hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng, các doanh nghiệp, các công ty Kế toán - Kiểm toán trong nước và các đối tác đào tạo có uy tín ở nước ngoài. Đặc biệt, Tài chính Ngân hàng là một ngành được ưu tiên của Trường ĐHKT và của ĐHQGHN trong đầu tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, và có ưu thế của một khoa mới thành lập trong việc lựa chọn các chuyên gia có trình độ cao tham gia đào tạo và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.
Qua tìm hiểu mình được biết: Khoa Tài chính - Ngân hàng đã triển khai liên kết đào tạo với các ngân hàng, các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài để tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về tín dụng ngân hàng, quản trị tài chính, kế toán tổng hợp… Khoa đang thực hiện triển khai các chương trình liên kết đào tạo, hợp tác với Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), Ngân hàng cổ phần quân đội, Tập đoàn NOMURA (Chi nhánh Hồng Kông), ACCA… và khoa đang tiếp tục mở rộng quan hệ với các ngân hàng thương mại trong nước, các tổ chức và công ty tài chính, các doanh nghiệp uy tín với phương châm: các ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ khoa trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Khoa sẽ cung cấp cho các ngân hàng và doanh nghiệp những sinh viên ưu tú.
Mình luôn hy vọng rằng, trong thời gian tới, Trường ĐHKT - ĐHQGHN của mình sẽ hoàn thiện mô hình đại học nghiên cứu, trong đó phát triển, cấu trúc các Khoa thành các School (Kinh tế; Kinh doanh; Quản lý), một số Trung tâm nghiên cứu thành các Viện (Kinh tế phát triển; Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách), xây dựng một số Viện nghiên cứu (Quản lý kinh tế; Quản trị kinh doanh;…), các Labo nghiên cứu chiến lược, tạo dựng vườn ươm doanh nhân, doanh nghiệp và các trung tâm dịch vụ.  
Xây dựng qui mô đào tạo dự kiến khoảng 8 - 10 nghìn sinh viên, trong đó tỷ lệ đào tạo sau đại học chiếm khoảng 40 - 45% ; đào tạo đẳng cấp quốc tế, chất lượng cao (hệ cử nhân) và liên kết đào tạo quốc tế đạt trên 30 - 35%; số còn lại là các hình thức đạo tạo khác. Số sinh viên nước ngoài học tập tại trường dự kiến khoảng 300 - 500. Phần lớn các ngành, chuyên ngành đào tạo được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng có uy tín trong và ngoài nước. Đồng thời phát triển được khoảng 5 - 7 nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu lớn, có tính liên ngành cao, tạo được các sản phẩm nghiên cứu đỉnh cao. Đến năm 2020, toàn trường đạt khoảng 400-450 bài báo quốc tế và hình thành được nhóm think-tank về kinh tế có uy tín cao ở trong và ngoài nước.  
Đặc biệt, nhà trường sẽ xây dựng được cơ sở vật chất hiện đại ở Hòa Lạc và tích lũy được nguồn tài chính dồi dào đáp ứng được yêu cầu phát triển, và hình thành môi trường làm việc trong đó các giá trị cốt lõi được thể hiện rõ nét, được mọi thành viên tôn trọng, tự hào và là điểm đến của các nguồn lực phát triển đại học hiện đại.
Kiến thức và những sự hiểu biết về ngôi trường mình đang theo học là vô cùng ít ỏi đối với một sinh viên năm nhất như mình. Nhưng mình tin tưởng rằng chỉ 4 năm nữa thôi, mình sẽ rất tự tin để có thể giới thiệu với tất cả những ai có nhu cầu tìm hiểu mọi điều kỳ thú và bổ ích về trường đại học kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Cho mình gửi lời hỏi thăm bố mẹ, và út Lan nhé. Nếu năm tới út Lan có ra ngoài Bắc thăm ông bà, hãy bảo nó đến gặp mình. Mình sẽ tư vấn cho nó nên thi khối nào và chọn trường gì để đăng ký dự thi đại học. Biết đâu đấy nó và mình sẽ học chung trường.
Gửi Minh một chút lạnh miền Bắc, một chút hồng của cánh đào Nhật Tân và một chút sương mai lãng đãng của mặt nước Hồ Tây gợn sóng.
Nhớ bạn nhiều lắm!
………….


Lời kết
40 năm một chặng đường dài

5 năm tuổi không còn thơ dại

Đại học Kinh tế - nơi ươm mầm cho thời đại

Những cử nhân sẽ đưa đất nước tựa Rồng bay!

Rồi mai đây, từ mái trường này

Chúng tôi sẽ tạm biệt thày cô, bè bạn.

Quên sao được những ngày oi bức

Những đêm đông trùm chăn thức ôn bài…

Rồi hối hả trong những sớm mai

Đến giảng đường để trả bài đúng lịch.

Quên sao được thày Quang, cô Hằng, cô Thu, cô Thuỷ

Cho chúng tôi những kiến thức bổ ích để bước tiếp vào đời.

Đại học Kinh tế… Đại học Kinh tế ơi…

Chúng tôi - Những sinh viên: Kinh tế, Ngân hàng, Quản trị Kinh doanh…

Sẽ làm rạng danh cho cái tên thân thương ấy!

Hẹn gặp lại…
Ngày trở về. 

Trích đăng từ tác phẩm của Nguyễn Thị Ngọc Anh (QH-2011-E TCNH CLC) Giải Ấn tượng cuộc thi viết "Trường Đại học Kinh tế và tôi"