Trang tin tức sự kiện
 
“Bài toán” của phụ huynh và học sinh trong chọn trường - chọn ngành

Hàng năm, vào mùa tuyển sinh đại học, bên cạnh áp lực ôn thi, áp lực chọn trường, chọn ngành cũng là một trong những khó khăn không nhỏ cho học sinh lẫn phụ huynh.


Thực trạng việc làm

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hoặc làm các công việc không đúng chuyên ngành. Chính đều này đã tạo ra tâm lý vô cùng lo lắng cho phụ huynh và học sinh trong việc chọn ngành, chọn trường để theo học. Ngành nào ra trường sẽ dễ kiếm việc? Ngành nào lương cao? Trường nào tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi phụ huynh chọn trường cho con.

Cũng theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo từ nay đến năm 2025, lực lượng lao động ở nước ta tăng bình quân hàng năm 1,28%, tương ứng 723 nghìn người/năm. Quy mô lực lượng lao động tăng lên 62 triệu người năm 2025. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 việc làm mới. Thế mới cho thấy, xã hội vẫn rất cần nhân lực trong khi đó sinh viên sau khi ra trường lại thất nghiệp! Vậy, nguyên nhân là do đâu?

Cách mạng 4.0 và yêu cầu nhân lực chất lượng cao!

Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Bản chất của CMCN lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Đây còn được gọi là cuộc cách mạng số, vì chúng ta sẽ được chứng kiến công cuộc "số hóa" thế giới thực thành thế giới ảo.

Cách mạng 4.0 sẽ tiến tới loại bỏ những công việc phổ thông hoặc mang tính chất lặp đi lặp lại, thay thế toàn bộ bằng máy móc. Nhưng đồng thời, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc lại tăng lên.

Có thể thấy, nguồn nhân lực tốt là sự quyết định sống – còn của một doanh nghiệp. Vì vậy, không lạ khi các tổ chức/doanh nghiệp hiện nay đòi hỏi đội ngũ nhân sự của mình ngoài có trình độ tay nghề - chuyên môn còn phải có trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, sáng tạo, làm chủ được công nghệ.

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên dù tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn bị nhà tuyển dụng từ chối vì thiếu kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm. Các doanh nghiệp, tổ chức luôn mong muốn các nhân sự mới có khả năng thích nghi nhanh với môi trường làm việc, khả năng giao tiếp phù hợp với môi trường công việc, tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp, khả năng tương tác làm việc nhóm, khả năng tư duy logic và các kỹ năng mềm khác trong xử lý công việc.

“Cuộc chiến” chọn trường, chọn ngành

Tháng 3 là thời điểm nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề công bố thông tin tuyển sinh. Đến thời điểm nay, nhiều thí sinh đã có quyết định cho việc chọn trường, chọn ngành để theo học và trang bị hành trang kiến thức cho tương lai. Nhiều thí sinh chọn trường, chọn ngành vì “em ước muốn được làm nghề A, B, C…” trong tương lai, song cũng không ít thí sinh chọn ngành, chọn trường theo định hướng của gia đình, do anh chị em bảo “học trường ấy hay lắm”; cũng không ít thí sinh chọn trường đại học vì “Bố em bảo, đời bố khổ, con nhất định phải học đại học”.

Phụ huynh bị áp lực trước sức cạnh tranh của xã hội, trước tâm lý “cần có nghề nghiệp ổn định” còn con trẻ bị áp lực vì “em cần có một tấm bằng”.

Nhận thức được thực trạng và nhu cầu xã hội, nhiều trường đại học đã chủ động chuyển tải các thông tin của trường tới các phụ huynh và thí sinh. Không ít trường đã chủ động tư vấn nghề nghiệp cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường THPT. Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là một ví dụ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thư - Phó trưởng Phòng Chính trị và Công tác sinh viên - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết: Hàng năm, chúng tôi thường chủ động tổ chức tới các trường phổ thông, tham gia các ngày hội tư vấn việc làm nhằm tư vấn cho các em học sinh và phụ huynh trong việc chọn trường, chọn ngành; đồng thời giới thiệu về các ngành nghề đào tạo của Trường. Chúng tôi thường xuyên hợp tác tuyển dụng sinh viên với các đối tác lớn ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên yêu cầu của các nhà tuyển dụng ngày càng cao, nếu như trước kia chỉ cần có bằng giỏi, bằng khá là có thể có công việc tốt với mức lương khá nhưng bây giờ ngoài bằng cấp nhà tuyển dụng còn yêu cầu ở sự năng động, hội nhập, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá, cũng như khả năng ngoại ngữ của các em.

 
 Bà Nguyễn Thị Thư, Phó Trưởng Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội

Bà Thư cũng cho hay, theo thống kê của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của trường này lên đến 95% (số liệu năm 2016 - 2017).

Bên cạnh đó trong quá trình học tập 4 năm tại trường sinh viên được tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá, nhiều chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, các em được tham gia thực tế tại các doanh nghiệp, tổ chức từ năm thứ 2 và thực tập từ năm thứ 3; bên cạnh đó Trường ĐHKT cũng thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm để định hướng việc làm, trang bị cho các em kỹ năng xin việc hiệu quả.

Trong quá trình đào tạo, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đặc biệt chú trọng đến công tác hợp tác quốc tế tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên của trường có cơ hội nắm bắt những kiến thức mới và hoà nhập với môi trường giáo dục quốc tế và thực tiễn nghề nghiệp.

 

Hội thảo nâng cao chất lượng giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB)

 

Dantri.com.vn