Trang tin tức sự kiện
 
FOE - COE - UEB: Kỳ vọng về một tương lai khởi sắc

ThS. Nguyễn Hải Minh
Là một sinh viên thuộc Khoa Kinh tế, nay là Trường ĐHKT, vào những năm đầu của thế kỷ XXI, trải qua hơn 10 năm gắn bó với mái trường thân yêu, được cảm nhận những thay đổi rõ nét của Trường ĐHKT, tôi muốn chia sẻ một vài cảm nhận của mình về sự thay đổi của Nhà trường trong thời gian qua.


Tôi bước chân vào giảng đường đại học năm 2001, đến với Khoa Kinh tế, với tên tiếng Anh lúc đó là Faculty of Economics, được viết tắt là FOE. FOE của chúng tôi lúc đó chỉ có khu giảng đường chính ở nhà G1, nằm lọt thỏm phía trong các khu giảng đường của Trường Đại học Sư phạm. Lớp tôi trong cả 4 năm đại học chỉ học duy nhất tại một phòng học và mỗi người thường cũng chỉ ngồi duy nhất tại một vị trí trong phòng học đó. Không gian FOE của chúng tôi lúc đó đơn giản là như vậy, thỉnh thoảng lắm mới “mở rộng địa bàn” sang một số lớp học chung ở nhà G2.
Những đổi thay

Rồi FOE có bước chuyển thành COE (College of Economics) và bây giờ là UEB (University of Economics and Business). Không phải đơn thuần chỉ là bước chuyển trong tên gọi. UEB bây giờ so với FOE thì đã thay đổi nhiều lắm rồi.

Cơ sở vật chất không còn giới hạn trong khuôn viên giảng đường G1 hay một phần nhà E1 như trước kia, giờ UEB đã có khu văn phòng làm việc tương đối hiện đại tại nhà E4, có 2 khu giảng đường khá lớn tại Mỹ Đình và Việt Úc. Hầu hết phòng học giờ đã được trang bị các thiết bị hiện đại với máy chiếu và điều hòa nhiệt độ, không như chúng tôi ngày xưa, được “xông hơi” miễn phí vào mỗi trưa hè với chỉ dăm ba chiếc quạt trần phe phẩy.

Cái tên UEB cũng đã phản ánh được sự đa dạng trong các chương trình đào tạo mà sinh viên hiện nay được lựa chọn. Từ chỗ chỉ được học ngành Kinh tế Chính trị, giờ đây sinh viên đã có đến 5 ngành học chính quy để lựa chọn. Nếu sinh viên có khuynh hướng nghiên cứu có thể lựa chọn Khoa Kinh tế Chính trị hay Kinh tế Phát triển, nếu sinh viên có “máu kinh doanh” hơn thì có thể lựa chọn Khoa Quản trị Kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng hay Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế. Đấy là chưa kể cả chục chương trình liên kết đào tạo với nhiều đối tác nước ngoài khác mà chúng tôi ngày xưa có mơ cũng không thấy được.

Chương trình đào tạo được mở rộng, đội ngũ cán bộ giảng viên của UEB giờ cũng đã có sự đa dạng hơn so với FOE ngày trước. Bên cạnh những cán bộ giảng viên đầy kinh nghiệm, phần đông được đào tạo tại các nước Đông Âu trước kia, giờ đã có những giảng viên trẻ, tốt nghiệp tại các nước tư bản phát triển. Bên cạnh những cán bộ giảng viên “thuần Kinh tế Chính trị”, học tập và ở lại làm việc tại Trường, đã có nhiều cán bộ, giảng viên dù không là sinh viên Trường ĐHKT, nhưng đã chọn Trường ĐHKT làm ngôi nhà để toàn tâm đóng góp và phát triển. Chính điều này đã tạo nên một UEB đa dạng hơn, một sự đa dạng trong thống nhất, thống nhất vì mục tiêu phát triển Nhà trường.

Sinh viên Nhà trường cũng ngày càng năng động hơn. Hồi sinh viên tôi cũng tham gia công tác Đoàn - Hội, cả FOE chỉ có duy nhất một câu lạc bộ sinh viên thì giờ đây sinh viên UEB có đến gần chục câu lạc bộ để lựa chọn sinh hoạt.

Trước kia kinh phí hoạt động phần nhiều trông chờ vào Ban Chủ nhiệm khoa, sinh viên bây giờ đã biết mời nhiều doanh nghiệp tham gia tài trợ các chương trình. Tính chủ động của sinh viên cũng ngày càng được thể hiện rõ nét, ngày xưa rất khó có chuyện sinh viên được làm Phó Bí thư Đoàn trường hay Chủ tịch Hội Sinh viên, điều đó bây giờ đã trở nên bình thường. Sinh viên UEB cũng tham gia nhiều hơn vào các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế. Nhiều gương mặt sinh viên của Nhà trường đã tham gia vào các diễn đàn thanh niên toàn cầu.

Nói về sinh viên thì cũng không thể không nhắc tới đội ngũ cựu sinh viên. Trong quá trình công tác của mình, tôi may mắn được gặp và trao đổi với nhiều cựu sinh viên của Trường. Mỗi lần như vậy các anh chị lại nhắc tới các thầy cô, nhắc đến nhiều kỷ niệm không thể nào quên dưới mái Trường ĐHKT. Hầu hết các anh chị đều đang thành đạt trong cuộc sống, nhiều người nắm giữ những trọng trách tại các cơ quan Nhà nước, một số lượng không nhỏ đang giữ cương vị lãnh đạo tại các doanh nghiệp. Mỗi lần có dịp gặp nhau, câu chuyện lại xoay quanh chủ đề về mái trường xưa: Trường mình dạo này có gì đổi khác không? Cô Mai còn dạy không nhỉ? Ngày xưa mình sợ nhất là tiết của thầy X… Cứ như vậy, cuộc trò chuyện dường như chẳng bao giờ kết thúc.

Kỳ vọng về một tương lai khởi sắc

Tôi thường nghe các cụ nói, cuộc đời mỗi con người, khi bước sang giai đoạn 40 sẽ là giai đoạn quan trọng nhất để phát triển sự nghiệp. Trường ĐHKT, với gần 40 năm truyền thống, có lẽ cũng đang bước vào một giai đoạn phát triển mới vô cùng quan trọng. Mỗi người có một kỳ vọng riêng về sự phát triển của Nhà trường, tôi cũng vậy.

Với tôi, Trường ĐHKT trong tương lai sẽ có nhiều chương trình đào tạo được đánh giá chất lượng cao, không chỉ ở tầm khu vực ASEAN mà còn ở cấp độ châu lục và hơn thế nữa.

Khuôn viên Trường ĐHKT sẽ thật rộng rãi, thoáng đãng, nhiều thảm cỏ và khu vui chơi cho sinh viên. Các phòng học được thiết kế hiện đại, trang bị đầy đủ và phòng thư viện thì đầy ắp sách.

Cán bộ giảng viên Nhà trường sẽ tương đối khó khăn trong việc tìm chỗ đỗ xe, vì khi đó mỗi người đều sở hữu chiếc xe ô tô riêng của mình. Cũng may mà họ quá bận với nhiều chương trình hội thảo trên khắp thế giới nên cũng không dễ có dịp để tập trung một lúc tại Trường.

Các học sinh sẽ rất khó khăn khi thi vào Trường ĐHKT, điểm thi đầu vào của Trường luôn ở top cao nhất khối ngành kinh tế cả nước. Cũng khó khăn cho họ khi lựa chọn công việc lúc ra trường, vì quá nhiều công ty lớn muốn họ đến làm việc.

Hội Cựu sinh viên của Trường hàng năm đều tổ chức những chương trình gặp mặt lớn và một danh sách dài được lập ra vinh danh những cựu sinh viên có nhiều đóng góp cho xã hội hoặc đạt được những thành công vượt bậc trong giới nghề nghiệp...

Còn nhiều, nhiều kỳ vọng nữa trong tôi về tương lai phát triển của Trường ĐHKT. Dĩ nhiên là sẽ rất khó khăn nhưng tôi chắc chắn là UEB sẽ làm được và tôi tin là mình không ảo tưởng.

>>> Xem bản PDF tại đây.

ThS. Nguyễn Hải Minh

Phó Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội, Sinh viên Khoa Kinh tế, Khóa 46


(Trích Kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển)